Vì sao ÐBQH chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Giao thông vận tải?

00:00 12/10/2020

“Dù cán bộ đi lại bằng phương tiện gì, ô tô hay xe máy, thì điều quan trọng nhất vẫn là hiệu quả công việc. Cán bộ đi xe honda xuống với dân, ừ cán bộ đó được coi là giản dị, nhưng anh lại chẳng quan tâm gì đến dân, cũng chẳng màng đến công việc mà người dân mong muốn được giải quyết, thì cũng không đạt yêu cầu”, Ðại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang chia sẻ với Tiền Phong.

Phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, bà đã nêu ra mô hình bộ trưởng đi làm bằng xe buýt, chủ tịch tỉnh đi làm bằng xe máy, còn giám đốc sở thì đi làm bằng xe đạp. Liệu mô hình này có thực sự khả thi, thưa bà?

Thực ra mô hình này không phải tôi là người đề xuất đầu tiên, mà xuất phát từ thực tế qua việc Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đi làm bằng xe máy. Ngoài ra, cũng có nhiều lãnh đạo tỉnh thành khác đã thực hiện điều này. Chính vì vậy, tôi mới đưa mô hình đó ra để chất vấn, trao đổi với Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT), để ông ấy có giải pháp, kiến nghị với Chính phủ, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Trên thực tế, dù đi xe máy, hay xe buýt mà với tình trạng ách tắc giao thông như thế thì làm sao đi được? Thậm chí người đi bộ trên vỉa hè còn chẳng có chỗ mà đi. Nghĩa là, để thực hiện mô hình đó phải có kết cấu về hạ tầng giao thông đồng bộ, tổng thể, chứ hạ tầng giao thông hiện nay yếu kém, lại quá nhiều nhà chung cư, thiếu sự đồng bộ thì muốn thực hiện mô hình đó rất khó.

Vậy bà có hài lòng với trả lời chất vấn của Bộ trưởng GTVT về nội dung này không?

Rất tiếc Bộ trưởng GTVT lại không đi đúng vào trọng tâm tôi nêu ra. Tôi không hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Không chỉ cán bộ công chức đâu, mà bản thân mỗi người dân, dù họ lựa chọn dùng phương tiện gì, đi lại bằng cách nào thì cũng tùy theo từng điều kiện của họ. Nhưng điều quan trọng là phương tiện nào cũng phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm, giảm ách tắc giao thông, giảm thiểu tác hại môi trường. Rồi cũng phải tùy hoàn cảnh cụ thể, ví dụ đi làm gần thì có thể sử dụng xe máy, còn đi xa thì cần phải dùng ô tô, phương tiện công cộng đưa đón.

Tôi muốn bộ trưởng nhìn nhận về vấn đề đó như thế nào, và đưa ra giải pháp đồng bộ cho việc này. Không biết bộ trưởng có nghe rõ không, nhưng bộ trưởng lại không trả lời ý sau của tôi, nên tôi không hài lòng về câu trả lời đó.

Giải pháp mà đại biểu nêu ra là để áp dụng cho tỉnh Hậu Giang hay cho các thành phố lớn?

Mô hình đó nếu áp dụng được thì rất tốt, không nhất thiết ở đâu cả. Dù ở đô thị lớn hay tỉnh lẻ, mà có ý thức về tiết kiệm, hạ tầng giao thông mà tốt thì có thể áp dụng được, nhất là quãng đường đi gần. Ở đây, tôi đang nói ở những điều kiện bình thường là đi làm hằng ngày.

Nhưng với điều kiện hạ tầng hiện nay khó có thể áp dụng được. Vì thế, vấn đề đặt ra là cái giải pháp của bộ trưởng về hạ tầng giao thông như thế nào, để mô hình đó hay một mô hình nào khác có thể thực hiện được. Về việc này, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã lên tiếng, một số cán bộ đã tham gia tích cực rồi. Không chỉ riêng Hậu Giang hay các tỉnh thành nào nữa, tôi cho rằng ở đâu thực hiện được cũng là tốt, nếu như hạ tầng giao thông bảo đảm.

Trong nội dung chất vấn, bà cũng đề cập câu chuyện nêu gương của cán bộ, phải chăng việc cán bộ giản dị, đi lại bằng xe máy cũng là cách gần dân sát dân?

Đúng, mặc dù đã có định mức rồi nhưng không phải lúc nào mình cũng dùng xe công để đi, mà dùng một phương tiện khác đi cho phù hợp hơn và người dân cũng thấy không phản cảm. Người dân ở chỗ chúng tôi nghèo lắm, đường xa quá mới phải dùng ô tô, còn xuống ấp, xuống xã nếu hạ tầng thuận tiện, thì cán bộ sẽ dùng phương tiện gần dân nhất để đi. Nếu cán bộ như vậy, dân  thấy  đồng cảm, gần gũi hơn. Rất tiếc, nhiều cán bộ muốn thực hiện nhưng không có điều kiện để làm việc đó, vì hạ tầng không đáp ứng yêu cầu.

Tôi cũng phải nói thêm rằng, không phải cứ đi xe honda là có thể giải quyết tốt công việc hơn là xe 4 bánh. Nhưng xuống người dân còn khó khăn, thì làm thế nào để người ta cảm thấy giữa cán bộ với dân đừng có cái gì đó xa cách. Với người dân, người cán bộ phải là nêu gương, dù tất nhiên không chỉ là ở phương tiện đi tới đi lui, mà phải nêu gương từ cách nghĩ, cách làm, công việc gì đó hết sức thiết thực, cụ thể.

Điều quan trọng nhất ở đây vẫn là hiệu quả công việc. Cán bộ đi xe honda xuống với dân, ừ cán bộ đó được coi là giản dị, nhưng anh lại chẳng quan tâm gì đến dân, cũng chẳng màng đến công việc mà người dân mong muốn được giải quyết, thì cũng không đạt yêu cầu. Vấn đề ở chỗ làm thế nào tiếp cận được với người dân một cách gần gũi nhất, nhanh nhất và giải quyết công việc hiệu quả nhất, còn phương tiện đơn giản cũng chỉ là phương tiện mà thôi.

Bà có thể cho biết, ở tỉnh Hậu Giang lãnh đạo có thường xuyên đi làm bằng xe máy không?

Ở tỉnh chúng tôi có rất nhiều cán bộ lãnh đạo đi làm bằng xe honda hằng ngày. Những công việc đi công tác, thì các anh lãnh đạo tỉnh chỉ đạo đi xe chung, chứ không phải mỗi người đi xe riêng. Nếu hạ tầng giao thông đồng bộ, tôi nghĩ đi xe đạp còn có lợi cho sức khỏe, thân thiện môi trường, nếu khoảng cách đi lại gần và có thể nắm bắt tình hình thực tế tốt hơn.

Cảm ơn bà!

 

Theo Thành Nam