Vì sao nông dân không mặn mà với vụ đông?

23:04 12/11/2020

Những chuyên gia hàng đầu của ngành Nông nghiệp nhận định: Nếu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về nông nghiệp. Tuy nhiên, lâu nay, chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ thiếu ổn định; người dân luôn bị động về đầu ra cho nông sản nên nhiều nơi ruộng đất bị bỏ hoang…

Quê tôi là một tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ. Trong kí ức tôi, trước đây, vào tầm này, trên những cánh đồng, bà con nông dân tấp nập thu hoạch ngô, khoai tây... Lũ trẻ chúng tôi chất rơm nướng ngô trên triền đê. Mùi thơm của ngô nướng, lẫn trong khói rơm rạ bâng khuâng đến tận bây giờ.

Những cánh đồng bị bỏ hoang vụ đông ở huyện Đông Hưng, Thái Bình.

Lớn lên, tôi mới biết, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, quê tôi và nhiều vùng nông thôn miền Bắc trồng 2 vụ lúa và vụ đông. Vụ đông vào những tháng cuối năm, chủ yếu trồng ngô, đậu tương và các loại rau màu... Một năm 3 vụ lại áp dụng tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất và nhiều yếu tố khác, khiến nông dân trở nên no đủ.

 Thế những, những năm gần đây, bỗng nhiên, vào vụ đông, cánh đồng làng tôi vắng hoe. Người dân quê tôi cho biết, sản xuất cây trồng vụ đông không có lãi, tiền công lao động nông nghiệp không cao so với làm công việc khác. Trong khi đó, các nhà máy, xí nghiệp mọc lên, cụm công nghiệp về tại địa phương thì đa số người dân lại đổ đi làm công nhân, bảo vệ, thợ may… Tính ra thu nhập hàng tháng của một lao động phổ thông trong doanh nghiệp có thể bằng một gia đình thuần nông làm cả năm.

Không chỉ ở quê tôi, mà khi đến xã Đông Sơn, Đông Hưng, Thái Bình, nơi được coi là vựa lúa của miền Bắc cũng vậy. Xã có 417 ha dành cho nông nghiệp vụ đông đa số bỏ hoang. Người dân ở đây cho biết, chi phí sản xuất cao, sâu bệnh, chuột phá hoại... nên thu nhập từ vụ đông thấp, chủ yếu trồng lúa để đảm bảo lương thực cho gia đình; lao động chính trong gia đình tỏa đi khắp nơi, làm công nhân hoặc làm công việc khác như: thợ xây, phu hồ...

Ngược lại, tới Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, tôi thấy nông dân nơi đây tích làm vụ đông, chủ yếu là giống cây đỗ tương, lạc…Kĩ thuật canh tác của nông dân khá hiện đại. Bà con cho biết, năng suất đỗ tương tới 25-35 tạ/ha. Tuy nhiên, bà con trồng đỗ tương chủ yếu bán cho các hộ làm đậu phụ, phần còn lại được bán cho các lái buôn để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Về địa bàn huyện Kinh Môn, Hải Dương, chúng tôi thấy, vụ đông ở đây được coi là vụ mang lại thu nhập chính. Từ nhiều năm nay, trồng hành và tỏi được xem là giống cây chủ đạo và cho năng suất cao hơn nhiều so với trồng lúa. Kế hoạch diện tích gieo trồng vụ đông của huyện Kinh Môn năm nay là 4400 ha rau màu các loại, trong đó hành, tỏi chiếm 3700 ha. Tuy nhiên, cây chủ lực của địa phương này cũng chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu theo theo đường tiểu ngạch.

Hình ảnh người nông dân huyện Kinh Môn (Hải Dương) trồng tỏi vụ đông.

Mới đây, tại Hội nghị triển khai kế hoạch vụ đông năm 2020 các tỉnh phía Bắc, đánh giá:Vụ đông 2019, các tỉnh, thành phố phía Bắc gieo trồng 388.000 ha cây các loại, sản lượng đạt hơn 4,4 triệu tấn, giá trị đạt 31.500 tỷ đồng, cao hơn 2,5 nghìn tỷ đồng so với vụ đông 2018. Thế nhưng vấn đề chế biến nông sản sau thu hoạch vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và bảo đảm thị trường tiêu thụ thiếu ổn định. Từ nhiều năm nay, bà con nông dân vẫn loay hoay trong việc tìm đầu ra cho các nông sản; luôn bị động, dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá”.

Khi đặt vấn đề về chiến lược phát triển ngành Nông nghiệp Việt Nam, những chuyên gia hàng đầu của ngành này nhận định: Nếu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản sau thu hoạch, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ thành cường quốc về nông nghiệp. GS.VS. Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam phân tích: Năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông sản của ta đạt 41 tỉ USD, xuất đi trên 180 nước trên thế giới (chủ yếu là xuất thô). Nếu tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và đột phá trong công nghệ sau thu hoạch (chế biến sâu), cho tới năm 2030/2045, kim ngạch xuất khẩu nông sản sẽ có thể đạt trên 400 tỉ USD /năm. Ví dụ: Đậu tương năng suất bình quân là 2 tấn/ha, giá trị 25 triệu /ha, nhưng nếu biến thành sữa sẽ đạt 400 triệu/ha; chế biến thành mĩ phẩm có thể 2 tỷ/ha. Đối với Cỏ ngọt, lạc và nhiều loại nông sản khác cũng vậy… 

Đồng quan điểm với GS.VS Trần Đình Long, ông Trần Quang Chiểu - nguyên Trưởng đoàn Chuyên gia Nông nghiệp Việt Nam tại Madagascar và Venezuela cho rằng, nước ta có rất nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, từ tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, đất đai… Nếu Nhà nước chú trọng vào đầu tư cơ sở chế biến nông sản thì sẽ không chỉ giải quyết được vấn đề đầu ra cho các nông sản mà còn tăng giá trị kinh tế và xóa được ruộng hoang trên một số tỉnh phía Bắc…

Chúng tôi cũng tin rằng, mai này, từ những cánh đồng hoang, mối liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp sẽ chặt chẽ hơn; nông sản sẽ đa dạng hơn, chất lượng cao và được chế biến sâu hơn để vươn ra khắp thế giới....

Trang Nhung