Vụ Vietfoods: Quản lý thị trường khẳng định làm đúng quy trình

00:00 12/10/2020

Với lý do nghi ngờ sản phẩm xúc xích của cơ sở chế biến thực phẩm Việt (Vietfoods) có trụ sở tại tỉnh Bình Dương không đảm bảo ATTP, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội tạm giữ 2,2 tấn xúc xích.
Nhưng sau khi Cục ATTP (Bộ Y tế) khẳng định loại hóa chất đó nằm trong ngưỡng an toàn, QLTT đã phải giao trả toàn bộ lô hàng. Điều này đã khiến người tiêu dùng đặt vấn đề văn bản pháp luật có độ “vênh” nhất định.
Văn bản “mở”...
Cuối tháng 4/2016, Chi cục QLTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra lô hàng 3.000 sản phẩm xúc xích nhãn hiệu Vietfoods tại kho đông lạnh của Công ty TNHH Thương mại thực phẩm Hồng Anh (Công ty Hồng Anh). Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia cho thấy, những sản phẩm này đều chứa chất Natri Nitrat 251 nghi gây ung thư với hàm lượng từ 55mg/kg - 100mg/kg. Căn cứ vào kết quả này, Chi cục QLTT Hà Nội đã lập biên bản tạm giữ và xử phạt vi phạm hành chính với Vietfoods.
Cơ quan chức năng kiểm tra sản phẩm tại cơ sở của Vietfoods. Ảnh: Nguyệt Triều
Cơ quan chức năng kiểm tra sản phẩm tại cơ sở của Vietfoods. Ảnh: Nguyệt Triều
Tuy nhiên, đến ngày 17/5, tại buổi họp liên ngành giữa Cục ATTP (Bộ Y tế) và Chi cục QLTT Hà Nội, Cục ATTP lại khẳng định Vietfoods không sai phạm trong quá trình sản xuất. Không đồng ý với ý kiến này, Chi cục QLTT Hà Nội cho rằng “làm đúng quy trình”, đồng thời cho biết chờ ý kiến trả lời của Bộ Y tế trong quá trình xử lý. Ngày 23/5, Bộ Y tế có công văn gửi Chi cục QLTT Hà Nội, trong đó nêu rõ theo quy định của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm và Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (CODEX) thì Natri Nitrat 251 là phụ gia thực phẩm được phép sử dụng đối với sản phẩm pho mát ủ chín hoàn toàn (kể cả bề mặt) với hàm lượng 35mg/kg. Một số nước như Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Canada, Mỹ vẫn cho phép sử dụng Natri Nitrat 251 trong quá trình chế biến thực phẩm.
Ngoài ra, tại Thông tư 19/2012 của Bộ Y tế ban hành năm 2012 nêu rõ: Nếu như các chất phụ gia thực phẩm không có trong danh mục Việt Nam cho phép, nhưng được quốc tế cho sử dụng mà nước ta chưa kịp cập nhật thì Bộ Y tế sẽ xem xét bổ sung. Đây là điều khoản "mở" để xử lý mọi tình huống cho những chất chưa nằm trong danh mục. Như vậy, sản phẩm xúc xích của Vietfoods an toàn cho người sử dụng. Đây là nguyên nhân để Vietfoods cho rằng: Chi cục QLTT Hà Nội đã sai phạm trong quá trình kiểm tra thu giữ sản phẩm của Công ty. Vietfoods yêu cầu QLTT phải thừa nhận sai và xin lỗi, nếu không DN sẽ khởi kiện.
Quản lý thị trường khẳng định làm đúng quy trình
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị chiều 31/5, lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội nêu rõ, trong quá trình kiểm tra, tạm giữ, lực lượng QLTT đã làm đúng quy trình. Vì vậy, QLTT Hà Nội không sai phạm trong quá trình tạm giữ xúc xích Vietfoods. Lý do là bởi hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào cho phép sử dụng chất Natri Nitrat 251 trong thịt chế biến. Ngay cả CODEX cũng chưa cho phép sử dụng. Tuy nhiên, khi Cục ATTP có văn bản thông báo kết luận của hội đồng chuyên môn áp dụng thông lệ quốc tế, cho phép sử dụng Natri Nitrat 251 trong xúc xích, QLTT đã trả hàng và hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính đối với Vietfoods và Công ty Hồng Anh.
Trong khi đó, ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 14, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: Khi tiến hành xử lý vụ việc, ông đã nói chất Natri Nitrat 251 khi ở nhiệt độ cao sẽ bị biến đổi chất và là tác nhân gây ung thư. Điều này dựa trên những thông tin khoa học. “Tôi không hề có phát biểu gì liên quan đến việc xúc xích Vietfoods gây ung thư” - ông Nghĩa khẳng định.
Phản ánh của Chi cục QLTT Hà Nội cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam về ATTP hiện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Cụ thể trong quá trình sản xuất sản phẩm xúc xích, việc sử dụng Natri Nitrat 251 đã có từ khá lâu, nhưng trong Thông tư 19/2012 của Bộ Y tế thì chất phụ gia thực phẩm này lại không có trong danh sách được phép sử dụng. Đây là cơ sở để lực lượng chức năng tạm giữ hàng hóa của DN. Chỉ đến khi Cục ATTP tuyên bố sản phẩm đạt tiêu chuẩn, DN mới được trả lại hàng hóa. Trong trường hợp này với việc văn bản pháp luật chưa theo kịp phát triển kinh tế thì người chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là DN.
Lê Nam/Kinhtedothi.vn