Về Hà Tĩnh ăn kẹo cu-đơ

00:00 12/10/2020

Bao thứ kẹo bánh hảo hạng không giới thiệu lại đi kể về thứ kẹo (hay bánh) Cu Đơ mãi trong Hà Tĩnh! Lạ thế. Đôi khi ta chán chê những món cao lương mỹ vị, bỗng nhiên  thèm bát bún ốc, củ khoai lang nướng. Ví như bây giờ, trong tiết thu lành lạnh hơi mưa, ta ngồi trước bát chè xanh nghi ngút hơi, nhẩn nha tận hưởng vị ngọt, vị cay, vị bùi của thứ kẹo Cu Đơ, để  nhớ về những vùng đất trong những chuyến tác nghiệp, chẳng thú vị hay sao!

Nói đến kẹo  Cu Đơ lại nhớ tới chuyến tác nghiệp ở Mỏ sắt Thạch Khê ( Hà Tĩnh). Đó là một ngày nắng nóng khủng khiếp. Gió Lào thổi ràn rạt như bão. Trên công trường bóc đất Mỏ sắt Thạch  Khê, những chiếc xe trọng tải lớn chạy rầm rập, cát cuồn cuộn bay. Trong cái nóng gay gắt ấy, tôi thầm ước được ngồi trước cốc bia hơi sủi bọt. Đằng này, anh Luật, lái xe cơ quan tôi lại dừng xe trước cái quán ven đường, trong đó bày toàn kẹo Cu Đơ. banh-cu-do-thanh-hoa Tôi không lạ gì loại kẹo này. Quê tôi (Nghệ An) cũng làm được, thậm chí tôi còn biết xuất xứ và cách chế biến Cu Đơ. Tương truyền, người đầu tiên nấu kẹo Cu Đơ là một thanh niên người ở xóm Thịnh Bình, xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cách gọi của dân địa phương như thế này: Khi người con trai còn bé gọi là thằng cu, lớn lên gọi là anh cu, khi lấy vợ, có con trai đầu lòng  gọi là anh chắt. Người đầu tiên nấu kẹo Cu Đơ là con thứ hai trong gia đình, khi còn nhỏ gọi là thằng cu Hai . Trong tiếng Pháp  Hai gọi là Đơ (deux) nên sau này quen gọi là kẹo Cu Đơ, tức kẹo do  anh cu Hai nấu. Có tài liệu cho rằng, anh cu Hai tên tục là anh chắt Vy. Ông bà chắt Vy đã mất từ lâu. Ông bà có 3 con, một gái hai trai. Người con gái đầu tên là Cầm, được ông bà truyền nghề nấu Cu Đơ. Đến nay, kẹo Cu Đơ phát triển khắp nơi trong tỉnh Hà Tĩnh và phát triển ra tận ngoài Nghệ An, vào trong Quảng Bình v.v. Ở TP Hà Tĩnh, dọc đường số 1, hai bên đường dày đặc các biển quảng cáo: "Tại đây có bán Cu Đơ". Cu Đơ được xếp thành từng chồng. Trước Cu Đơ gói bọc trong túi ni lon, không có nhãn mác. Giờ, Cu Đơ được đóng gói cẩn thận, có nhãn mác, ghi nơi sản xuất, số điện thoại. Việc chế biến Cu Đơ cũng đơn giản. Nguyên liệu chính của Cu Đơ là lạc nhân, bánh tráng và mật mía.  Mật mía được bỏ vào chảo chuyên dùng, sau khi đun sôi, cần thêm một số phụ gia như gừng, bột mạch nha. Tiếp đó, người ta cho lạc nhân vào chảo mật đang sôi. Sau khi mọi thứ đã vừa độ, người ta đổ hỗn hợp kẹo lên bánh tráng và ốp hai mẩu bánh tráng lại với nhau. Sau khi đã hoàn thành công đoạn chế biến Cu Đơ, người ta thường xếp chồng lên nhau khoảng 5 đến 10 cặp bánh gói vào giấy báo và đựng vào túi nilon để bánh được giòn lâu và không bị ẩm. Một loại Cu Đơ  nấu non (mềm hơn), múc vào bát con (đọi) và dùng thìa để xúc ăn gọi là "kẹo đọi", chủ yếu bán tại nhà. Loại kẹo này thường được thưởng thức cùng với nước chè xanh. Từ bé tôi đã ăn kẹo Cu Đơ, bán tại các chợ, bến tàu hỏa quê tôi. Thú thật, tôi không thấy ngon. Có lần, tôi về quê mang ra Hà Nội mấy bịch kẹo Cu Đơ . Mấy hôm sau, kẹo Cu Đơ vẫn lay lắt nham nhở dưới gậm bàn. Vậy mà bây giờ, giữa lúc gió Lào đang thổi ràn rạt, nóng hầm hập, mà gặm thứ kẹo Cu Đơ, thì thậm vô lí. Nhưng nể lời mời của anh Luật, tôi vẫn sà vào quán. Bà chủ quán tươi cười, đón chúng tôi như người đã thân quen, rồi rót nước vào bát sứ to: “Các chú uống đọi nác cho đỡ khát, hầy”. Tiếng địa phương gọi bát là đọi; nước là nác. Đó là đọi nác chè tươi đặc sánh. Tôi bê đọi nác lên. Quả nhiên, cơn khát dịu lại. Anh Luật vẫn thong thả nhai kẹo Cu Đơ, thi thoảng chiêu ngụm nước. Rồi anh dục tôi ăn kẹo. Nể lời, tôi cầm kẹo lên nhai. Vị ngọt của mật, vị cay của gừng, vị bùi của lạc hòa quyện trong chát của chè xanh đọng lại nơi đầu lưỡi, tạo cảm giác khó tả. Bây giờ tôi mới thấy kẹo Cu Đơ quá ngon. Trên đường ra Hà Nội, chúng tôi mua mấy bịch Cu Đơ về làm quà. Lần này, vợ con tôi tấm tắc khen Cu Đơ ngon! Minh Cao