Vực dậy để vượt qua đại dịch

00:00 12/10/2020

Trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, tuy nhiên vẫn có những công ty nỗ lực vượt qua khó khăn, vực dậy hoạt động và tìm cách thích nghi với thời cuộc.

Vực dậy để vượt qua đại dịch

Ô tô là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề trong cuộc khủng hoảng lần này, khi doanh số sụt giảm không phanh trước nhu cầu đi lại giảm mạnh, cộng thêm thu nhập của người dân suy yếu. Như tại Mỹ, lượng xe bán ra gần đây giảm đến 20% so với cùng kỳ, trong khi tại Trung Quốc mức sụt giảm lên tới 80%, còn châu Âu giảm sút 50%.

Hệ quả là hàng loạt nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô bị đóng cửa, phần vì không tiêu thụ được hàng phần vì các hãng phải tạm ngưng để bảo vệ nhân viên, tránh lây lan dịch trên diện rộng. Không lùi bước trước khó khăn, nhiều hãng xe chuyển sang sản xuất máy thở và các thiết bị y tế, như General Motors và Ford tại Mỹ, Volkswagen và Daimler tại Đức, Bentley tại Anh và Ferrari tại Ý. 

Ở lĩnh vực dệt may, trước tình trạng đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất khẩu trang và quần áo phòng hộ, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các quốc gia đang đau đầu ứng phó với bùng phát dịch bệnh. 

Như công ty Dawn Polymer tại Trung Quốc chuyên sản xuất vải polyme vốn được sử dụng làm khẩu trang y tế, tài sản của vợ chồng sở hữu doanh nghiệp này đã tăng gần 2 tỷ USD chỉ trong thời gian ngắn vừa qua. Được biết, sau giai đoạn đầu khó khăn chống dịch, ngành sản xuất khẩu trang của Trung Quốc đã đạt doanh thu khủng, giúp nhiều doanh nghiệp bỗng chốc thoát khỏi khó khăn và phất lên nhanh chóng.

Trong cuộc khủng hoảng lần này, một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh tái cấu trúc. Với những doanh nghiệp bán lẻ, việc tập trung phát triển thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến bỗng nhiên trở thành bắt buộc để đối phó với dịch bệnh. 

Song song đó, nhiều doanh nghiệp tìm cách đóng bớt các kênh phân phối vật lý để tiết giảm chi phí. Khi dịch bệnh qua đi, nếu tồn tại, nhiều công ty đã vô tình chuyển dịch mô hình kinh doanh, mà nếu không có dịch bệnh ắt hẳn sẽ chưa thay đổi.

Khi nhiều quốc gia đóng cửa biên giới, hạn chế giao thương, không ít doanh nghiệp tích cực liên kết, sử dụng hàng hóa của nhau để cùng vượt qua khó khăn. Điều này về lâu dài có thể làm thay đổi chuỗi cung ứng. 

Một số doanh nghiệp cũng tích cực chuyển dịch sản xuất, kinh doanh sang những sản phẩm mà xã hội đang cần, hoặc đáp ứng nhu cầu giải cứu các mặt hàng, nguyên vật liệu đầu vào nhằm tận dụng nguồn lực sản xuất và lực lượng lao động sẵn có.

Với những doanh nghiệp gặp quá nhiều khó khăn và chưa thể chuyển dịch mô hình hoạt động để thích nghi với thời cuộc, việc tìm kiếm cơ hội tiếp cận các gói giải cứu, hỗ trợ từ Chính phủ và ngành ngân hàng là giải pháp tốt nhất vào lúc này, để tạm thời sống sót qua giai đoạn khủng hoảng, từ đó mới có cơ hội phục hồi khi dịch bệnh qua đi. 

Gia Lê