Văn Quang Đức với ảnh nghệ thuật & ảnh báo chí

00:00 12/10/2020

Văn Quang Đức sinh năm 1915 ở thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân - Hà Nam). Năm nay ông tròn 103 tuổi (1915- 2018). Ông thuộc lớp thế hệ đầu đàn bước vào nghề nhiếp ảnh từ ngày đầu cách mạng tháng Tám. Theo kháng chiến cho đến năm 1951, ông về thị trấn An Lưu, huyện Kinh Môn (Hải Dương) sinh sống và lập gia đình, định cư ở đó cho đến nay.

NSNA-Văn Quang Đức (Hội viên tổ chức nhiếp ảnh Quốc tế FIAP)

Thời thanh niên, ông may mắn hơn nhiều bạn bè cùng lứa, được gia đình cho ra Hà Nội học tập. Ngay từ những ngày đầu ở đất Hà thành, ông vừa học, vừa lao động kiếm sống, vừa hoạt động trong tổ chức hướng đạo sinh, vừa học nghề làm ảnh. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh là người đỡ đầu hướng dẫn ông vào sự nghiệp cầm máy.

An Lưu là thủ phủ huyện Kinh Môn, nơi sơn thủy hữu tình. Giữa thị trấn là một quả đồi lớn sừng sững các dãy phố chen quanh và dòng sông Kinh Thầy đỏ nặng phù sa. Phía Bắc là 5 xã khu Nhị Chiểu với những dãy núi đá xanh đen xếp nhiều tầng như bát úp, phía Nam là đồng bằng bốn mùa cây xanh như thảm lụa. Ở An Lưu, bà con phố xá đã từng gắn bó với nghệ sĩ Văn Quang Đức gọi ông bằng cái tên thân thương, trìu mến - "Bác phó nhòm".

Đối với Văn Quang Đức, cái tên “bác phó nháy” hay “nghệ sĩ” không quan trọng. Quan trọng là lao động nghệ thuật, một nghề không đơn giản bởi nghệ sĩ nhiếp ảnh phải có con mắt tinh đời, biết nhìn ra cái đẹp giữa sự bộn bề ngổn ngang của cuộc sống, với thiên nhiên. Văn Quang Đức chụp ảnh sáng tác, chụp ảnh tư liệu. Đáng tiếc nhiều tập ảnh ghi lại hoạt động của các chiến sĩ cách mạng cướp chính quyền, phong trào chống Nhật, chống sưu cao, thuế nặng của thực dân Pháp và bọn cường hào ác bá mà ông chụp được ở Hà Nội, ở Hà Nam (quê hương sinh ra ông),… đã bị thất lạc. Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, ông còn lưu lại nhiều ảnh tư liệu quý như: thanh niên lên đường nhập ngũ, mẹ tiễn con, xác máy bay rơi trên đồng đất xã An Phụ, dân quân thị trấn An Lưu bắt giặc lái, cầu Lai Vu thời kỳ giặc Mỹ ném bom ác liệt (1967 - 1972)… 

Nhiếp ảnh gia Văn Quang Đức năng nổ, xông xáo như một người lính trên mặt trận sản xuất và chiến đấu. Từ những hố bom, khói đạn, dân quân, nông dân bám trụ chiến đấu, sản xuất, ông đều ghi được bằng hình ảnh. Những hình ảnh mà Văn Quang Đức chụp được mãi mãi là hồi ức cho loài người yêu hòa bình hãy nói “không” với chiến tranh. Những bức ảnh chụp cảnh đồng bào, chiến sĩ, lực lượng vũ trang huyện Kim Môn dũng cảm chiến đấu, sản xuất trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của ông là tư liệu sống, góp phần minh chứng cho thành tích của Kim Môn xứng đáng đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang của Nhà nước.

Văn Quang Đức dáng thanh cao, khuôn mặt chữ điền, ông luôn thể hiện tâm hồn người cầm máy yêu nghề, yêu nghệ thuật, vừa làm thầy vừa làm thợ, làm tất cả các công đoạn: từ chụp ảnh, in phóng, pha thuốc, vào buồng tối, bảo quản lau chùi máy ảnh, máy sấy, lưu trữ, cất giữ ảnh... Ông không bao giờ thỏa mãn với những tác phẩm của mình mà luôn luôn trăn trở làm sao có được những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao hơn. Đây chính là tâm, tín của người nghệ sĩ. Từ một "bác phó nhòm" đến nghệ sĩ là một khoảng cách. Tìm kiếm cái đẹp luôn là niềm say mê, khát vọng cháy bỏng của ông. Chờ đợi, lựa chọn, bấm máy đúng khoảnh khắc… đòi hỏi sự kiên nhẫn, phút thăng hoa của một nhiếp ảnh gia. Nghệ sĩ Văn Quang Đức đã từng lặn lội xuống đảo cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện) chờ đợi hai, ba ngày để chụp được hình ảnh đàn cò tung cánh lúc rạng đông (1987) để có được bức ảnh nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng lần thứ VI.

