Việt Nam thúc đẩy liên kết kinh tế và tự do hoá thương mại khu vực

00:00 12/10/2020

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26 khẳng định sự chủ động, tích cực và trách nhiệm cao của Việt Nam trong tham gia định hình liên kết kinh tế khu vực, tiếp tục đóng góp cùng vun đắp tương lai chung.

Tối 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 được tổ chức tại Papua New Guinea. Ảnh:VGP

Mặc dù Hội nghị Cấp cao lần thứ 26 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã không đưa ra được Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo APEC như thông lệ. Tuy nhiên, các thành viên APEC đều nhấn mạnh những kết quả quan trọng về liên kết kinh tế khu vực, tăng trưởng bền vững, bao trùm, kết nối và trên nhiều lĩnh vực khác mà APEC đã đạt được trong năm nay, đồng thời nhất trí sẽ tiến hành Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 tại Chile vào năm 2019.

Thách thức mới và dấu hiệu bất ổn

Theo đó, tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26 và các phiên họp, Thủ tướng đã phát biểu mạnh mẽ về thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư, ủng hộ WTO, liên kết kinh tế, phát triển bền vững, bao trùm và chuyển đổi nền kinh tế số.

Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh APEC cần tăng cường phối hợp với các cơ chế đa phương, nhất là với IMF, để đẩy mạnh liên kết kinh tế, quản trị kinh tế - tài chính toàn cầu cân bằng, tăng trưởng bao trùm và đổi mới sáng tạo.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh kinh tế thế giới xuất hiện dấu hiệu bất ổn, thách thức mới, chưa có tiền lệ, đe dọa sự ổn định của hệ thống thương mại toàn cầu. Ảnh:VGP

Thủ tướng nhấn mạnh kinh tế thế giới xuất hiện dấu hiệu bất ổn, thách thức mới, chưa có tiền lệ, đe dọa sự ổn định của hệ thống thương mại toàn cầu. APEC cũng đứng trước những thử thách mới, đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ của mỗi thành viên. Do đó, cần thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, tôn trọng các trật tự quốc tế dựa trên luật pháp cũng như vai trò của các định chế toàn cầu, đặc biệt là WTO.

Thủ tướng đề nghị cần tăng cường cải cách cơ cấu nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế, tích hợp Chương trình nghị sự mới APEC về cải cách cơ cấu vào chương trình nghị sự của các thành viên, bảo đảm các lợi ích của sáng tạo và công nghệ lan tỏa trong nền kinh tế, đến với mọi người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa. APEC cần thúc đẩy triển khai hiệu quả sáng kiến về thương mại điện tử qua biên giới, kinh tế mạng và kinh tế số.

Đồng thời, Thủ tướng  nhấn mạnh cần đầu tư hạ tầng số và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số theo hướng toàn diện, đáng tin cậy và an toàn, tập trung vào hạ tầng thương mại số, công nghệ tài chính (fin-tech), kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, nâng cấp tổ chức và kỹ năng quản trị. Các nền kinh tế phát triển hỗ trợ cho các nền kinh tế đang phát triển trong chuyển đổi cơ cấu, xây dựng năng lực quản trị và tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao khả năng kết nối trong thời đại số.

“Vườn ươm” các cấu trúc liên kết kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng APEC cần tiếp tục phát huy vai trò động lực cho các liên kết khu vực và toàn cầu. Tiếp đà của Năm APEC 2017, tại hội nghị lần này, APEC cần tiếp tục chuyển đi thông điệp mạnh mẽ về vai trò tiên phong ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, công bằng, dựa trên các luật lệ và quy tắc mới, đề cao hơn nữa vai trò trung tâm là WTO.

Nhìn lại gần ba thập kỷ qua, APEC, với 21 nền kinh tế thành viên, đã thành công trong vai trò kiến tạo các “vườn ươm” cho các cấu trúc liên kết kinh tế khu vực. Hơn lúc nào hết, APEC cần đóng vai trò khởi xướng và tiếp tục là “vườn ươm” cho những ý tưởng về đổi mới sáng tạo. APEC cần là nền tảng đưa châu Á-Thái Bình Dương thành trung tâm công nghệ toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, APEC cần tiếp tục tạo các động lực mới cho tăng trưởng, thương mại, đầu tư, kết nối và phát triển bao trùm, để mọi người dân không ai bị bỏ lại phía sau, cùng được thụ hưởng thành quả của toàn cầu hóa và liên kết kinh tế trong kỷ nguyên số. Chỉ có như vậy, APEC mới khẳng định được vị thế là diễn đàn kinh tế khu vực hàng đầu. 

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, APEC cần là nền tảng đưa châu Á-Thái Bình Dương thành trung tâm công nghệ toàn cầu. Ảnh:VGP

Là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, APEC cần tích cực thúc đẩy các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế như Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định CPTPP, RCEP, hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), trên cơ sở bảo đảm tính toàn diện, cân bằng lợi ích và bổ trợ giữa các cơ chế liên kết.

Thủ tướng đề nghị và các nền kinh tế APEC đánh giá cao về việc cùng hợp tác toàn diện, sâu sắc và hiệu quả hơn nữa trên các lĩnh vực, bao gồm, thứ nhất, Tăng cường cải cách cơ cấu nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế APEC. Theo đó, cần tích hợp "Chương trình nghị sự mới APEC về cải cách cơ cấu" vào chương trình nghị sự ở các nền kinh tế thành viên.

Thứ hai, thúc đẩy việc triển khai hiệu quả sáng kiến về "Khuôn khổ tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới APEC", "Lộ trình kinh tế mạng và kinh tế số APEC" và "Chương trình hành động về kinh tế số".

Thứ ba, đầu tư hạ tầng số và thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi số. Trong đó việc xây dựng và khai thác hiệu quả "cơ sở dữ liệu lớn" của quốc gia cần phải được tăng cường đầu tư theo hướng toàn diện, đáng tin cậy và bảo đảm an toàn.

Đồng thời, chú trọng hạ tầng thương mại số, phát triển công nghệ tài chính (fin-tech), kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo và thúc đẩy khởi nghiệp...

Thứ tư, nâng cấp tổ chức và kỹ năng quản trị ở khu vực tư lẫn khu vực công để tiếp thu hiệu quả tri thức và hấp thu công nghệ tiên tiến.

Thứ năm, hỗ trợ, hợp tác để cùng nhau phát triển trong nền kinh tế số. Các nền kinh tế phát triển với lợi thế đi trước và cũng để gia tăng lợi thế của mình cần tăng cường các chính sách hỗ trợ cho các nền kinh tế đang phát triển trong các chính sách chuyển đổi cơ cấu, xây dựng năng lực quản trị và tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao khả năng kết nối trong thời đại cách mạng số.

Tags: