Vụ việc tranh chấp Vinasun – Grab: Vấn đề không của riêng ai!

00:00 12/10/2020

Sau nhiều tháng xét xử vụ án “Bồi thường ngoài hợp đồng” do hãng taxi Vinasun khởi kiện Công ty TNHH Grab Việt Nam (gọi tắt là Grab) của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ( xét xử sơ thẩm ), ngày 4/12/2018, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tạm ngừng xét xử vụ án để Vinasun và Grab (nguyên đơn và bị đơn) thực hiện nguyện vọng, thực hiện quyền được hòa giải như quy định trong Bộ Luật tố tụng dân sự hiện hành là quyết định sáng suốt. Tuy nhiên, vụ án gây tốn kém nhiều thời gian và công sức của các bên tham gia cũng như cơ quan nhà nước (Tòa án) nhắc nhở các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm phát hiện hoặc tiếp nhận, nghiên cứu, ban hành văn bản pháp luật để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Ảnh minh họa

Việc Hội đồng xét xử ngừng xét xử vụ án dân sự nêu trên để các đương sự (nguyên đơn, bị đơn) có điều kiện chuẩn bị các điều kiện liên quan tuy hơi muộn, nhưng rất cần thiết và thể hiện tính khách quan, thận trọng của Hội đồng xét xử. Nếu nguyên đơn, bị đơn thỏa thuận được toàn bộ các vấn đề liên quan vụ án một cách tự nguyện không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội sẽ là cơ sở pháp luật để Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án. Trường hợp các đương sự (nguyên đơn, bị đơn) thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành không chỉ giúp các đương sự tham gia tố tụng trong vụ án này tiết kiệm được thời gian, vật chất mà còn mang đến cho xã hội nhiều lợi ích khác và rất nhân văn, song vẫn đảm bảo được lợi ích, quyền lợi hợp pháp của các bên. Bởi, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự sẽ có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (Điều 213 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015).

Xem xét diễn biến quá trình giải quyết vụ án, nghe ý kiến của luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự, chứng cứ  liên quan vụ án; các căn cứ pháp luật được Hội đồng xét xử thẩm tra; quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tiến hành tố tụng tại phiên tòa; sự quan tâm của dư luận được giới truyền thông phản ánh. Tác giả bài báo đồng quan điểm với nhiều ý kiến đánh giá đây là một vụ án phức tạp, chưa hề có tiền lệ và có một số vấn đề chưa được làm rõ hoặc có thể không thể giải quyết công bằng nếu được quyết định bằng quyết định của bản án. Bởi, Grab không thể tự ý xâm nhập vào Việt Nam để thực hiện hoạt động kinh doanh, nếu không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền hoặc ý kiến của cá nhân nào đó có chức trách trong cơ quan nhà nước - trước khi Grab bị Vinasun kiện đã gây thiệt hại cho nguyên đơn về kinh tế, lợi nhuận. Vấn đề này cần phải làm rõ để xem xét. Không làm rõ vấn đề nêu trên để xác định tư cách tham gia tố tụng của ai đó liên quan cũng gây thiệt hại, nhưng lại áp dụng văn bản pháp luật liên quan xác định cá nhân Grab vi phạm luật gây thiệt hại cho Vinasun 41,7 tỷ đồng là chưa đầy đủ, không công bằng; giá trị thiệt hại do Grab gây ra cho Vinasun dựa trên kết quả giám định của công ty Cửu Long có nội dung (bao gồm cả các xe taxi Vinasun phải nằm bãi...) được dùng làm một trong những chứng cứ xác định đã thực sự chính xác chưa? Lý do, nguyên nhân các xe phải nằm bãi không được đưa vào khai thác có phải do bị Grab tranh khách gây nên hay còn nguyên nhân nào khác? Việc đơn vị cung cấp phần mềm cho Grab để Grab hoạt động kinh doanh gây thiệt hại cho Vinasun có chịu trách nhiệm không? Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh này như thế nào?. Tại thời điểm Grab kinh doanh chưa có Quyết định 24 của Bộ giao thông vận tải về vấn đề thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lí và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng? Đó là những vấn đề pháp lý cần phải làm rõ.

