Vietjet - hoạt động kiểu… xe dù

00:00 12/10/2020

 Sau khi đăng tải bài viết: “Vietjet Air “đâm sau lưng” đại lý?”, báo Kinh tế & Đô thị đã nhận được nhiều phản hồi của nhiều độc giả từng là hành khách bị chậm, hoãn chuyến của hãng hàng không này.

Vietjet air “đâm sau lưng” đại lý?
Nhiều người khẳng định, việc trì hoãn các chuyến bay luôn là nỗi ảm ảnh mỗi khi lựa chọn Vietjet Air. Hành khách kêu trời Cho tới tận bây giờ, chị Nguyễn Huyền Dương (TP Hồ Chí Minh) - hành khách trên chuyến bay VJ321 ngày 9/3 của Vietjet Air vẫn chưa hết bức xúc về việc bị hoãn tới gần 12 tiếng đồng hồ so với dự kiến ban đầu. Thậm chí, máy bay đã 2 lần ra đường băng nhưng đều bị hoãn không thể cất cánh được. Đáng lẽ phải được xuất phát từ lúc hơn 8 giờ sáng nhưng phải tới 19 giờ tối, sau 4 lần thông báo hoãn, chuyến bay của chị Dương mới có thể thực hiện được. Và, chị chỉ nhận được thông báo hoãn khi gần sát giờ bay dự kiến, không có lý do đi kèm, phải vật vờ suốt nửa ngày tại sân bay. “Mặc dù là hãng hàng không nhưng tôi thấy Vietjet Air hoạt động không khác gì xe dù chuyên bắt khách ngoài đường” - chị Dương bức xúc. Chưa hết, nhân viên của Vietjet Air còn thông báo rằng, mọi hành khách trên chuyến bay VJ321 sẽ được bồi thường một số tiền cho sự chậm trễ trên; thế nhưng tới tận giờ này, chị Dương vẫn chưa nhận được khoản đền bù trên. Mấy lần hỏi đại lý, chị đều nhận được câu trả lời là chưa có do trên hãng (Vietjet Air) chưa trả tiền xuống. Chị Dương chán nản: “Cứ kéo dài thế này chắc để mất không số tiền đó cho rồi”.
Hành khách đi chuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh của hãng Vietjet Air. Ảnh: Duy Anh
Hành khách đi chuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh của hãng Vietjet Air. Ảnh: Duy Anh
Những trường hợp như chị Dương không phải hiếm, thậm chí còn “thảm” hơn nữa. Ví như 600 hành khách mua vé bay chặng Vinh - TP Hồ Chí Minh ngày 11/2 của Vietjet Air đã phải đợi sang tới... tận ngày hôm sau mới có thể cất cánh! Mới đây nhất, ngày 1/4, hành khách bay chuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh cũng đã bị chậm chuyến từ 11 giờ sáng thành 22 giờ đêm với 4 lần thông báo hoãn liên tiếp. Trên thực tế, việc 3 - 4 lần hoãn, đổi giờ trong một chuyến bay của Vietjet Air không chỉ “nóng” lên trong những tháng đầu năm 2016 với hàng loạt phản ứng của hàng khách thông qua mạng xã hội, báo chí. Có thể nhận thấy, dường như đây đã là “thói quen” khá đều đặn của Vietjet Air trong nhiều năm trở lại đây. Thậm chí, đối với nhiều người, việc chờ đợi là một “nghĩa vụ” bắt buộc phải thực hiện nếu muốn được đi máy bay với giá rẻ của những hãng hàng không như Vietjet Air. Đủ kiểu moi tiền
Riêng trong tháng 3 vừa qua đã có gần 1.000 chuyến bay của Vietjet Air bị hủy hoặc chậm giờ, chiếm gần 20% tổng số chuyến bay khai thác.
Theo một chuyên gia hàng không, việc chậm chuyến đối với các hãng hàng không giá rẻ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân bất khả kháng như thời tiết, hạ tầng quá tải, sự cố đột xuất… Nhưng bên cạnh đó cũng không thiếu những lý do thực chất chỉ là chiêu trò mượn danh “lỗi kỹ thuật” nhằm dồn khách cho đủ số lượng mong muốn của mỗi chuyến bay. Còn nhớ, khi đang công tác tại Bộ GTVT, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng từng nhiều lần thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giờ, hủy chuyến do khách quan thì ít mà chủ quan nhằm dồn khách là nhiều. Thậm chí, ông Thăng đã ví von máy bay ít khách cố tình bay chậm lại cũng giống như xe dù hay đi lòng vòng nhằm lấp đầy chỗ trống. Nhận định đó hoàn toàn có cơ sở, bởi chỉ có "máy bay dù” mới tùy tiện chậm, hủy chuyến mà không cần quan tâm đến lợi ích cũng như tôn trọng khách hàng. Đâu chỉ có vậy, hành khách của Vietjet Air còn bị tận thu tới cả những nghìn lẻ, hào con. Hầu hết hành khách của Vietjet Air khi gặp phải tình trạng chậm, hoãn chuyến, việc đầu tiên mà họ thường thực hiện là liên lạc lên tổng đài chăm sóc khách hàng (1900 1886) nhằm tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, với mỗi phút được hưởng sự “chăm sóc” của Vietjet Air, hành khách phải bỏ ra 1.000 đồng; trong khi đó, Vietnam Airlines hoàn toàn miễn phí với mọi trường hợp cần hỗ trợ. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, anh Lê Thành Nam, từng là một hành khách của Vietjet Air phản ánh, gọi lên tổng đài thường xuyên phải nghe nhạc chờ, có khi đợi tới 20 phút cũng chưa kết nối được đến điện thoại viên mà trong khoảng thời gian này vẫn bị tính phí cuộc gọi. Rồi khi kết nối được thì điện thoại viên lại trả lời dài dòng, tối nghĩa, mất thêm khá nhiều thời gian. Anh Nam nghi hoặc: “Hay đây là “bài” của Vietjet Air “câu” tiền điện thoại, tận thu của hành khách? Chắc rằng số tiền Vietjet Air kiếm được qua tổng đài chăm sóc khách hàng mỗi ngày cũng không nhỏ”.
Hà Thanh - Ngọc Hải/Kinhdoandothi.vn