Vụ cấp bằng giả tại Đại học Đông Đô: Người sử dụng phải đối diện mức án nào?

14:57 03/12/2020

Cần phải xử lý nghiêm minh những người dùng tiền để mua bằng giả tại trường Đại học Đông Đô. Trường hợp sử dụng bằng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức phạt có thể từ 6 tháng - 5 năm tù.

Trao đổi về việc Đại học Đông Đô cấp văn bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh giả cho 193 trường hợp, Luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hoà thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho biết: Việc mua bằng giả chắc chắn không còn là điều quá bất ngờ đối với chúng ta, bởi lẽ đã có rất nhiều trường hợp như trên đã được thông tin đến công chúng. Có thể nói, đây là điều gây bức xúc vô cùng đối với xã hội bởi nó đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến hệ thống giáo dục, đạo đức giáo dục của nước ta.

Sự việc này xuất phát từ việc buông lỏng quản lý, thiếu sự thanh, kiểm tra, giám sát, không quan tâm tới công tác hậu kiểm chất lượng đào tạo của các bộ phận liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên mới để xảy ra vấn đề nghiêm trọng như tại Đại học Đông Đô. Không thể nói Bộ Giáo dục và Đào tạo không có trách nhiệm trong vụ việc này được, các cơ quan chức năng cần phải có trách nhiệm trong công tác quản lý giáo dục.

Đối với những người được cấp bằng giả chúng ta cần phải xem xét vấn đề họ là nạn nhân bị ảnh hưởng hay là những người bỏ tiền ra mua bằng? Bởi lẽ, cũng có những người họ đăng ký, nộp tiền và đi học nhưng họ không biết rằng trường Đại học Đông Đô không được phép đào tạo và cấp văn bằng. Những người này là cũng có thể được xem là nạn nhân và cần phải có biện pháp xử lý phù hợp. Còn đối với những người dùng tiền để mua bằng thì cần phải xử lý nghiêm minh.

Văn phòng Trường đại học Đông Đô
ẢNH LONG NGUYỄN
Văn phòng Trường đại học Đông Đô
(Ảnh: LONG NGUYỄN)

Với quy trình thu hồi bằng giả, Luật sư Hoàng Tùng thông tin: Tại Khoản 1 Điều 25 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT, quy định văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi, hủy bỏ trong các trường hợp sau đây:

- Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ;

- Cấp cho người không đủ điều kiện;

- Do người không có thẩm quyền cấp;

- Bị tẩy xóa, sửa chữa;

- Để cho người khác sử dụng;

- Do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ.

Cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ quy định tại Điều 15 của Quy chế này có trách nhiệm thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ đã sáp nhập, chia, tách, giải thể thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ là cơ quan đang quản lý sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định việc thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ trong các trường hợp khác.

Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ ra quyết định thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ. Nội dung của quyết định nêu rõ lý do thu hồi, hủy bỏ. Quyết định được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ; được gửi đến người bị thu hồi văn bằng, chứng chỉ, cơ quan kiểm tra phát hiện sai phạm (nếu có), cơ quan người bị thu hồi văn bằng, chứng chỉ đang công tác (nếu có) và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Như vậy, đối với số lượng bằng giả đã cấp bởi đại học Đông Đô sẽ bắt buộc phải thu hồi. Hiệu trưởng trường đại học Đông Đô có trách nhiệm ra quyết định thu hồi văn bằng đã cấp, trường hợp trường đại học Đông Đô không thu hồi các văn bằng đã cấp thì Bộ Giáo dục và Đào tại sẽ thực hiện việc thu hồi này.

Việc thu hồi văn bằng giả phải được tiến hành công khai về thông tin thu hồi, hủy bỏ. Tuy nhiên, việc công khai thông tin đến đâu lại là vấn đề rất đáng quan tâm.

Theo quan điểm của Luật sư Hoàng Tùng, việc công khai thông tin về những người bị thu hồi bằng giả là cần thiết. Điều này là đúng quy định của pháp luật và cũng là phù hợp với yêu cầu thực tế bởi. Hành vi của những người sử dụng bằng giả này là cần phải lên án bởi đã vi phạm đến đạo đức xã hội, đạo đức giáo dục, vi phạm pháp luật và tạo ra những thói quen xấu, tiền lệ xấu trong bộ máy chính quyền.

Theo khoản 3 Điều 25, Khoản 2 Điều 26 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT

c) Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ ra quyết định thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ. Nội dung của quyết định nêu rõ lý do thu hồi, hủy bỏ. Quyết định được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ; được gửi đến người bị thu hồi văn bằng, chứng chỉ, cơ quan kiểm tra phát hiện sai phạm (nếu có), cơ quan người bị thu hồi văn bằng, chứng chỉ đang công tác (nếu có) và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

2. Việc công bố công khai thông tin về cấp, chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ trên cổng thông tin điện tử được thực hiện đối với cả văn bằng, chứng chỉ đã được cấp trước ngày Quy chế này có hiệu lực thi hành.

Đối với những người sử dụng bằng giả nêu trên, việc đầu tiên là thu hồi lai bằng đã cấp. Tiếp theo, tùy hành vi của từng người sẽ có những quy định về việc xử lý cụ thể như sau:

Căn cứ khoản 3, khoản 5 điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục:

Điều 16: Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này

Điều 341 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội sử dụng giấy tờ giả như sau:

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

Trà Giang