Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc - Địa điểm mới cho du lịch tâm linh

00:00 12/10/2020

Không chỉ được biết tới với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sản vật trù phú, Huyện Vĩnh Tường nằm ở phía Tây Nam tỉnh Vĩnh Phúc còn là địa điểm du lịch tâm linh và văn hóa hấp dẫn với nhiều công trình đền, chùa nổi tiếng.

Chùa Tùng Vân

Chùa Tùng Vân nằm gần khu vực trung tâm Xã Thổ Tang, cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 17 km. Đây là ngôi chùa lớn với lịch sử hơn 320 năm tuổi được xây dựng từ đời vua Lê Huy Tông.

Chùa được xây dựng trên địa thế đẹp. Chùa không bề thế, nhưng có kiến trúc đẹp, bố cục theo kiểu chữ “quốc” gồm 7 gian 2 dĩ, với hệ thống kết cấu hàng trăm cột gỗ và đá, có cây cối bao bọc xum xuê. Đây là một trong những kiến trúc Phật giáo tiêu biểu của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Chùa Tùng Vân nổi tiếng với pho tượng Đức phật Tổ Thích Ca Mâu Ni được đặt ở gian Tiền đường. Tượng được tạc từ khối ngọc xanh nặng hơn 10 tấn, chiều cao 3,3m, rộng 2,1m, dày 1,2m; đây là khối ngọc quý hiếm và lớn nhất trong các khối ngọc tìm thấy trong nước ta.

Trải qua những thăng trầm biến cố chùa được nhiều lần trùng tu và lần gần đây nhất là vào năm 2008. Cùng với quá trình trùng tu, tôn tạo, chùa đúc Đại hồng chung nặng 1,1 tấn. 

Đình Thổ Tang

Đình Thổ Tang tọa lạc tại Xã Thổ Tang, gần với chùa Tùng Vân. Đây là một trong những ngôi đình cổ nhất còn lại của tỉnh, được xây dựng từ thế kỷ XVII. Hiện nay, đình Thổ Tang thờ thành hoàng Phùng Lộc Hộ đô thống Đại Vương tức Lân Hổ Hầu - một vị tướng có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên Mông.

Đình Thổ Tang được xây dựng với quy mô đồ sộ, gồm hai toà kiến trúc bố cục theo hình chữ "đinh". Đại đình 5 gian, Hậu cung 2 gian. Toàn đình đếm được 60 cột, làm bằng gỗ tốt đại khoa, bó đá xanh xung quanh. Kết cấu kiến trúc kiểu tứ trụ, chồng rường giá chiêng, gia cố bền chắc.

Đình Thổ Tang còn là nơi lưu giữ 21 bức chạm khắc gỗ tinh tế trên các thành phần kiến trúc: Thân kẻ, thân bẩy, thân rường với nội dung phong phú, khái quát về chu trình: Lao động - làm ăn - hưởng thụ của cư dân nông nghiệp, của nhân dân ta thời Lê Trung Hưng.

Toàn bộ kiến trúc và các bức chạm trổ điêu khắc của đình Thổ Tang đã được đưa vào lịch sử văn hóa nước nhà như là những điển hình của nghệ thuật kiến trúc chạm trổ của dân tộc Việt Nam thế kỷ XVII. Nhiều bức chạm tiêu biểu đã được đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước biết đến. 

Chùa Hoa Dương

Nằm tại Xã Tuân Chính, cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 21km, Chùa Hoa Dương được xây dựng vào thời Hậu Lê, năm 1680. Còn lại cho đến ngày nay là một di tích có kiến trúc khá đồ sộ, nguy nga, mặt bằng hình chữ “công” gồm 3 toà chính: Tiền đường (7 gian), Thượng điện (4 gian) và Nhà tổ (5 gian), phía trước sân còn cây Bồ Đề cổ thụ trăm năm tuổi.

Kết cấu bộ vì theo kiểu thức “chồng rường giá chiêng”, hệ thống cột chịu lực đều bằng gỗ lim to, kê trên chân đá tảng vuông để chống mối và chống ẩm. 

