Văn hóa phi vật thể: Trải nghiệm từ những “cái bắt tay”

00:00 12/10/2020

Kết thúc hành trình 5 tháng của các nhân vật trải nghiệm tại 6 làng nghề truyền thống, con số 240 thành viên trong cộng đồng di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) Việt Nam 6 đề án xuất sắc về hướng đi cho làng nghề của 6 đội thi đến từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội... là những thành tích nổi bật đã được ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết trong Lễ tổng kết chương trình Trải nghiệm cùng Di sản VHPVT của Việt Nam năm 2016.
Những con số ấn tượng
Chương trình Trải nghiệm cùng Di sản VHPVT của Việt Nam năm 2016 được tổ chức từ tháng 5 - 10/2016 dưới sự chỉ đạo của Sở VH&TT Hà Nội, nhằm mục đích giới thiệu các làng nghề của Thủ đô và các tỉnh lân cận đến với đông đảo du khách Việt Nam và nước ngoài thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tiễn, qua đó tôn vinh các làng nghề và nghệ nhân làng nghề. Theo đó, khác với sự tiếp cận vấn đề khái quát ở các chương trình trải nghiệm những năm trước, chương trình năm nay đã được thiết lập một bước tiến mới khi giúp các nhân vật trải nghiệm định rõ vị trí, trách nhiệm của mình đối với di sản VHPVT, những giá trị tinh thần vô giá của dân tộc thông qua hoạt động trải nghiệm thực tiễn tại 6 làng nghề truyền thống: Làng cốm Mễ Trì Thượng (Nam Từ Liêm), làng chuồn chuồn tre Thạch Xá (Thạch Thất), làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), làng múa rối nước Đào Thục (Đông Anh), làng chèo Khuốc (Thái Bình) và làng nghề tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh).
   
GS.TS Tô Ngọc Thanh trao giải nhất cho nhóm Lối xưa.
Theo ông Lợi: “Để nâng cao chất lượng chương trình qua mỗi năm, Ban tổ chức đã chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng đề án, triển khai đào tạo cho các nhóm nhân vật trải nghiệm từ cách ăn mặc, đi đứng, hành xử... đến việc nâng cao chuyên môn của người tham gia bằng những chặng thử thách rõ ràng như: Phân tích điều kiện địa lý của làng; tham gia vào quy trình sản xuất, trình diễn sản phẩm của làng nghề; thông qua các hoạt động trò chơi tương tác để tìm ra hướng đi mới cho làng nghề”.
Vượt hành trình cùng những sự đầu tư và kế hoạch cụ thể ấy, hành trình trải nghiệm di sản VHPVT được đi đến hồi kết bằng 6 đề án phát triển làng nghề đến từ 6 đội thi xuất sắc: Nhóm Lối Xưa (Đại học (ĐH) Kinh tế quốc dân); Nhóm Trăng xưa (ĐH Văn hóa Hà Nội); Nhóm Thuyền truyền thống (ĐH Hà Nội); Nhóm Luôn tung tăng (ĐH Khoa học Tự nhiên); Nhóm Heri Fami (ĐH Thương mại); Nhóm Lửa thời gian (ĐH Ngoại Thương Hà Nội). 6 phần thi diễn ra trong sự "nảy lửa" xuất phát từ lòng yêu văn hóa truyền thống, từ trải nghiệm thực tiễn cộng với sự sáng tạo đã đưa ra những giải pháp thiết thực, mở ra không ít những hy vọng về sự phục hưng những thứ quý giá đã mất của các làng nghề trong tương lai. Trong đó, phát triển thương hiệu làng nghề qua việc gắn kết mật thiết với internet là một giải pháp được các nhóm đặc biệt quan tâm.
GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “6 sản phẩm tại cuộc thi đã bám sát thực tiễn, mặc dù còn đôi chút hiểu lầm giữa các thể loại, nhưng những con số thống kê, những tỷ lệ khảo sát đã cho thấy sự đầu tư công phu và lòng nhiệt thành của tuổi trẻ. Những con số ấy là cơ sở để ước muốn phát triển làng nghề được hiện thực hóa thêm một bước mới khả quan hơn rất nhiều”.
Truyền tình yêu di sản đến giới trẻ
Chia sẻ về sự thành công của cuộc hành trình trải nghiệm di sản VHPVT năm 2016, ông Lợi đặc biệt nhấn mạnh về hiệu quả của sự hợp tác, những liên kết từ các đơn vị cùng Sở VH&TT Hà Nội. Sự ủng hộ của các tổ chức như Tôi xê dịch, Chèo 48h, Khoa Văn học (trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cùng các làng nghề, Ban quản lý các di tích đã giúp cho con đường đi của chuyến trải nghiệm có được tính phong phú, đa dạng, hấp dẫn giới trẻ.
Đồng quan điểm, ông Thanh cho rằng: Lực lượng thanh niên, nhất là sinh viên hiện nay là đối tượng có thể đặt nhiều kỳ vọng, bởi các em có điều kiện, thời gian tìm hiểu về các phương pháp hiện đại, hướng đi mới mẻ. Vì vậy, song song với sự hỗ trợ và khích lệ từ nhà trường và các cơ quan chức năng, sự dấn thân của các em là điều cần thiết. Và việc khôi phục, phát triển các làng nghề sẽ là xuất phát điểm để các em vừa có thể tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc, vừa có thể góp phần phục dựng kinh tế làng nghề.
Là một nghệ nhân, chủ một DN tranh Đông Hồ nổi tiếng bấy lâu nay, ông Nguyễn Đăng Chế mong muốn hành trình trải nghiệm di sản VHPVT này sẽ lâu bền để ước mơ đưa các sản phẩm tinh hoa của dân tộc vươn xa ra thế giới có thể trở thành hiện thực vào một ngày gần nhất.
Trên cơ sở đó, ông Lợi cho rằng, để thương hiệu các làng nghề không bị mai một, những giá trị văn hóa truyền thống không bị quên lãng, ngoài những nỗ lực từ các đơn vị chức năng, sự chung tay vào cuộc của các tổ chức, trường học là một điều cần thiết. Và ông tin tưởng, nếu làm được điều đó, mô hình cộng đồng di sản VHPVT Việt Nam sẽ được nghiên cứu nhân rộng ra môi trường giáo dục, nhóm cộng đồng, làm lan tỏa tình yêu, sự đam mê, trách nhiệm đối với di sản VHPVT của dân tộc.
(theo kinhtedothi.vn)