Vì sao doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm?

00:00 12/10/2020

Thị trường bất động sản năm 2019 gặp khó khăn về pháp lý, thủ tục hành chính, tín dụng siết chặt, cộng thêm dịch Covid-19…, nên trong 2 tháng đầu năm nay, lĩnh vực bất động sản có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 6%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2020, có 5 lĩnh vực có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó có lĩnh vực bất động sản (BĐS).

Phản ánh đúng thực tế khó khăn 

Tính chung trong cả nước, 2 tháng đầu năm có 17.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng số vốn 220.000 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2019. Có 11.900 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, tăng 71%, nhưng có đến 16.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, lĩnh vực BĐS chỉ có 790 doanh nghiệp đăng ký, giảm 6%. Con số này cho thấy lĩnh vực BĐS đang gặp khó khăn, bởi trước đây theo thống kê, cả số vốn và số lượng doanh nghiệp BĐS được thành lập đều nằm trong top đầu.

Theo nhiều chuyên gia, việc việc sụt giảm số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới phản ánh đúng thực tế khó khó khăn của thị trường BĐS hiện nay. Số lượng dự án mới sụt giảm, nguồn cung khan hiếm, nhất là khan hiếm nhà ở trung cấp và bình dân.

Đặc biệt, sự bùng nổ của dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến nhiều ngành công nghiệp, trong đó BĐS nghỉ dưỡng là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Mới đây, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) có công văn gửi Bộ Xây dựng về việc cung cấp thông tin chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ chủ trì nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp và thị trường BĐS.

VNREA cho biết thị trường BĐS nhà ở cả nước năm 2019 cho thấy sự sụt giảm mạnh mẽ cả về nguồn cung và lượng giao dịch. Trong đó, lượng cung đạt 107.284 sản phẩm, tương đương với 61,5% năm 2018; lượng giao dịch vào khoảng 72.828 sản phẩm, chỉ bằng 64,7%.

Tại Hà Nội, lượng cung đủ điều kiện bán hàng từ năm 2017 - 2019 liên tục giảm. Năm 2019 giảm 57 dự án, tương đương với 20.718 sản phẩm, chỉ đạt khoảng 89,78% so với năm 2018. Tại TP.HCM, lượng cung đủ điều kiện bán hàng năm 2018 - 2019 cũng sụt giảm. Năm 2019, giảm 30 dự án, tương đương 3.512 sản phẩm, chỉ đạt 87,59% so với năm 2018.

Còn theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), đây là năm thứ hai thị trường BĐS và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Chính điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp, đơn vị phân phối BĐS gặp khó vì không có sản phẩm để bán.

Thực tế trên phù hợp với số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ KH&ĐT): năm 2019, lĩnh vực BĐS có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp giải thể, tăng 39,4% so với năm 2018.

4-3-TT-BDS-8844-1583283729.jpg

Thj trường BĐS sụt giảm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới sụt giảm (Ảnh: Internet)

Đề xuất nhiều giải pháp

Đánh giá chung về thị trường BĐS nhà ở năm 2019, VNREA cho hay, tại các đô thị lớn (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang) và nhiều tỉnh thành trên cả nước, nguồn cung mới từ các dự án BĐS đô thị và nhà ở sụt giảm mạnh. Trong đó, nguyên nhân chính được xác định là việc rà soát, thanh kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai… tại các dự án.

Còn đối với BĐS nghỉ dưỡng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sụt giảm. Đặc biệt, tại các khu vực nghỉ dưỡng biển như Nha Trang, Đà Nẵng sụt giảm 30% riêng lượng khách đến từ Trung Quốc; còn tại Hà Nội sụt giảm 95% lượng khách đến từ Hàn Quốc.

Thêm nữa, mới đây, Savills Việt Nam cũng đánh giá, mặc dù đầu tư nước ngoài vào phân khúc BĐS công nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì tốt vào năm 2020, nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã gây ra những lo ngại về tình trạng thiếu lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng trong lĩnh vực sản xuất. Vì thế có thể ảnh hưởng đến nhiều nhà sản xuất Việt Nam có liên kết chuỗi cung ứng liên quan đến Trung Quốc.

“Tuy nhiên, tương lai gần khi Việt Nam hoàn tất ký Hiệp định EVFTA, BĐS công nghiệp được mở rộng cửa hơn”, đại diện Savills nhấn mạnh.

Theo VNREA, năm 2020, nguồn cung khan hiếm sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động môi giới BĐS. Có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp và môi giới BĐS không thể trụ lại với nghề nghiệp. Thực tế số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới sụt giảm đã và đang diễn ra đúng với nhận định của VNREA.

Hơn nữa, động thái siết chặt hơn tín dụng vào BĐS chắc chắn sẽ làm giảm lực đầu tư từ các doanh nghiệp BĐS nhỏ và vừa, bởi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giữ ổn định và tạo đà tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh trong các quý tiếp theo, VNREA đã có đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt tập trung vào các giải pháp về tín dụng và thuế.

Về giải pháp về tín dụng, các ngân hàng thương mại cần có phương án giảm lãi suất đối với các hợp đồng vay đầu tư cho dự án kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú; xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp, có gói vay với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đối với giải pháp về thuế, Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp như: Giãn thời gian nộp các nghĩa vụ vào ngân sách nhà nước 6 tháng; miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuế đất sau khi dịch được kiểm soát, giảm thuế VAT và lùi thời gian nộp thuế.

Minh Sơn