Việt Nam đang xây tổ để đón startup Kỳ lân

10:24 03/12/2020

Hiên nay, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang rất thuận lợi để các startup công nghệ phát triển...

(Ảnh: Internet)

Báo cáo eConomy SEA 2020 thực hiện bởi Google, Temasek và Bain & Company thống kê, Đông Nam Á hiện có 12 startup Kỳ lân (các startup có định giá doanh nghiệp trên 1 tỷ USD), tăng thêm 1 startup so với năm ngoái, đó là VNPay của Việt Nam.

Trước đó, danh sách 11 startup kỳ lân theo báo cáo eConomy SEA 2019 gồm: Bigo, Bukalapak, Gojek, Grab, Lazada, Razer, OVO, Sea Group, Traveloka, Tokopedia và VNG.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, trong bối cảnh CMCN 4.0 bùng nổ, kéo theo sự gia tăng rất nhanh của ý tưởng phát triển. Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang rất thuận lợi để các startup công nghệ phát triển.

Theo đó, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (trực thuộc Bộ KH&ĐT) mang mục tiêu phát triển, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến để kết nối trong hệ sinh thái. Đây cũng là nơi kết nối các nhân thức, tri thức.

"Chúng tôi hiện nay có hơn 300 bạn trẻ, các bạn từng học ở nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, để tham mưu cơ chế chính sách cho Bộ KHĐT và đề xuất các ý tưởng đổi mới sáng tạo", ông Trần Duy Đông nói.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, CEO Grab Việt Nam đánh giá: "Các startup thường gặp nhiều trở ngại trong giai đoạn đầu, khi họ phải đối mặt với những khó khăn trong việc tối ưu hóa nguồn vốn, mở rộng quy mô hiệu quả hay chuyển đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với một thị trường luôn vận động không ngừng và tăng trưởng nhanh chóng".

Nữ CEO cho rằng, trước khi bắt đầu kinh doanh, startup cần đặt ra 2 câu hỏi quan trọng. Thứ nhất là vấn đề bạn muốn giải quyết là gì và có thể dùng công nghệ để giải quyết hay không. Câu hỏi thứ hai là bạn muốn doanh nghiệp của mình phát triển ở quy mô nào và quá trình đạt được lợi nhuận ra sao.

"Mỗi doanh nghiệp sẽ có câu trả lời riêng. Tuy nhiên với việc đại dịch Covid-19 kéo dài trong một năm qua, mọi thứ đã trở nên thách thức hơn rất nhiều. Những mục tiêu mà trước đây các công ty đặt ra, chẳng hạn hoàn vốn trong 10 năm giờ có thể rất khó để thực hiện", bà Vân nói.

Lời khuyên của CEO Grab Việt Nam là các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị từ rất sớm và nên hướng đến 2 yếu tố: phát triển bền vững và tạo ra lợi nhuận.

Theo ông Lê Hồng Minh - đồng sáng lập và Chủ tịch VNG, người tiêu dùng ngày càng có nhiều kinh nghiệm và tìm đến các sản phẩm trên thị trường quốc tế, vì vậy mỗi doanh nghiệp Việt dù nhỏ hay lớn đều nên hướng đến cuộc chơi toàn cầu.

"Chúng tôi nhìn thấy cơ hội ở cả thị trường Việt Nam và quốc tế. Mục tiêu 3-4 năm tới của VNG là phần lớn doanh thu đến từ thị trường toàn cầu và chúng tôi tin có thể thực hiện được điều đó", ông Minh nói.

Chủ tịch VNG cũng tin rằng Việt Nam đang có cơ hội vàng để số hóa mạnh mẽ. Bản thân công ty ông đang hướng đến việc đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ như dịch vụ đám mây, trí tuệ nhân tạo, thanh toán...

TH