Năng suất lao động và giá trị thương hiệu

00:00 12/10/2020

Khi tiếp cận với “giá trị” nên dùng giác độ của thương hiệu (brand approach) hơn là nhìn với giác độ sản phẩm (product approach).

Năng suất lao động là bài toán lẩn quẩn. Năng suất cao, giá bán thấp do không làm chủ thị trường, lợi nhuận thấp, tiền lương thấp, người lao động phải làm việc cật lực hơn, cuộc sống khốn khổ hơn...

Còn “giá trị sản phẩm” là khái niệm market và marketing, nghiên cứu thị trường và nhu cầu từ đó làm ra sảm phẩm đúng có lợi thế cạnh tranh cao. Đó là quá trình liên thông giữa sản xuất - lưu thông - tiêu dùng, có thương hiệu và hệ thống phân phối, làm chủ thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm, lợi nhuận cao.

Phân định năng suất và giá trị

Doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách nên chú trọng phân định rạch ròi 3 khái niệm cơ bản: Giá thành (Production Cost) - Giá bán (Selling Price)- và Giá trị (Product & Brand Values).

Thiếu rạch ròi giữa 3 khái niệm này gây hệ luỵ cho nền kinh tế Việt Nam suốt thời kinh tế bao cấp với những luận điểm lạc hậu đã bị thế giới từ bỏ. Về cơ bản marketing - lý luận cơ sở của nền kinh tế thị trường, thì cùng một sản phẩm có thể bán với giá khác nhau (tuỳ phân khúc, tuỳ thời điểm bán hàng) cho nên “giá trị” khác nhau. Cùng một sản phẩm nhưng giá trị thương hiệu khác nhau, cho nên có thể tạo ra lợi nhuận khác nhau và điều này cũng không phụ thuộc gì vào năng suất của nhà máy hay năng suất trên cánh đồng.

Năng suất lao động - là một định nghĩa đang dễ gây hiểu lầm bởi cái thời “lao động là vinh quang” vốn xem trọng lao động chân tay, nông nghiệp lúa gạo và công nghiệp nặng... Công thức tính năng suất hiện tại đó là NSLĐ = Tổng GDP/(Tổng dân số) thì về bản chất không phải là Sản lượng (Volume) mà là Thu nhập (Revenue) một khái niệm song hành với giá trị.

Thứ nhất, cấu trúc kinh tế chưa coi trọng khuyến khích những tỷ phần sản phẩm có giá trị cao, như chế biến nông sản thực phẩm, hàm lượng chất xám trong công nghiệp, hay những phân đoạn có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu...

Thứ hai, là sự thụ động trong kinh doanh từ chính doanh nghiệp, và thứ ba, quan trọng là sự lũng đoạn của các doanh nghiệp lớn của nhà nước làm ăn thua lỗ. Lấy ví dụ ngành đóng tàu + vận tải biển điêu đứng hàng chục năm qua kể từ Vinalines, Vinashin bỏ mặc hơn 80% thị phần vận tải biển cho hãng tàu nước ngoài. Ngành may mặc và giày dép, dù sản lượng lớn nhưng hơn 80% sản xuất gia công với đơn giá chỉ chiếm 10-20% giá trị sau cùng…

Kinh tế thị trường - đó chính là marketing 

Mặc dù có thể ghi nhận sự hưởng ứng và đổi mới từ một số địa phương, cụ thể là chương trình Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) gần đây như Quảng Ninh, Huế, Đồng Tháp; một số Bộ, ngành có chiến lược và hiệu quả tích cực như ngành nông nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, thiếu rạch ròi giữa năng suất lao động (sản lượng) và giá trị sản phẩm (lợi nhuận, giá trị thặng dư) là một sai lầm phổ biến hiện nay.

Các chương trình chuyển đổi “mô hình kinh tế” chương trình tư nhân hoá cổ phần hoá DNNN, hạ tầng then chốt như các tuyến quốc lộ cần nâng cấp, sân bay Tân Sơn Nhất, cảng biển cho ĐBSCL, nâng cao giá trị các ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, giảm biên chế các tổ chức xã hội không cần thiết, sáp nhập các cơ quan nhà nước... tất cả đều diễn biến rất chậm.

 

Trong những hội thảo gần đây ở Huế đưa ra lời kêu gọi Huế là thành phố công nghệ cao, sạch và đẹp, và nông nghiệp ở Thừa Thiên Huế phải là nông nghiệp hữu cơ. Những luồng tư tưởng này nếu thật sự lan toả tại một tỉnh thành, đến mọi người dân mọi doanh nghiệp lớn hay nhỏ, một cách kiên trì…có thể dẫn đến một sự thay đổi cả một nền kinh tế của địa phương.

Marketing là ngôn ngữ thuần thị trường. Nhưng Marketing thường có nhiều ý tưởng và giải pháp tưởng chừng như gián tiếp hay “không liên quan” như là truyền thông, hoạt động cộng đồng, diễn đàn… Nhưng nó chắc chắn và thật sự mang lại hiệu quả, mà là hiệu quả rất rộng lớn nhờ sự tham gia hưởng ứng của số đông từ việc tiêu thụ sản phẩm, liên kết phân phối bán hàng, cho tới hợp tác nâng cao các chuỗi giá trị và giải pháp tăng trưởng hay kết nối đầu tư. 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với chương trình Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, lấy tinh thần kinh tế thị trường làm chủ đạo. PCI nghiên cứu đưa ra bộ tiêu chí mà sự đánh giá hoàn toàn các đối tượng khách thể, khách hàng, doanh nghiệp và cộng đồng, hoàn toàn không có việc chủ thể tự đánh giá mình - “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. 

