Vì sao nhà đầu tư “thờ ơ” với danh mục đầu tư của địa phương?

00:00 12/10/2020

Xây dựng danh mục đầu tư như thế nào để hấp dẫn được nhà đầu tư và doanh nghiệp là “bài toán khó” đặt ra với các Sở Kế hoạch và đầu tư hiện nay.

Một trong những điểm mới của Nghị định 57/2018-NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được Chính phủ thông qua ngày 17/4/2018 đó chính là quy định xây dựng danh mục đầu tư thay cho chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, các danh mục đầu tư này đang bị “ế”.

Khó xây dựng danh mục đầu tư đang được xem là "nút thắt" khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp chưa mặn mà với hoạt động đầu tư vào nông nghiệp.

Nhìn chung, các Sở KH & ĐT cho rằng, rất khó để xây dựng danh mục đầu tư. Trong trường hợp có xây dựng được thì cũng không đúng với mong muốn, nguyện vọng đầu tư của doanh nghiệp. Ngoài ra, kể cả trong trường hợp xây dựng được danh mục đầu tư rồi, tuy nhiên không biết dùng nguồn vốn nào để hỗ trợ.

Cụ thể, tại Hội nghị triển khai chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đại diện Sở KH & ĐT Cao Bằng đã đưa ra 3 thắc mắc và đồng thời thừa nhận: “Thứ nhất, rất khó để xây dựng danh mục các dự án đầu tư. Ngoài ra, thông thường, việc xây dựng danh mục đầu tư là do cơ quan Nhà nước triển khai. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại không đầu tư theo danh mục đầu tư cơ quan nhà nước đã lập ra trước đó. Vì vậy, rõ ràng để thu hút được nhà đầu tư, doanh nghiệp vào các dự án nông nghiệp, các danh mục đầu tư này chắc chắn phải sửa đi, sửa lại nhiều lần. Sẽ rất khó để lập được danh mục đầu tư nếu như các Sở KH&ĐT không được hướng dẫn một cách chi tiết và cụ thể”.

Thứ hai, đại diện Sở KH&ĐT Cao Bằng cũng thắc mắc rẳng: “Việc lồng ghép các nguồn vốn ở đây có phân ra, vốn Trung ương, vốn địa phương để hỗ trợ. Tuy nhiên, phân loại dự án như thế nào để được hỗ trợ từ nguồn vốn địa phương và vốn Trung ương thì chưa có hướng dẫn.

Thứ ba, những nội dung hỗ trợ này chắc chắn không phải là dùng vốn đầu tư công hết mà có rất nhiều danh mục được hỗ trợ từ vốn chi thường xuyên và nguồn hỗ trợ phát triển kinh tế. Các Sở KH và ĐT cho rằng phân bổ nguồn hỗ trợ này như thế nào cho hợp lý? Cần có những định lượng hướng dẫn rõ ràng. Bởi, thông thường các Sở sẽ tham mưu dùng nguồn vốn đầu tư công.

Nhìn ở góc độ lạc quan hơn, đại diện một Sở KH và ĐT khác cho rằng, sẽ xây dựng được danh mục đầu tư, tuy nhiên để triển khai được danh mục đầu tư này câu hỏi vẫn quay trở về bài toán vốn ở đâu? Tiến độ đầu tư hàng năm như thế nào?

Giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, các Sở KH &ĐT, ông Đinh Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế Nông nghiệp (Bộ KHĐT) cũng thừa nhận xây dựng danh mục đầu tư không bao giờ là dễ. Bởi đây là nội dung quy định mới. Tuy nhiên, chỉ cần sau một thời gian khi đã làm quen việc này sẽ đơn giản hơn.

Theo đó, việc xây dựng danh mục đầu tư sẽ làm giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Cụ thể, bình thường một dự án là một chủ trương đầu tư, phải cần 10 loại văn bản, giấy tờ, tuy nhiên nếu lập danh mục đầu tư cho 10 dự án thì chỉ cần 1 văn bản.

Mặc dù thừa nhận là khó khăn, song ông Minh cho rằng: “Khó nhưng không khó đến mức không làm được, danh mục này là dự kiến, tuy nhiên dự kiến dựa trên cơ sở trình tự thủ tục hướng dẫn và trong đó có lấy ý kiến của doanh nghiệp. Như vậy, danh mục đầu tư này gần như là của doanh nghiệp rồi. Ngoài ra, có thể điều chỉnh dần danh mục đầu tư theo hướng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư”.

Được biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ ra kế hoạch hành động cho các tỉnh, hàng năm đều phải tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào địa phương mình. Theo đó, các danh mục đầu tư sẽ hoàn thiện hơn thông qua hoạt động này. Ngoài ra, cũng  sẽ có Ban chỉ đạo của Chính phủ về hoạt động này trong thời gian tới.

Ngọc Hà