Vinamilk sẽ "nới room" lên 100% cho nhà đầu tư nước ngoài

00:00 12/10/2020

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa thông báo cho cổ đông về việc đang hoàn tất thủ tục để nâng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài (nới room) lên mức không giới hạn, tức lên 100% vốn điểu lệ.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 của Vinamilk tổ chức hôm 21/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinamilk, cho biết công ty đã hoàn thành thủ tục ngành nghề kinh doanh, cụ thể là bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Công ty sẽ nâng không giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và sẽ thông báo cho cổ đông ngay khi hoàn tất thủ tục.

Theo đó, việc nới room lên 100% do Hội đồng Quản trị Vinamilk quyết định chứ không cần đại hội đồng cổ đông thông qua. Bởi vì, theo quy định hiện nay, doanh nghiệp nâng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% thì chỉ cần Hội đồng Quản trị ra nghị quyết mà không cần Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Trước đó, Vinamilk đã có động thái được xem là nhằm mở đường cho việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài – đó là loại bỏ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó có quy định hạn chế việc nới room (lên 100%) cho nhà đầu tư nước ngoài, như in ấn, chăn nuôi.

Cụ thể, hôm 16/2/2016, công ty này công bố về việc Hội đồng Quản trị Vinamilk đã thông qua nghị quyết về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc rút khỏi bảy ngành nghề, trong đó có ngành chăn nuôi, trồng trọt, in ấn,…. và điều chỉnh nội dung chi tiết của hai ngành nghề khác. Thời gian hoàn tất lấy ý kiến là vào cuối tháng 3/2016.

Trả lời thắc mắc cổ đông việc nới room không giới hạn cho nhà đầu tư nước ngoài, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, cho biết khi mở room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% thì vấn đề được đặt ra là làm cách nào bảo vệ thương hiệu Vinamilk.

Tuy nhiên, theo bà Liên, hiện Vinamilk được định giá trên 7,5 tỉ đô la Mỹ, trong đó riêng giá trị thương hiệu đã là 7 tỉ đô la Mỹ, nên việc nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phần Vinamilk cũng là vì thương hiệu này.

Một số cổ đông của Vinamilk cũng đặt câu hỏi về việc Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn khỏi Vinamilk như thế nào, bà Liên cho biết việc thoái vốn này phụ thuộc vào SCIC, nên Hội đồng Quản trị Vinamilk không thể quyết định.

Cuối cùng tại đại hội, tất cả tờ trình của Hội đồng Quản trị Vinamilk đã được thông qua, bao gồm cả việc nới room.

Trước đó, từ tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản yêu cầu SCIC chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất, trong đó có Vinamilk. SCIC hiện nắm giữ cổ phần tại Vinamilk với tỷ lệ tương đương trên 45% vốn điều lệ của công ty này.

Theo các chuyên gia, phần vốn của Nhà nước ở Vinamilk - doanh nghiệp đang hoạt động rất có hiệu quả - hiện có giá thị trường khoảng 55.000 tỷ đồng, tương đương 2,46 tỷ USD.

Thực tế cho thấy, Vinamilk đang xếp đầu bảng về cơ cấu tài sản, nguồn thu cổ tức của SCIC. Vinamilk cũng là doanh nghiệp hàng đầu tạo ra lợi nhuận trên sàn chứng khoán với mức lãi hơn 7.600 tỷ đồng năm 2014 và 4.500 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2015. Trong bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam năm 2015 được công bố ngày 14/10, Vinamilk cũng xếp thứ 7.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết chủ trương thoái hết vốn nhà nước tại Vinamilk và nhiều doanh nghiệp khác là kế hoạch từ lâu.

Năm 2014, Chính phủ đã ra quyết định 37/2014/QĐ-TTg, trong đó quy định rõ các lĩnh vực, ngành cụ thể Nhà nước nắm giữ vốn chi phối sau khi cổ phần hóa. Đối với những lĩnh vực nằm ngoài danh sách đó cũng như với những doanh nghiệp mà tỉ lệ nắm giữ vốn còn cao thì sẽ thực hiện thoái vốn. Ví dụ, trong danh sách đó quy định những ngành nghề cụ thể nắm giữ 50% vốn, nhưng hiện Nhà nước đang nắm trên 50% thì sẽ thoái vốn.

Thành Đạt/Baochinhphu.vn