Vụ Bầu Đệ ‘cướp’ diễn đàn: Không biết kiềm chế đừng làm lãnh đạo

00:00 12/10/2020

“Theo tôi nghĩ, những người không có khả năng kiềm chế để đỡ ảnh hưởng đến hiệp hội thì tốt nhất là không nên giữ chức vụ lãnh đạo’, PGS.TS Đỗ Minh Cương nói.

Ông Nguyễn Văn Đệ (thường gọi là Bầu Đệ), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã “cướp” diễn đàn và có những phát ngôn xúc phạm Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa liệu có phù hợp với vai trò một lãnh đạo doanh nghiệp? PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Minh Cương, Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa doanh nghiệp và lãnh đạo, trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn hóa Kinh doanh về vấn đề này.
 bau-de

PGS.TS Đỗ Minh Cương: "Tiêu chuẩn tổi thiểu với người lãnh đạo là phải làm chủ bản thân và làm chủ trong giao tiếp".

PGS.TS Đỗ Minh Cương nhấn mạnh: “Nguyên tắc ứng xử phù hợp là phải tôn trọng nhau. Chuyện đe nẹt, dọa dẫm, hỗn láo…nhất là những người tham dự cuộc họp đều là cán bộ công chức, doanh nhân lớn tuổi, báo chí mà có lời lẽ xúc phạm nhau là không nên. Đúng là chúng ta không phải người trong cuộc nên chưa rõ nguyên nhân cụ thể, lý do của các phát ngôn đó. Đó có thể là do bức xúc nhiều lần hoặc mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nhìn vào hiện tượng đó, nó thể hiện một chỉ báo không hay là không có sự tin tưởng và hợp tác lẫn nhau trong làm việc giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Rõ ràng, việc phát ngôn của Bầu Đệ là không nên, nhưng lại lộ ra chuyện thiếu sự tin cậy lẫn nhau của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng. Tôi nghĩ, Bầu Đệ cũng là lãnh đạo của doanh nghiệp lớn, có tiếng.Đặc biệt, Bầu Đệ còn là Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, phát ngôn này còn là đại diện cho tổ chức mà ông Đệ đang đứng đầu. Chính vì thế, Bầu Đệ càng phải thể hiện sự lịch sự, tôn trọng lẫn nhau trong phát ngôn, giao tiếp với các đối tác trong một cuộc. Theo tôi nghĩ, những người không có khả năng kiềm chế để đỡ ảnh hưởng đến hiệp hội thì tốt nhất là không nên giữ chức vụ lãnh đạo. Với một người bình thường, một cá nhân đã trưởng thành cũng phải hiểu nguyên tắc tối thiểu phải tôn trọng người khác. Trong một cuộc họp, người nói phải có người nghe không mạt sát, phỉ báng xúc phạm người có liên quan. Đó là điều tối thiểu với một người trưởng thành. Huống hồ, một doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp thì phải là tấm gương với nhân viên của mình. Với tư cách người lãnh đạo, tư cách, phẩm chất phải đòi hòi cao hơn người bình thường. Bởi vì, họ phải có tầm nhìn, nhận thức cao hơn. Sự gương mẫu, sự kiềm chế phải lớn hơn thì mới lãnh đạo người khác được. Có vậy, nhân viên mới tâm phục khẩu phục nhưng nếu ứng xử kém cả người bình thường thì sao lãnh đạo người khác được! Nếu không, lãnh đạo cũng chỉ là dùng quyền lực cưỡng bức mà thôi, nhân viên không phục. Đối với người lãnh đạo, điều quan trọng là tạo năng lực lãnh đạo là uy tín, đức tin. Uy tín mà hủy hoại trong các giao tiếp khiến người khác coi thường thì sẽ rất khó lãnh đạo. Khi ấy, thương hiệu với xã hội của người lãnh đạo sẽ không còn mà mất dần. Đặc biệt, với việc chọn lãnh đạo của các tổ chức, đại diện cho tổ chức mình, một trong tiêu chuẩn tổi thiểu là phải làm chủ bản thân và làm chủ trong giao tiếp. Chính là quay về nguyên tắc ban đầu là không xúc phạm người khác và tôn trọng đối tác, lấy lòng tin từ sự chân thành”. Đ.Thơm/người đưa tin