“Vua” chanh tứ quý trên vùng đất nhãn

00:00 12/10/2020

Từ trẻ bán báo, lăn lộn làm thuê khắp chốn, đi xuất khẩu lao động 7 năm tại Nga, anh trở về quê hương và trở thành “vua” chanh tứ quý trên vùng đất nhãn.

Anh Hà bên vườn chanh trĩu quả. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Anh là Nguyễn Hữu Hà, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, người khởi nghiệp đầu tiên đưa giống chanh tứ quý về trồng ở vùng đất nhãn trên quy mô lớn với sản lượng lên đến hàng trăm tấn một năm. Chanh anh trồng hiện đang được phân phối trong cả các hệ thống siêu thị các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Đứa trẻ bán báo giàu nghị lực

Sinh ra trong gia đình nghèo, anh Hà chỉ được học tới biết đọc, biết viết. Năm 13 tuổi, Hà đã gia nhập tổ bán báo xa mẹ ở Hà Nội. Năm 18 tuổi, Hà đi nghĩa vụ quân sự cho tới năm 21 tuổi.

Trở về quê hương, không cam chịu cảnh sống nghèo khó, anh lăn lộn đủ thứ nghề để tìm kiếm thành công. Ngay sau khi đi bộ đội về, anh Hà đã sang Trung Quốc mua hoa quả về bán tại chợ Long Biên, Hà Nội.

Sau 1 năm có chút vốn liếng, anh lên Lục Ngạn, Bắc Giang ấp ủ giấc mộng làm ông chủ lớn. Anh Hà thuê 4 ha đất trồng vải thiều. Tuy nhiên, khi cây vải cho sản lượng cao thì điệp khúc được mùa, mất giá lại diễn ra 2 năm liên tiếp. Anh phải bán toàn bộ trang trại trả nợ và dành ít tiền còn lại đi Nga theo diện xuất khẩu lao động.   

Sau 7 năm lăn lộn kiếm sống, làm thuê cho các nông trang ở Nga, Hà trở về quê hương vẫn với hai bàn tay trắng. Anh nghĩ: "đất đai ở quê trù phú, bát ngát, vườn tược nhà anh tương đối rộng, gần 2 mẫu trồng cây ăn quả nhưng cho thu nhập không cao. Cần phải làm thứ gì đó khác biệt với những gì người khác đang làm thì mới có thể thành công."

Những thất bại cay đắng khi trồng vải ở Bắc Giang đã đưa Hà đến những ý tưởng sáng tạo, táo bạo. Anh quyết định chặt nhãn để trồng chanh tứ quý.

“Cây chanh là cây gia vị được sử dụng thường ngày. Mỗi một gia đình đều phải sử dụng. Nó không phải là cây đặc sản, nên mọi người lại không trồng nhiều như những cây đặc sản vải nhãn, cam, bưởi. Riêng cây chanh là cây đời thường nên mọi người không nghĩ đến”, anh Hà chia sẻ

Chia sẻ về cơ duyên đến với giống chanh tứ quý, anh Hà cho biết, anh may mắn đi lao động tại Nga, trong 7 năm lao động tại đây, mình có quen một chú làm giảng viên Đại học Quốc Gia Hà Nội đi làm nghiên cứu sinh đã giới thiệu cho mình đầu mối nhập giống chanh ở bên Australia.

Tuy nhiên, việc trồng chanh của anh Hà cũng không hẳn là thuận lợi. Khi anh Hà về quê đề xuất trồng chanh thì từ vợ đến bố mẹ, anh em… đều ra sức ngăn cản.  Nhưng tất cả những điều đó không làm anh chùn bước. “Tính mình đã quyết việc gì thì sẽ quyết tâm làm và làm đến cùng.”, anh Hà bộc bạch.

Chanh tứ quý là giống nhập khẩu từ Australia với nhiều ưu điểm như vỏ mỏng, quả chín vàng, rất thơm, mọng nước, vị chua thanh mà không gắt. Khi chín, hạt chanh teo nhỏ lại và bảo quản được tới trên 20 ngày trong tủ lạnh.

Nhưng vì là giống chanh ngoại, chưa quen với khí hậu, thổ những trên vùng đất nhãn, nên khi trồng trực tiếp thì cây chanh phát triển kém, nhiều bệnh. Một lần đi buôn dứa qua nhà một người dân, thấy gốc bưởi nhưng quả thì lại là  chanh. Hỏi ra mới biết đó là chanh đào ghép trên cây bưởi. Nhận thấy phương pháp này sẽ khả thi với chanh tứ quý, nên anh Hà về áp dụng theo và  đem lại kết quả mỹ mãn.

"Cây bưởi có bộ rễ mạnh khỏe nên khi lai ghép chanh với gốc bưởi, cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao", anh Hà cho biết.

Cành chanh tứ quý được ghép vào với gốc cây bưởi. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Đến tỷ phú chanh tứ quý

Dẫn chúng tôi đến thăm vườn chanh sai trĩu quả, anh Nguyễn Hữu Hà phấn khởi cho biết: Từ 7 sào thử nghiệm của gia đình năm 2014, cây chanh phát triển tốt, sai quả, đến nay, tổng diện tích trồng chanh tứ quý nhân giống từ mô hình của anh Hà đã lên đến 30 mẫu.