Vận hành từ 2006 đến nay, PCI là bộ tiêu chí mà lãnh đạo các tỉnh thành khi làm tốt, điểm số cao đã thật sự phản ánh chất lượng và hiệu quả của bộ máy vận hành ở mỗi địa phương, song hành với hiệu quả phát triển kinh tế thị trường ở địa phương. Đó không chỉ là “năng suất” hay “chất lượng” của hệ thống từ chính quyền đến doanh nghiệp và cuộc sống của cả cộng đồng. Đúng hơn đó là “giá trị thương hiệu của cả địa phương”.

Marketing thương hiệu làm rõ giá trị hơn năng suất 

Về cơ bản giá bán là do người bán hay doanh nghiệp định ra, nhưng giá trị thì do người mua xác định. Người ta hay nói nhiều về quyền lực người mua nhưng đó chỉ là khi bạn đã là trung tâm của thiên hạ, bạn đã có một thương hiệu mạnh thống trị cả chuỗi-cung-ứng.

Khi nói giá trị là khái niệm thuộc về người mua, điều này khác với giá bán và giá mua sau cùng của quá trình trao đổi. Thường người mua đồng ý mua với một mức giá mà anh ta thương lượng mà có được, nhưng giá trị của chính sản phẩm đó thì ít khi anh ta nói ra. Mà thật ra giá trị là một khái niệm phức tạp.

Trong những động thái thường thấy là giá trị của doanh nghiệp, được “định giá” khi mua bán chuyển đổi (M&A) hay giá trị một miếng đất khi chuyển đổi công năng sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất đô thị. Có những sản phẩm cái mới có giá như xe hơi, có những sản phẩm như đồ cổ thì ngược lại, càng cổ thì càng có giá. Cùng một sản phẩm, vật phẩm, nó có giá trị với người A nhưng có thể không có “giá trị” đối với người B. Có thể nhìn thấy hàng trăm ví dụ như thế xảy ra trong đời sống.

Khi tiếp cận với “giá trị” nên dùng giác độ của thương hiệu (brand approach) hơn là nhìn với giác độ sản phẩm (product approach). Vì vậy, chúng tôi quen nói là “giá trị thương hiệu” hơn là nói “giá trị sản phẩm” mà nói là “lợi ích sản phẩm” hay như định nghĩa bất biến trong marketing đó là “sản phẩm là một tập hợp các lợi ích” cùng tương tự “thương hiệu là một tập hợp các giá trị”. 

Trong đó quá trình marketing giúp chúng ta chuyển một sản phẩm trở thành một thương hiệu. Từ đó truy ngược khái niệm “năng suất” theo đó hàm lượng giá trị trong sản phẩm (có thương hiệu) càng cao thì “năng suất giá trị càng cao” chứ không phải là “năng suất sản lượng” càng cao.

Trong định nghĩa thương hiệu người ta gọi giá trị mà thương hiệu mang lại là Premiumness. Nó có được nhờ tài sản thương hiệu (Brand Equity). Khi hiểu đến đây chúng ta đã đạt đến những mô hình kinh tế của Apple, Samsung hay Louis Vuitton… chứ không còn là trồng lúa năng suất cao, hay gia công may mặc với đơn giá ngày càng rẻ mạt với đồng lương chết đói như hiện tại.

Đầu tư thương hiệu chứ không chỉ năng suất 

Bản chất của kinh tế thị trường thật ra là cái vòng luẩn quẩn “con gà và quả trứng”. Vì vậy bản chất chiến lược trong kinh tế thị trường đó là việc tạo ra những “cú hích” đúng chỗ và đúng lúc. Không có nguyên tắc về đúng - sai đơn thuần và tuyệt đối không có giáo điều. 

Để tạo ra đột phá điều trước tiên là vượt ra khỏi rào cản tâm lý. Đối với người Việt thì căn bệnh phổ biến là tư duy co cụm, không dám vượt ra ngoài biên giới “hình chữ S” của thị trường; không dám mang chuông đi đánh xứ người, ngại nói tiếng Anh; thích viện dẫn những giáo điều sẵn có, từ tư tưởng Khổng giáo đến những lề thói tư duy của người nông dân nhỏ lẻ (tiểu nông Bắc bộ và Trung bộ). 

Chẳng hạn người Việt Nam ai cũng thích đồ hiệu và sính ngoại, nhưng doanh nhân lại ngại không xây dựng thương hiệu và thay đổi xuất xứ thương hiệu – “branded in USA” chẳng hạn, từ đó chấp nhận thân phận của người gia công và ngồi chờ đơn hàng…

Hãy thử nhìn vào nhãn hàng thương hiệu đồ lót nổi tiếng từ Pháp là Corèle V để thấy cách làm thương hiệu quốc tế của một doanh nhân gốc Việt là ông Trần Văn Phú, Việt kiều Pháp; hay như nhãn hàng VERA của tập đoàn 100% Việt Nam là Sơn Kim.

Nhiều vị lãnh đạo đều biết là chính cơ chế hạch toán doanh nghiệp vốn nhà nước đã trói buộc những doanh nghiệp lớn (ví dụ Tập đoàn Dệt May Vinatex) đầu tư xây dựng thương hiệu để có thể hy vọng trở thành những ZARA, H&M hay thậm chí là LV… nhưng đồng thời lại tự mình làm chậm quá trình cổ phần hoá. Với hàng trăm doanh nghiệp như thế đang bỏ phí tài sản và cơ hội thị trường, với cơ hội đổi đời của hàng triệu lao động.