Vì sao khó thế chấp tài sản sở hữu trí tuệ vay vốn ngân hàng?

00:00 12/10/2020

Mặc dù pháp luật hiện hành cho phép được sử dụng quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) để vay vốn tại các TCTD, nhưng trên thực tế các doanh nghiệp khó vay vốn bằng loại tài sản này.

 

Việc thế chấp tài sản sở hữu trí tuệ để vay vốn ngân hàng hiện gặp rất nhiều khó khăn

Khó thể thế chấp

Phong trào khởi nghiệp bùng nổ khá mạnh mẽ trong mấy năm gần đây cùng với nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh của Chính phủ, trong đó có khá nhiều start-up trong lĩnh vực công nghệ với nhiều ý tưởng vô cùng sáng tạo. Thế nhưng, điểm chung của những doanh nghiệp này là tài sản hữu hình hầu như không có gì, thậm chí văn phòng cũng đi thuê nên tài sản giá trị nhất của họ chính là quyền SHTT. Bởi vậy có một thực tế là phần lớn những start-up này không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng vì không có tài sản đảm bảo (TSĐB). Ngay cả các start-up đã đăng ký quyền SHTT đối với những phát minh, sáng chế của mình cũng không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng dù pháp luật cho phép.

Là một người có nhiều kinh nghiệm hoạt động ngân hàng tại Mỹ, quốc gia mà việc cho vay trên cơ sở TSĐB là quyền SHTT đã được triển khai từ rất lâu, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính đã từng thốt lên rằng: “Rất nhiều ngân hàng ở Việt Nam đang hoạt động như tiệm cầm đồ, cho vay chủ yếu dựa trên tài sản thế chấp”.

Thế nhưng, các ngân hàng cũng có cái lý của mình. Phó Tổng giám đốc một ngân hàng có thế mạnh về cho vay đối với DNNVV cho biết, tài sản SHTT trừu tượng quá, không cầm nắm sờ mó được, trong trường hợp xấu thì thanh lý vật thế chấp này sẽ rất khó vì không có thị trường, giá trị cũng có thể không còn nguyên vẹn…

Ngay cả NHNN cũng thừa nhận việc sử dụng tài sản SHTT làm tài sản thế chấp vay vốn cũng có nhiều khó khăn trên thực tế. Trả lời Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội về vấn đề này, NHNN cho biết, theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định 163/2006/NĐ-CP, TSĐB vay vốn tại ngân hàng có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai; đồng thời quy định quyền tài sản là một loại tài sản và là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Vì vậy các sản phẩm phát minh, sáng chế đã được đăng ký SHTT có thể được coi là TSĐB để vay vốn tại các TCTD.

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động tại Việt Nam và quốc tế cho thấy, việc thế chấp đối với quyền SHTT tại hệ thống các TCTD vẫn còn nhiều hạn chế, một phần do khó định giá quyền SHTT. Mặt khác, việc thế chấp tài sản này khi vay vốn gặp khó khăn do giá trị của quyền SHTT thường chỉ được bảo đảm trong chuỗi các hoạt động của doanh nghiệp đó, khó chuyển giao khi phải xử lý TSĐB trong vay vốn ngân hàng.

Biết đến bao giờ?

Bên cạnh lý do không thể biết được chính xác giá trị của quyền SHTT được dùng làm TSĐB, nhiều chuyên gia cho rằng, điều quan trọng hơn là rủi ro trong quan hệ này là rất lớn, do giá trị của quyền SHTT có thể giảm sút, thậm chí là mất giá trị do sự thay đổi của thị trường, công nghệ, thời hạn bảo hộ cũng như các yếu tố liên quan đến thị hiếu của người tiêu dùng.

Một chuyên gia ngân hàng phân tích, các ngân hàng hiện vẫn đang cho vay dựa trên việc định giá TSĐB làm căn cứ xác định mức cho vay. Thế nhưng rất khó để định giá tài sản SHTT do tài sản trí tuệ thường không có tài sản tương đương trên thị trường. Vì vậy cũng rất khó xác định được mức cho vay đối với loại TSĐB này.

Thêm vào đó, đối thủ cạnh tranh có thể tấn công vào tài sản SHTT làm mất đòn bẩy thực thi quyền của chủ sở hữu hoặc thị trường có thể nhận định giá trị sử dụng mà tài sản trí tuệ này mang lại là rất nhỏ. Điều đó sẽ gây ra nhiều rủi ro cho các ngân hàng trong việc xử lý TSĐB là quyền SHTT để thu nợ khi bên vay không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ của mình.

“Mấu chốt của vấn đề chính là tài sản SHTT cần phải được định giá một cách chính xác thông qua một tổ chức định giá chuyên nghiệp. Trong quá trình định giá đó, các yếu tố như sự thay đổi của công nghệ, thời hạn bảo hộ, sự cạnh tranh của những quyền SHTT tương tự… đều phải được xem xét đến. Bên cạnh việc định giá, để xử lý hiệu quả TSĐB là quyền SHTT khi bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ đòi hỏi giá trị thương mại của quyền SHTT phải được giữ ở mức ổn định so với khi giao kết hợp đồng bảo đảm. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay cả hai điều kiện trên rất ít khi được bảo đảm”, vị chuyên gia trên cho biết.

Điều đó cũng đồng nghĩa, chưa biết đến bao giờ quyền SHTT mới được các ngân hàng chấp nhận như một TSĐB để vay vốn. Trong bối cảnh đó, lời khuyên của các chuyên gia là các start-up nên tìm tới các quỹ đầu tư mạo hiểm để tìm kiếm vốn, thay vì đến với ngân hàng, bởi bên cạnh hỗ trợ vốn, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng có thể đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích cho các start-up, thậm chí hỗ trợ họ trong việc quản lý, phát triển các ý tưởng của mình.