Một thực tế khi người dân tham gia sử dụng dịch vụ vận tải họ được quyền tự do lựa chọn sản phẩm dịch vụ mà họ thấy hài lòng và có lợi ích cao nhất. Nên Vinasun hay Grab đều không thể tự can thiệp vào ý thức tiêu dùng của người dân và càng khó có thể nói Grab tranh khách của Vinasun. Một minh chứng rất sinh động khi trên mạng xã hội có đăng một số hình ảnh khẩu hiệu được dán sau xe taxi truyền thống “Sử dụng taxi truyền thống là bảo vệ tài chính ngoại tệ Quốc gia” cùng với đó là sự đáp trả từ cộng đồng mạng: “Sử dụng taxi công nghệ là bảo vệ tài chính gia đình”.

Ảnh: ictnews

Đối với lợi ích xã hội sự tham gia của Grab vào hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường bộ tại Việt Nam cũng đem lại lợi ích cho hành khách tiết kiệm được kinh phí chi tiêu cá nhân của toàn xã hội; kích thích các doanh nghiệp vận tải taxi truyền thống đổi mới áp dụng công nghệ khoa học tiến bộ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho người thuê xe, đi bằng phương tiện taxi.....

Đối với lợi ích xã hội, nếu hãng taxi truyền thống “là lính bảo thủ” họ vẫn giữ cách thức kinh doanh như hàng chục năm về trước và rất chậm trễ trong công việc tự thay đổi chính mình nhằm mang lại lợi ích tối đa cho người dùng khiến cho hiệu quả kinh doanh cạnh tranh không tích cực, doanh thu ngày càng giảm.

Theo thống kê sơ bộ hiện ở thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 24.000 ô tô tham gia mạng lưới của Uber và Grab, gần gấp đôi so với 11.060 chiếc taxi truyền thống đang hoạt động; còn tại Hà Nội trong khi taxi truyền thống chỉ có 19.265 xe thì hệ thống của ứng dụng đặt xe trên đang sở hữu khoảng 25.000 xe hoạt động thường xuyên. Cùng với đó, kinh doanh của các ứng dụng này cũng đều đặn tăng theo từng năm. Số liệu thống kê phản ánh nêu trên không chỉ sự kinh doanh hiệu quả của cả hai loại hình vận tải hành khách khác nhau, mà ẩn chứa sau nó là sự tiện ích, cước phí cạnh tranh khác biệt nên phù hợp để người tiêu dùng lựa chọn.

Nếu không có quyết định của Hội đồng xét xử tạm ngừng giải quyết vụ án để các đương sự thực hiện “hòa giải” với nhau; nếu vụ án chỉ được giải quyết trên cơ sở văn bản pháp luật hiện hành nhưng chưa đáp ứng được thực tiễn sinh động của cuộc sống – đặc biệt là thời đại công nghệ 4.0 đang được Chính phủ khuyến khích phát triển và ứng dụng vào thực tiễn xã hội.

Vụ án liên tiếp được mở ra để giải quyết một quan hệ tranh chấp dân sự tốn tới 9 tháng, thu hút nhiều công sức của các bên tham gia cũng như cơ quan nhà nước (Tòa án) mà vấn đề chưa đủ căn cứ để Hội đồng xét xử ra được bản án, thì đề nghị của bên nguyên đơn, bị đơn đối với Hội đồng xét xử cho hai bên được tự “hòa giải” với nhau và được Hội đồng xét xử chấp thuận là việc làm sáng suốt.

Vụ án chưa biết kết quả “hòa giải” với nhau của các đương sự như thế nào nhưng qua đây cũng là sự gợi mở dành cho cá nhân hay doanh nghiệp muốn làm ăn lớn, hợp pháp, phục vụ cuộc sống xã hội theo phương châm “ích nước, lợi nhà” khi đầu tư tham gia hoạt động kinh doanh sản xuất cần phải tìm hiểu kỹ quy định pháp luật liên quan, hiện hành. Nếu quá trình đầu tư mà chưa có văn bản pháp luật quy định thì cần kiến nghị cấp có thẩm quyền  ban hành chính sách pháp luật. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước thiết nghĩ cũng sớm phát hiện hoặc tiếp nhận, nghiên cứu, ban hành văn bản pháp luật để tránh tình trạng trong dân gian hay nói “mất bò mới lo làm chuồng”.

Luật sư Nguyễn Lương Thuận