Giá trị nổi bật của chùa Hoa Dương là nghệ thuật điêu khắc, được biểu hiện ở hệ thống tượng tròn và các tác phẩm điêu khắc gỗ (y môn, tranh kệ, hoành phi, câu đối). Đó là các lớp tượng cơ bản, đại diện chung cho hệ thống tượng được bài trí trong một ngôi chùa thờ phật theo phái Đại thừa ở miền Bắc Việt Nam. 

Đền Phú Đa

Đền Phú Đa thuộc Xã Phú Đa, cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 22km. Đền được xây dựng từ thời vua Lê Hiển Tông. Dù đã tồn tại trên dưới 400 năm nhưng đền mới trải qua vài lần tu sửa.

Lí giải điều này, sử sách địa phương tương truyền phải mất 40 năm để hoàn thiện công trình. Người thợ xưa đã kết hợp loại vật liệu bền vững nhất có được khi đó là đá, gỗ lim để làm các kết cấu chịu lực và dùng gạch đá ong xây tường bao. Việc gia cố, xử lý móng nền cũng rất khéo léo nên dù được xây dựng ngay sát chân đê, giữa vùng ruộng ao trũng nước, thậm chí lũ lụt, công trình vẫn không bị hư hại.

Hiện nay, đền tọa hướng Đông Nam, cấu trúc bao gồm 2 trụ đá lớn phía trước cổng đền, tiếp đến là cổng đền, qua một khoảng sân rộng có 2 hàng tượng võ sĩ và voi ngựa bằng đá chầu 2 bên, tiếp đến là tòa Đại bái và tòa Hậu cung. Trong tòa Đại bái có 10 bia đá được chạm khắc chữ Hán dày đặc. 

Chùa Thiên Phúc

Là điểm đến mới trong danh sách các điểm đến tâm linh nổi tiếng của Huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc, Chùa Thiên Phúc (Thiên Phúc Tự) thuộc quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái 5 sao FLC Luxury Resort Vinh Phuc tại xã Vĩnh Thịnh dự kiến sẽ mở cửa đón khách vào quý III/2018.

Chùa được xây dựng với chiều rộng 19,66 m; chiều dài 24,76 m, chia thành 3 phần: Tiền đường, Thân, Hậu cung. Toàn bộ Thân được làm bằng gỗ lim Nam Phi (cột gỗ đường kính 44cm, cột dài nhất 6.23m, cửa dày 10cm), mái gồm 2 lớp: Mái hạ và mái thượng.

Chùa có 9 bậc đá, sử dụng chất liệu đá AMD xanh vân mây tiên tiến, đế xung quanh ốp đá chắc chắn. Bên trong bao gồm Bệ thờ chính giữa ốp đá xanh, mặt trước trạm khắc đá. Bệ thờ nhỏ ốp gỗ dổi. Các tượng Phật trong chùa được chế tác từ gỗ mít.

Tọa lạc giữa khuôn viên tràn ngập cây xanh và hoa cỏ của FLC Luxury Resort Vinh Phuc, Thiên Phúc Tự không chỉ là công trình phục vụ nhu cầu tâm linh của khách lưu trú trong kỳ nghỉ mà còn là chốn thanh tịnh để người dân địa phương cũng như du khách lui tới vãn cảnh, chiêm bái.

Từ Hà Nội, chỉ mất chưa đầy một giờ chạy xe theo hướng quốc lộ 2A để tới huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Để tiện lợi cho chuyến tham quan các công trình tâm linh và văn hóa tại đây, du khách có thể lưu trú tại FLC Luxury Resort Vinh Phuc từ 2N1D và di chuyển tới các điểm đền, chùa bằng xe máy hoặc taxi.

Địa chỉ: Khu Trũng, Quốc lộ 13, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: (+84) 90 482 1888

Email: sales@flcvinhphuc.com.vn

Giá phòng từ VND 1.700.000 net/ phòng/ đêm (đã bao gồm Buffet sáng và tận hưởng các tiện ích 5 sao).

    P.V