Tác phẩm: Đường về của lúa

Say mê ảnh nghệ thuật đã ngấm vào máu thịt của người cầm máy. Nghệ sĩ Văn Quang Đức rất tâm huyết với lời dạy của Bác Hồ: "Máy ảnh là thứ vũ khí đấu tranh giai cấp sắc bén". Ông xác định những tác phẩm ảnh cũng là một trong những vũ khí đấu tranh với kẻ thù, với các thói hư tật xấu. Mặt khác, nó cũng thay miếng trầu, câu chuyện làm bén duyên tình yêu đôi lứa.

Là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam từ năm 1965, qua các lần Đại hội của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Văn Quang Đức có điều kiện gặp gỡ, trao đổi nghề nghiệp, học hỏi kỹ thuật từ các nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành như Võ An Ninh, Đinh Đăng Định, Dương Quỳ, Đức Vân, Lê Đình Chữ, Trịnh Hải...

Hội Văn học nghệ thuật Hải Hưng ra đời năm 1978, Văn Quang Đức là một trong những hội viên đầu tiên xây dựng và có nhiều tác phẩm đóng góp cho Tạp chí Văn học Nghệ thuật Hải Hưng (thời kỳ hai tỉnh Hải Dương, Hưng Yên sáp nhập), cho hệ thống báo chí của tỉnh.

Ông đã thành công với nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật phản ánh cuộc sống và công việc đồng áng của nông dân Việt Nam qua những tác phẩm: "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu", "Được nắng", "Lão nông", "Tre già để gốc cho măng"...

 

Tác phẩm: Tre già để gốc cho măng 

Hơn nửa thế kỷ miệt mài lao động cho nghệ thuật nhiếp ảnh, dấu ấn và nét son đọng lại ở Văn Quang Đức là những tấm ảnh đoạt giải nghệ thuật "Được nắng" Huy chương bạc giải Cộng hòa dân chủ Đức 1966; "Hạt giống mùa sau", "Trên sông Kinh Thầy" giải Rumani; Hang "Đốc tít" giải nhì Triển lãm Ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ tư, "Đàn cò về tổ ấm" giải Côn Sơn 1990...

Dễ dàng nhận ra nét riêng của mỗi tác phẩm, cũng là phong cách riêng của tác giả - rất đồng quê, rất sáng tạo. Tác phẩm "Trên sông Kinh Thầy", con sông gắn liền với tên tuổi Mạc Thị Bưởi - người nữ du kích anh hùng thời chống Pháp, từng vượt sông Kinh Thầy để đưa đón cán bộ, tài liệu cho các cơ sở Đảng. Bức ảnh đoàn thuyền và cánh buồm nâu trên mặt sông, một mặt được đánh giá đạt đỉnh cao nghệ thuật người cầm máy, mặt khác mang tính giáo dục cho những thế hệ sau. 

Giải Ảnh nghệ thuật khu vực sông Hồng lần thứ tư, Văn Quang Đức thu hút người xem với tác phẩm "Giấu đầu hở đuôi". Tác phẩm mang yếu tố ngụ ngôn, mượn cảnh vật miêu tả nỗi gian truân, vất vả của con người đi tìm cuộc sống, lên án bọn tham nhũng sống trên mồ hôi, nước mắt người lao động.

Văn Quang Đức là một trong số ít nghệ sĩ nhiếp ảnh bám sát Khu Công nghiệp Nhị Chiểu, 102 tác phẩm của ông là một thiên phóng sự đậm nét về quá trình xây dựng nhà máy trên một triệu tấn xi măng/năm của dây chuyền I, trở thành tư liệu quý giá của Công ty Xi măng Hoàng Thạch.

Có người nói: "Mỗi tác phẩm ảnh là một lát cắt của đời thường. Nhiều bức ảnh đặt cạnh nhau tạo thành khái niệm về một bức tranh chung của xã hội". Ở 102 bức ảnh xây dựng dây chuyền I nếu để riêng lẻ cũng tương tự như khái niệm trên.

Những tác phẩm ảnh của Văn Quang Đức vừa mang dấu ấn một thời xây dựng, vừa mang hơi thở và nhịp sống của 3.000 cán bộ, công nhân viên gắn bó với sản phẩm xi măng Hoàng Thạch. Đồng thời, thể hiện tính trung thực và ý chí của người cầm máy.

Cuộc đời gắn liền với thời gian cầm máy ảnh suốt chiều dài thế kỷ từ năm 1945 đến nay của Văn Quang Đức xứng đáng với tấm thẻ hội viên quốc tế Piát. Đến nay, mặc dù tuổi đã cao nhưng Văn Quang Đức vẫn còn minh mẫn, với chiếc xe đạp cà tàng, ông vẫn say mê đạp xe rong ruổi và sáng tác ở mọi nơi, mọi lúc. Ông được con cháu ủng hộ và kế nghiệp. Anh Văn Cả Quyết là một trong mười người con kế nghiệp của ông, đã có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đạt giải cao ở tỉnh, ở khu vực đồng bằng sông Hồng và toàn quốc.

Quang Minh