Trên 30 mẫu chanh dự kiến doanh thu hơn 5 tỷ đồng. Hiện, trang trại của Anh Hà có hơn 30 công nhân với thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng. Sản phẩm chanh tứ quý từ trang trại chanh của anh được xuất chủ yếu đi Trung Quốc và bán trong các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.

Theo anh Hà, mỗi sào chanh tứ quý ghép trên gốc bưởi cho thu từ 1,2- 1,5 tấn quả. Chi phí đầu tư cho chanh cũng thấp hơn các loại cây ăn quả khác rất nhiều. Chanh hiện tại đang bán với giá hơn 20 nghìn/kg, trừ chi phí còn lãi hơn 15 nghìn/kg.

Không thỏa mãn với những gì đang có, anh Hà còn muốn tăng lợi nhuận hơn nữa, và giúp các hộ dân khác cùng làm giàu.

Từ năm 2016, anh bắt đầu liên kết sản xuất với nông dân ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Anh cung cấp cây giống, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc chanh hữu cơ và tìm hướng bao tiêu sản phẩm cho họ.

Hiện nay, anh có 60 cơ sở “vệ tinh” sản xuất chanh tứ quý ở 12 tỉnh, thành phố trong nước với tổng diện tích lên tới 120ha. Đồng thời, anh đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông sản Phú Quý, liên kết những người trồng chanh tứ quý bằng phương pháp hữu cơ trong cả nước để tạo điều kiện thuận lợi trong việc sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Anh Hà cho biết, nhu cầu tiêu thụ chanh trên thị trường thế giới là khá cao. Chanh được người dân sử dụng liên tục cho nhiều mục đích. Hiện nay còn có cả nhu cầu làm nước ép nên yêu cầu về sản phẩm chanh nguyên liệu ngày càng nhiều.

Trang trại chanh tứ quý của Anh Hà nhìn từ trên cao. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Theo anh Hà, điều quan trọng của người làm nông nghiệp sạch là kết nối được sản phẩm làm ra với những khách hàng có nhu cầu.

Ngay khi có sản phẩm anh Hà đã mang sản phẩm đi chào mời các cửa hàng ở quận Hoàn Kiếm, các cửa hàng thực phẩm sạch ở quận trung tâm, vì anh cho rằng, ở những cửa hàng này sẽ có khách hàng khó tính thích hợp với những sản phẩm có chất lượng nên xác suất thành công của anh cũng cao hơn.

 “Không thể làm nông nghiệp theo kiểu bị động, làm ra sản phẩm và ngồi chờ đợi khách hàng tìm đến hỏi mua tìm thì rất khó thành công. Việc tiếp cận với khách hàng là yếu tố quan trọng dẫn đến thành bại của người làm nông nghiệp”, anh Hà chia sẻ

Suy nghĩ như vậy nên anh Hà cứ cần mẫn đi khắp các cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị để giới thiệu sản phẩm của mình.

Và cơ hội đã đến khi anh gặp Trần Quân, CEO của chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển. “Đầu tiên mình có bán ở cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển, lúc đó Sói Biển mới mở 1 cửa hàng. Lúc đó mình có chia sẻ với bạn Quân CEO của Sói Biển, mình có cái mà các bạn cũng đang muốn và từ ngày ấy mình đã đáp ứng nhu cầu về mặt hàng Chanh của các cửa hàng bên đó. Có thể nói mình lớn lên cùng Sói Biển.”, anh Hà bày tỏ.

Hiện nay, sản phẩm chanh tứ quý của anh Hà đã được bày bán ở 35 cửa hàng thực phẩm sạch và nhiều siêu thị lớn nhỏ.

Không những phát triển chanh ăn quả, anh Hà còn táo bạo tạo thế cây chanh tứ quý và tung ra thị trường hàng nghìn chậu chanh cảnh trong dịp Tết.

Anh Hà cho biết, chanh vàng tứ quý (chanh bonsai) có giá từ 2 - 60 triệu đồng/cây. Đối với cây 60 triệu thì người uốn cây phải đạt đến trình độ cao, và các thế trên cây đó phải hoàn mỹ.

Chanh vàng có ưu điểm lâu rụng hơn chanh thường nên rất được ưa chuộng trong dịp Tết. Giá bán chanh quả khoảng 40.000 đồng/kg.

Tết Mậu Tuất 2018, anh thắng lợi với sản phẩm cây chanh cảnh thu về hàng tỷ đồng.

Do nhu cầu thị trường còn lớn, khách hàng rất thích cây chanh cảnh vì độc, lạ nên năm nay, anh lại tiếp tục trồng hơn 1.000 chậu và sẽ xuất bán trong dịp tết Nguyên Đán 2019.

Nói về dự định trong thời gian tới anh Hà khoe: “Tới đây mình sẽ trồng thêm chanh vàng Mỹ, mình rất tin tưởng vào sự thành công của giống chanh này. Hiện, mình đang phát triển trang trại khá to, cái đấy là cái tiền đề để phát triển lâu dài. Mục tiêu thời gian tới mình hướng đến sản xuất, chế biến nước ép, chính vì vậy mình phải tự trồng ra nguyên liệu”. 

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN