Vụ phó 26 tuổi: Vấn đề không phải quá trẻ, mà là quá mơ hồ!

00:00 12/10/2020

Khi còn là sinh viên năm thứ 2, tôi đã làm quản lý cho một công ty thuộc loại có tiềm lực nhất bấy giờ. Nếu đó là một đơn vị nhà nước thì chuyện của tôi sẽ ầm ĩ chẳng khác gì Vũ Minh Hoàng.

vu-minh-hoang Một du học sinh 26 tuổi, chưa trải qua công tác thực tế ngày nào đã được Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ bổ nhiệm giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, trước khi được UBND TP Cần Thơ xin đích danh. Việc Vũ Minh Hoàng đuợc bổ nhiệm khi còn quá trẻ và quá nhanh, khi thậm chí còn chưa đến công sở làm việc ngày nào đã khiến vụ việc trở nên ầm ĩ. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phải yêu cầu Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ kiểm tra, báo cáo lại vụ việc.

tac-gia

Cá nhân tôi thì cho rằng việc bổ nhiệm một người 26 tuổi (thậm chí trẻ hơn nữa) làm Phó Vụ trưởng, kể cả khi chưa có thời gian thử thách thật ra là chuyện hoàn toàn chấp nhận được. Điều cốt lõi là người được bổ nhiệm ấy phải có thực tài và phù hợp với công việc không. Khi còn là sinh viên năm thứ 2, tôi đã được làm toàn thời gian, có giai đoạn giữ chân quản lý, cho một công ty truyền thông và công nghệ thuộc loại có tiềm lực nhất thời bấy giờ. Những người vào làm việc trước tôi đều phải trải qua những vòng tuyển chọn gắt gao, từ hồ sơ, thực hành thực tế cho đến phỏng vấn ngoại ngữ… Tôi thì được đặc cách, chẳng cần bằng cấp (vì lúc đó cũng chỉ có bằng cấp 3) hay phỏng vấn gì cả. Lý do: trước đó, tôi đã "chiến thắng" đội ngũ thiết kế nội dung của công ty trên thị trường. Họ tung ra một trò chơi thử thách kiến thức trên điện thoại nhằm kiếm doanh thu từ người chơi, nhưng tôi thì cứ vô địch hết lần này đến lần khác. Cho đến khi được tuyển thẳng vào làm. Chỉ sau vài tháng, tôi được bổ nhiệm làm Trưởng phòng tạo ra doanh thu chủ yếu (vài chục tỷ mỗi năm) cho công ty. Ở thời điểm ấy, tôi vẫn là sinh viên, nhưng đã quản lý gần 30 con người hầu hết đã tốt nghiệp Đại học, đi làm nhiều năm. Trong đó có cả người là giảng viên trường Đại học danh tiếng. Nếu công ty cũ của tôi mà là một đơn vị nhà nước thì câu chuyện của tôi chắc chắn cũng sẽ trở nên ầm ĩ chẳng kém gì Vũ Minh Hoàng hiện nay. Dư luận cũng sẽ lại đặt nhiều nghi vấn về sự minh bạch, sự có xứng đáng và đúng quy trình hay không… Nhưng với công ty tư nhân nơi mọi sự cất nhắc vốn chẳng thể có chỗ cho bất kì sự tư lợi nào, mà chỉ dựa trên hiệu quả công việc, thì lại chẳng có gì mà bàn tán. Tôi cho rằng vấn đề với sự việc của Vũ Minh Hoàng không phải là cậu ấy bao nhiêu tuổi hay đã đến công sở ngày nào chưa. Vấn đề nằm ở chỗ cách tuyển dụng, đề bạt trong hệ thống công đang khiến xã hội mất niềm tin. Lâu nay hệ thống nhà nước vẫn thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ về lý thuyết rất công phu, chặt chẽ, từ các tiêu chí về bằng cấp chuyên môn, trình độ chính trị cho đến đưa vào quy hoạch. Nhưng trên thực tế, quy trình ấy lại để lọt rất nhiều người không xứng đáng, chọn người nhà, chọn quan hệ chứ không phải chọn người tài, điển hình như trường hợp của Trịnh Xuân Thanh. Nếu nhìn các tiêu chí thì hầu hết đều rất khó định lượng để có thể đánh giá được thực chất năng lực của cán bộ. Ví dụ, những cụm từ như "có đạo đức", "có phẩm chất", "có năng lực". Tôi theo dõi những người có trách nhiệm khi khẳng định sự bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng là hoàn toàn minh bạch, đều đưa ra những nhận xét mơ hồ về năng lực của anh này như: sử dụng được 5 ngoại ngữ, tốt nghiệp các trường danh tiếng... Chỉ cần nói được 1 ngoại ngữ thôi cũng là có năng lực rồi. Và trong khi nhiều cậu ấm nhà có tiền khác đang mải chơi bời, Hoàng lại đi học, có ngoại ngữ, thì nói người này có "đạo đức" cũng chẳng có gì sai. Vin vào những tiêu chí chung chung không định lượng được như thế, chỉ cần biết ngoại ngữ đã có thể xem Vũ Minh Hoàng là một người có đầy đủ "phẩm chất", "năng lực" và "đạo đức". Vậy thì một cậu học sinh cấp 3 nói được vài ngoại ngữ (mà bạn có thể gặp ở bất kỳ đâu) cũng thích hợp với ghế Vụ phó? Đâu có dễ dàng vậy, cương vị này còn đòi hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng khác, mà ngoại ngữ và bằng cấp không phải là sự đảm bảo. Và khi thiếu những tiêu chí định lượng, sẽ có nhiều kẽ hở cho các kiểu "định tính" dựa trên tình cảm hay động cơ cá nhân của người bổ nhiệm. Lúc đó thì cái sự "chọn người nhà chứ không chọn người tài" có thể sẽ phát sinh. Rõ ràng, chúng ta đang thiếu một cơ chế tuyển chọn cán bộ, để cho người giỏi khẳng định một cách đường hoàng, minh bạch rằng mình giỏi. Chắc chắn sẽ tốt hơn cho cả Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ lẫn cá nhân Vũ Minh Hoàng, nếu trước khi tuyển dụng rồi sau này là bổ nhiệm, anh trải qua một cuộc thi tuyển công khai, rộng rãi với các ứng viên khác. Đó sẽ là cơ hội để Hoàng chứng tỏ mình xứng đáng, tránh được những rắc rối không đáng có hiện nay. Tiếc rằng một cơ chế kiểu như vậy vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Người dân biết gì về Vũ Minh Hoàng? Không gì cả, ngoài việc cậu ta mới 26 tuổi. Và họ chỉ có thể bàn về điều đó. Theo trithuctre