Vốn ngoại từ Trung Quốc, Hồng Kông tăng vọt

00:00 12/10/2020

Dòng vốn FDI từ Trung Quốc, Hồng Kông trong 6 tháng đầu năm nay tăng đột biến, tăng hơn 30% so với cả năm ngoái và gấp đôi năm 2017, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Dòng vốn FDI từ Trung Quốc, Hồng Kông tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: TD

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã có những dấu hiệu thay đổi rõ nét. Sáu tháng đầu năm nay cho thấy có sự tăng trưởng đột biến dòng vốn từ hai thị trường Trung Quốc và Hồng Kông. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và góp vốn mua cổ phần từ hai thị trường này đạt 7,5 tỉ đô la Mỹ, trong đó nguồn vốn từ thị trường Hồng Kông là 5,3 tỉ đô la và Trung Quốc 2,2 tỉ đô la.

“Đây là con số tăng đột biến”, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư, Tổng cục Thống kê thừa nhận tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2018 ngày 28-6.

Giải thích con số trên, ông Phong cho rằng, nguồn vốn FDI từ hai thị trường này trong 6 tháng đầu năm đã tăng gần 30% so với cả năm ngoái, và gấp hơn 2 lần năm 2017.

Đồng thời, số dự án và vốn đầu tư đăng ký cấp mới từ Trung Quốc và Hồng Kông trong 6 tháng cũng tăng gấp đôi. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, tổng số dự án từ hai thị trường này là 437 dự án với tổng vốn đăng ký là 3,15 tỉ đo la, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

“Dệt may, da giày, săm lốp ô tô và linh kiện điện tử vẫn là lĩnh vực thu hút đầu tư từ dòng vốn này", ông Phong nói.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, chiến tranh thương mại một mặt tạo điều kiện để Việt Nam thu hút FDI tốt hơn, tạo việc làm và đẩy mạnh xuất khẩu khi hàng hóa từ Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế.

Tuy nhiên, dòng vốn này cũng khiến Việt Nam đối mặt với ba thách thức lớn, theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê.

Thứ nhất: dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào có thể khiến Việt Nam thành cứ điểm hàng hóa để Trung Quốc sản xuất hàng hoá; xuất khẩu hàng hóa đó vào Việt Nam, sau đó xuất khẩu đi Mỹ và các nước châu Âu. Điều này có thể là khiến Việt Nam vi phạm về quy tắc xuất xứ hàng hoá. Đây là vấn đề cần xem xét khi Mỹ có thể kiện Việt Nam chống bán phá giá hoặc trợ giá.

Thứ hai: làn sóng đầu tư này cũng tạo áp lực cạnh tranh tới các doanh nghiệp  trong nước. Việt Nam đã ký nhiều thỏa thuận thương mại tự do FTA với các nước, đặc biệt là hiệp định với EU sẽ được ký ngày 30-6. Nếu doanh nghiệp trong nước không chuẩn bị tốt, vô hình chung các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng lợi.

Thứ ba: cuộc chiến Mỹ - Trung vẫn diễn ra và ngày càng trở nên phức tạp, rất khó đoán định. Tổng cục Thống kê đánh giá, Trung Quốc sẽ tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ trong thời gian tới nhằm bảo vệ hàng hóa nội địa. Do đó, Việt Nam cần xây dựng kịch bản để theo dõi, đánh giá và sẵn sàng can thiệp chính sách khi cần thiết.

Thuỳ Dung