Viện trưởng CIEM: Môi trường kinh doanh “8 không” khiến doanh nghiệp “không dám lớn”

00:00 12/10/2020

Môi trường kinh doanh không an toàn với hệ thống pháp luật "8 không" và sự áp dụng tuỳ tiện “sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng” khiến doanh nghiệp không thể lớn, không chịu lớn.

Qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết về kinh tế tư nhân, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, rõ ràng đến nay chúng ta chưa có nhiều điều để nói và chia sẻ lắm. Chính sách là mới nhưng khó khăn và tồn tại với khu vực kinh tế tư nhân vẫn cũ.

TS Nguyễn Đình Cung nghi ngờ về con số đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP nền kinh tế.

Đánh giá để thay đổi nhìn nhận chính trị

Ông Cung đánh giá, Việt Nam đã bắt đầu hình thành kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, giờ đây phải đánh giá lại cái vai trò của kinh tế tư nhân, đánh giá lại về mặt kinh tế chứ không phải về chính trị.

Cụ thể, ông Cung cho biết, hiện con số thống kê về kinh tế tư nhân chính thức, tức có đăng ký kinh doanh cho thấy khu vực này đóng góp 9% vào GDP. Đặc biệt, mức đóng góp này chỉ thay đổi 1-2% suốt gần 20 năm qua, kể từ khi có Luật Doanh nghiệp và sự bùng nổ của kinh tế tư nhân từ năm 2000. “Tôi nghi ngờ về con số này và tôi cho rằng mức đóng góp của khu vực này cao hơn các khu vực khác”, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Ông Cung lập luận, căn cứ tiền lương lao động, lợi nhuận khu vực tư nhân, thuế… mà chỉ đóng góp 9% cho GDP là không chính xác. Nếu tính đúng, tính đủ khu vực kinh tế tư nhân phải đóng góp từ 30% đến 35% GDP. Do đó cần đánh giá lại.

Viện trưởng CIEM cũng cho rằng khu vực DNNN không đóng góp được mức 30% GDP như tính toán hiện nay.

Có cùng quan điểm, TS.Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: “Tôi cũng có trăn trở với các con số thống kê. 8 tháng đầu năm 83.000 doanh nghiệp đăng ký mới số vốn gần 800.000 tỷ đồng, các dữ liệu đầu vào đều tính trên mức đăng ký như vậy là chưa đúng. Ngay cả với các doanh nghiệp nước ngoài, mức giải ngân tối đa chỉ 56% trên vốn đăng ký, nếu không chỉ hơn 30%. Vậy, nếu các doanh nghiệp cứ nói 800.000 tỷ đồng vào nền kinh tế có thật không?”.

TS.Nguyễn Đức Kiên cũng nhận định, tư duy về kinh tế tư nhân, từ trên xuống dưới đang có vấn đề.

"Do đó, chúng ta cần đánh giá lại đóng góp của kinh tế tư nhân vào phát triển kinh tế. Đánh giá lại để thay đổi nhìn nhận chính trị. Chính những nhìn nhận chính trị này đang tạo ra rào cản với kinh tế tư nhân nói riêng và kinh tế đất nước nói chung", TS Nguyễn Đình Cung bình luận.

Thậm chí theo ông Cung, với nền kinh tế thị trường mà Việt Nam xác định xây dựng, thì mức đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chính thức phải lớn hơn nhiều kể cả khi có đánh giá lại, tức cao hơn mức 30%.

Sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng

“Từ năm 1991, Luật công ty đã thừa nhận về mặt pháp lý của kinh tế tư nhân Việt Nam. Tuy nhiên qua gần 30 năm, mình mới xuất hiện có 4 tỷ phú. Và so với thế giới 4 tỷ phú này cũng rất nhỏ, chưa có doanh nghiệp nào ngấp nghé ở top doanh nghiệp hàng dầu thế giới. Vậy tại sao kinh tế tư nhân vẫn nhỏ?”, ông Cung đặt vấn đề. 

Theo đó, Viện trưởng CIEM chỉ ra những nguyên nhân khiến kinh tế tư nhân “không muốn lớn và muốn lớn cũng không được”.

Thứ nhất, với những đơn vị không muốn lớn. Ông Cung chỉ ra, chúng ta có tự do kinh doanh ở mức độ nào đó nhưng không đảm bảo sự an toàn trong kinh doanh.

“Khi môi trường kinh doanh đầy rẫy rủi ro về mặt pháp lý khiến doanh nhân Việt không chỉ đối mặt rủi ro thương trường mà còn vấp phải rủi ro pháp lý. Chưa an toàn vì hệ thống pháp luật 8 không gồm không cụ thể, không rõ ràng, không minh bạch...và sự áp dụng tuỳ tiện “sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng” khiến doanh nghiệp không thể ứng phó, gỉai pháp của họ là cứ nhỏ mà không lớn và không chính thức. Bởi càng chính thức càng nhiều rủi ro thanh kiểm tra”,Viện trưởng CIEM lý giải.

Thứ hai, nhà cung cấp dịch vụ công lý hầu như không có. Thứ ba, với doanh nghiệp muốn lớn không được, ông Cung phân tích: “Việt Nam phân bố nguồn lực theo cơ chế xin cho, không phải làm tốt có khả năng là được phân bố nguồn lực. Thị trường quyền sử dụng đất, thị trường giao dịch chuyển nhượng đất đai chưa có, thị trường vốn méo mó... do đó, doanh nghiệp không tiếp nhận được nguồn lực". 

Bởi vậy, Viện trưởng CIEM thẳng thắn kiến nghị yêu cầu phải thay đổi hệ thống tư duy. “Đó là nguyên tắc cơ bản của xây dựng thể chế. Sửa phải sửa từ tư duy chứ không phải sửa luật. Khu vực kinh tế tư nhân dù phát triển mạnh mẽ như vậy nhưng không muốn lớn và họ muốn lớn cũng không được, đó là sự trăn trở rất nhiều năm”, ông Cung nói.

Viện trưởng CIEM cũng chỉ ra, có hiện tượng doanh nghiệp đang tìm kiếm thẻ xanh thẻ vàng, nhiều người đã suy nghĩ chọn con đường đó, đó là điều chúng ta trăn trở.

“Như vậy, doanh nghiệp sẽ lớn đến mức nào đó rồi dừng lại, đơn cử như trường hợp của xúc xích Đức Việt, anh Mai Huy Tân, một con người dấn thân rất tâm huyết với phát triển nhưng đến mức đó phải dừng vì “to hơn nữa là chết”. Do đó, cải cách thể chế không phải là cải cách TTHC, bởi cải cách TTHC đó chưa đủ và chưa phải vấn đề căn bản của cải cách thể chế”, ông Cung khẳng định.

Thy Hằng