Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế là dấu ấn rất Việt Nam

14:56 08/11/2020

Doanh nghiệp & Hội nhập trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam (VINASME). Bài viết đánh giá Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính Phủ đồng thời, đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị về phát triển kinh tế, hoàn thiện chính sách về môi trường kinh doanh.

Vừa qua, Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ đã thu hút được sự quan tâm nhiều hơn từ cộng đồng DNNVV Việt Nam so với các lần trước. Đó là tín hiệu rất đáng mừng, bởi lẽ là doanh nhân phải hiểu được tình hình của đất nước, phải hiểu được đường lối chính sách của Đảng và nhà nước, để xây dựng kế hoạch và định hướng đi cho doanh nghiệp mình.

Trong bài viết này, xin nêu một vài điều tâm đắc, một vài đề xuất. Đó cũng chính là những điều đã nhận được sự đồng thuận tương đối cao từ cộng đồng các DNNVV Việt Nam.

Thứ nhất, các giải pháp, quy định cụ thể để chống dịch tuy hạn chế giao thương nhưng đã phát huy hiệu quả nhiều mặt. Các quy định về giãn cách xã hội luôn đối lập với giao lưu phát triển kinh tế.  Nhưng, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã xử lý được trở ngại này, con số tăng trưởng kinh tế đạt 2,18% đã chứng minh điều đó. Đó là thành công quan trọng, đáng tự hào.

Đây là kết quả phản ánh sự nỗ lực quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong chống đại dịch Covid-19. Nhờ khống chế được dịch, Việt Nam mới có điều kiện đủ để phục hồi và phát triển kinh tế. Trong “cuộc chiến” này, “đầu sóng ngọn gió” là Chính phủ và sát bên cạnh là nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đó là hình ảnh rất đẹp, theo mọi nghĩa.
Qua “cuộc chiến đấu” này, đã có nhiều sự thay đổi trong hành động của các doanh nghiệp, trong đó điều đặc biệt ấn tượng là việc tăng trưởng 25% trong áp dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong quản lý, điều hành, bán hàng, sản xuất... của các DNNVV Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Đó chính là sự thích nghi cần thiết để vượt qua trở ngại của giãn cách xã hội. Kết quả này được tạo nên ở một phần bởi yếu tố dẫn dắt đi đầu của Chính phủ được bắt đầu trong từ những phiên họp, hội nghị chỉ đạo, điều hành trực tuyến, của Chính phủ, rồi các bộ ngành địa phương cũng làm theo, từ đó tạo nên hiệu ứng lan toả đến cộng đồng.

Doanh nghiệp đón cơ hội bật dậy trong thời kỳ hậu COVID-19

Nhiều doanh nhân tâm sự: Chúng tôi thay đổi nhận thức về áp dung CNTT trong hoạt động của doanh nghiệp mình, được bắt đầu bằng việc thụ hưởng các dịch vụ hành chính công trực tuyến như cổng dịch vụ công Quốc gia, hải quan điện tử, khai báo thuế... Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì rằng nó tạo nên xu hướng áp dung thương mại điện tử và số hoá trong các DNNVV.

Thứ hai, Chính phủ đã rất quyết liệt trong chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kết hợp với công khai những khuyết điểm hạn chế trong bộ máy chính quyền các cấp trong các sự việc, tắc trách, quan liêu, nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Việc người đứng đầu Chính phủ có một số lần trong chỉ đạo đề cập đến những việc rất cụ thể, đôi khi nhắc đến tên một vài doanh nghiệp, người dân đang gặp phải những khó khăn vướng mắc trong hoạt động và cuộc sống đã truyền cảm hứng rất lớn trong cộng đồng.

Nhiều người dân, doanh nghiệp tin rằng nếu gặp những khó khăn phiền hà, vòi vĩnh hoặc những quy định pháp luật không hợp lý có thể kiến nghị, báo cáo giải với nhiều cơ quan hữu quan và sẽ được lắng nghe, được tôn trọng.

Điều này đã tạo nên sự cân bằng, công bằng trong xử lý các mối quan hệ giữa các chủ thể khác nhau trong xã hội, giảm bớt những áp lực tâm lý cho doanh nghiệp, người dân. Theo đó, đã tác động tích cực vào tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp. Cũng chính yếu tố này góp phần tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức “thượng tôn pháp luật” cao hơn trong tững chủ thể của nền kinh tế. Đây là điều kiện để tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi, bền vững, thân thiện và nhà nước pháp quyền.

Thứ ba, mặc dù phần phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và 5 năm 2021 - 2025 đã khái quát toàn diện, đúng đắn và bao gồm nhiều hàm ý. Nhưng dưới góp độ doanh nghiệp và kinh tế đề xuất Chính phủ xem xét về khi triển khai cần xác lập rõ hơn một số mục tiêu (đối với phần đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, thái độ là ưu tiên sẽ là tập trung chỉ đạo dứt điểm một số công trình, không để kéo dài thời gian thi công gây khó khăn phiền hà cho giao thông của người dân, thời gian lưu thông hàng hoá của doanh nghiệp, đặc biệt là của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đối với chương trình xây dựng nhà xã hội cho người lao động sẽ tập trung ưu tiên cho các dự án xây dựng nhà/căn hộ chuyên dùng cho thuê với giá rẻ, trong mọi trường hợp không cho phép bán, chuyển nhượng để hạn chế tình trạng “đầu cơ bất động sản” đã và đang làm giảm ý nghĩa nhân văn trong chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Tách biệt với chính sách, chương trình nhà ở giá thấp (có bán) cho các hộ nghèo không có nhà ở.

Cần phải gia tăng nhanh chóng năng lực công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển, năng lực cải tiến kỹ thuật, đổi mới sáng tạo áp dụng các công trình nghiên cứu khoa học để tăng nhanh năng suất cho doanh nghiệp.

Trong mục tiêu tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có trong nước, rất cần “mở kho” các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học trong nước do Bộ Khoa học và Công nghệ đang quản lý, đây là nguồn tài nguyên có giá trị, quý đối với đất nước, xã hội và với cộng đồng kinh doanh. Rất cần một cơ chế để cộng đồng doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, tham khảo, khai thác tránh lãng phí.

TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam