Vì sao khó dẹp nạn tín dụng đen?

00:00 12/10/2020

Luật quy định chỉ cần cho vay lãi suất hơn 8,5%/tháng, hưởng lợi bất chính trên 30 triệu đồng là có thể xử lý hình sự nhưng tín dụng đen vẫn tồn tại.

Nạn tín dụng đen diễn ra rầm rộ, công khai suốt thời gian qua, gây ra nhiều hệ lụy nhưng không dễ xử lý, dẹp bỏ. Ảnh: ĐH

Hoạt động cho vay họ góp, tín dụng đen (TDĐ) được xác định là nguyên nhân phát sinh nhiều loại tội phạm xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm cần ngăn chặn. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, ít khi cơ quan tố tụng xử lý người cho vay nặng lãi.

Lách đủ kiểu

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Công ty Luật TNHH MTV Hải Phòng, đánh giá trong bối cảnh thủ tục cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng còn khá chặt chẽ, phức tạp thì TDĐ là một kênh giúp người dân đang gặp khó. Tuy nhiên, TDĐ áp mức lãi suất kinh hoàng, đẩy người khó vào cảnh khốn cùng.

Theo luật sư Tùng, BLHS 2015 có quy định mức lãi suất trần để xác định dấu hiệu của tội phạm cho vay nặng lãi. Cụ thể, Điều 201 BLHS 2015 quy định: Người nào cho vay lãi suất gấp năm lần mức lãi suất cao nhất theo quy định của BLDS, hưởng lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên là có dấu hiệu phạm tội này.

Trong khi đó, trần lãi suất theo quy định tại Điều 468 BLDS 2015 là khoảng 20%/năm, tức khoảng gần 1,7%/tháng. Vậy cho vay với lãi suất từ 8,5%/tháng trở lên là có thể bị xử lý về hành vi cho vay nặng lãi.

Để che giấu mức lãi khủng khiếp, chủ TDĐ không thể hiện trên giấy tờ vay mức lãi suất nhưng vẫn thu tiền lãi hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng mà khi bắt giữ công an khó chứng minh mức lãi này.

Gây bất ổn xã hội

Đại tá Trần Tiến Quang, Trưởng Công an quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng), cho hay trước đây khi làm phó trưởng Công an quận Lê Chân phụ trách điều tra, ông đã phải xử lý rất nhiều vụ án liên quan tới hoạt động TDĐ. Đại tá Quang đã có những tổng kết sâu về hoạt động này cũng như những hệ lụy của nó gây ra ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội.

Trong nhiều năm qua, tội phạm liên quan đến hoạt động TDĐ diễn biến phức tạp; đã xảy ra nhiều vụ án như xiết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, lừa đảo, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng.

Đại tá Quang cho rằng những chủ cho vay thường tập hợp thành băng nhóm tập hợp nhiều đối tượng côn đồ có tiền án, tiền sự, sẵn sàng dùng thủ đoạn trái pháp luật với người vay hoặc gia đình họ để thu nợ.

Theo Đại tá Quang, hoạt động TDĐ không có sự bảo đảm của pháp luật. Nó thường được thể hiện dưới hình thức tín chấp hoặc có tài sản nhưng sẽ lách. “Đa số các nhóm cho vay thường yêu cầu người vay viết giấy bán tài sản, sau đó cho chính họ thuê lại, nếu con nợ không trả tiền thì tố là bị lừa đảo. Họ cũng ném chất bẩn vào nhà người vay để khủng bố tinh thần hoặc đánh, bắt giữ người, đập phá đồ đạc để ép nợ” - ông Quang nói.

 “TDĐ là một trong các nguyên nhân dẫn đến nhiều loại tội phạm xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm gia tăng. Các chủ nợ, băng nhóm đòi nợ thuê hết sức manh động, thường hành xử kiểu xã hội đen gây hoang mang trong dư luận” - ông nói.

Vẫn khó xử lý?

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng cũng cho biết BLHS 2015 đã cụ thể hơn đối với các tội cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, đối với hoạt động cho vay họ góp, chủ TDĐ chia nhỏ số tiền cho vay nên khó chứng minh họ thu lợi trên 30 triệu đồng.

Các chủ TDĐ cũng đối phó bằng cách không ra mặt, giao cửa tiệm, cửa hàng cho người khác quản lý khi đã bị xử phạt hành chánh.

Chủ các đường dây TDĐ cũng lách bằng cách ghi hợp đồng cho vay dưới hình thức khác nên việc xử lý đối với hoạt động này không hề đơn giản. Thông thường chỉ khi các chủ nợ có hành vi vi phạm pháp luật khác như cưỡng đoạt, cướp, đánh, bắt giữ người trái pháp luật thì công an mới xử lý về tội cho vay nặng lãi.

Đại tá Trần Tiến Quang cho rằng để ngăn chặn nạn TDĐ cần tổ chức tuyên truyền cho người dân nắm rõ được phương thức, thủ đoạn của các nhóm cho vay nặng lãi.

Lực lượng chức năng cần nắm tình hình, chủ động phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và trấn áp các băng nhóm hoạt động trong lĩnh vực TDĐ… Các biện pháp đồng bộ này sẽ góp phần ngăn chặn tội phạm liên quan tới lĩnh vực TDĐ.

Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự 1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp năm lần mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm. 2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm. (Điều 201 BLHS 2015)

Đỗ Hoàng