Vì sao doanh nghiệp 'khởi nghiệp hôm nay, phá sản ngày mai'?

00:00 12/10/2020

“Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt phá sản cũng như tốc độ thành lập mới tỷ lệ là 45-55. Nghĩa là cứ 45 doanh nghiệp phá sản thì có 55 doanh nghiệp thành lập mới” – ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận đầu tư công ty Savills Việt Nam cho biết.

Doanh nghiệp thủ công chật vật vươn khơi

Theo ông Khương, 5 năm vừa qua, tốc độ phát triển của kinh tế Việt Nam được xem là nổi trội trong khu vực trên thế giới. Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm từ 75-80% trong nền kinh tế, được xem là xương sống của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các DNVN phá sản cũng như tốc độ thành lập mới tỷ lệ là 45-55- nghĩa là cứ 45 doanh nghiệp phá sản thì có 55 doanh nghiệp thành lập mới.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ở nhiều thị trường mới nổi hay các quốc gia khởi nghiệp, việc DN liên tục thành lập hoặc phá sản như vậy là bình thường.

 Ông Sử Ngọc Khương

“Mặt bằng chung ở các quốc gia khởi nghiệp thì 10 DN thành lập có 20-30 thất bại. Các DN hình thành từ nhiều yếu tố khác nhau: từ sự đam mê, muốn làm chủ…Không phải ai ra khởi nghiệp cũng có đầy đủ các yếu tố về tài chính, kinh nghiệm để thành công” – ông Khương nhấn mạnh.

Đối với các công ty startup, nguồn vốn họ cần có nhất thiết phải là tiền? Ông Mã Thanh Danh, Phó tổng giám đốc Kido Group khẳng định: “Cái mà các startup thiếu ở đây không phải là tiền, bởi có rất nhiều quỹ đầu tư sẵn sàng bỏ vốn. Cái họ thiếu chính là đề án kinh doanh, mô hình kinh doanh có thực tế và có khả năng chiến thắng hay không, đội ngũ thực thi hiệu quả, có tính trung thực…”.  Ông Danh cho rằng, DN startup muốn thu hút nhà đầu tư, cần phải “tút” kế hoạch kinh doanh của mình cực kỳ sắc nét, tính khả thi, tính trung thực và kế hoạch hành động cụ thể, để nhà đầu tư yên tâm bạn là người thực thi được vấn đề đó.

Startup không thiếu vốn, cái họ thiếu là kỹ năng, kinh nghiệm, quản trị...

Các chuyên gia cho rằng, để nhà đầu tư bỏ tiền ra “dễ mà khó, khó mà dễ”. Vì mỗi nhà đầu tư có cách nhìn nhận vấn đề khác nhau, khẩu vị khác nhau. Nhưng cuối cùng vẫn là lợi nhuận của họ, có thể đầu tư ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn. Đối với DNNVV, nhà đầu tư nhìn câu chuyện phát triển trong tương lai. Hiện, chúng ta đang thiếu nhiều thứ lắm để nhà đầu tư “kết hôn” với mình, tôi cho rằng đội ngũ lãnh đạo và nhà thực thi. Ngoài những câu chuyện về lợi nhuận, tốc độ phát triển sản phẩm thì đội ngũ lãnh đạo và việc thực thi, yếu tố con người rất quan trọng.

Lợi nhuận cho ngành nghề đó có thể từ 10-15 % nhưng họ có thể chấp nhận thấp hơn từ khoảng 7-10% vì họ nhìn thấy được triển vọng cũng như ngành nghề của sản phẩm này. Đối với DN khi ra biển lớn, mời gọi các nhà đầu tư, DN cần sự tư vấn của những đơn vị tư vấn nổi tiếng trong nước và thế giới; sự cộng hưởng về sức mạnh kinh nghiệm, tài chính, quản trị… Ngoài đội ngũ bên trong thì cần đội ngũ tư vấn để củng cố sức mạnh để vượt qua biển lớn.

TS.LS Bùi Quang Tín cho rằng doanh nghiệp đang thiếu về chiến lược pháp luật

Rủi ro pháp lý cũng là 1 trong những lo lắng của DN, làm sao tránh hoặc hạn chế rủi ro. Theo TS.LS Bùi Quang Tín, câu chuyện pháp lý không chỉ liên quan đến DN startup mà cả những DN lớn, hàng đầu tại Việt Nam. Đơn cử gần đây nhất là vụ Ba Huân với VinaCapital, việc chuẩn bị các văn bản về hợp đồng, chúng ta cứ cho rằng văn bản bằng ngôn ngữ tiếng Anh thì không có giá trị, chỉ có văn bản hợp đồng bằng ngôn ngữ tiếng Việt mới có giá trị. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật dân sự hiện hành vẫn công nhận các ngôn ngữ khác nhau trên hợp đồng. Đó cũng là thỏa thuận hợp pháp khi chúng ta đã đồng ý với nhau.

Các công ty startup hiện nay đang thiếu nhiều về sự chuẩn bị pháp luật, về vốn, về công nghệ… Đặc biệt là thiếu tư vấn về chiến lược pháp luật – LS Bùi Quang Tín nhìn nhận.

Uyên Phương