Văn Giang (Hưng Yên): Trạm cấp nước hàng chục tỷ hoạt động cầm chừng

00:00 12/10/2020

Trạm cấp nước sạch xã Long Hưng (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) được đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ hoạt động hơn 20% công suất thiết kế. Trong khi đó, người dân vẫn dùng nước mưa, nước giếng khoan…để sinh hoạt trở thành vấn đề bất cập ở địa phương cần tháo gỡ. Xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên có khoảng 3.700 hộ dân, nguồn nước sử dụng chủ yếu trong sinh hoạt là giếng khoan. Theo đánh giá của UBND xã, nguồn nước ngầm ở xã Long Hưng chất lượng kém, đang ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm, đặc biệt là vào những ngày hè nắng nóng. Chị Nguyễn Thị Liên, thôn Sở Đông, xã Long Hưng cho biết: Người dân khoan giếng có chỗ đến 50m cũng chưa có nước. Chỗ có chất lượng nước rất kém, phải lắp đặt bể lọc, có khi lọc đi, lọc lại  nhiều lần nước vẫn vàng nên luôn trong tâm trạng vừa dùng vừa lo. images1444858_IMG_2022 Nhà máy nước sạch xã Long Hưng do Trung tâm Nước SH và VSMTNT Hưng Yên và Liên doanh công ty cổ phần Bơm Châu Âu - Trung tâm nghiên cứu Địa kỹ thuật thi công xây dựng Trước nhu cầu nước sạch cấp thiết của nhân dân địa phương, năm 2013 tỉnh Hưng Yên đã đầu tư Hệ thống cấp nước tập trung xã Long Hưng do Trung tâm Nước sạch và VSMT Hưng Yên và Liên danh công ty cổ phần Bơm Châu Âu – Trung tâm nghiên cứu địa kỹ thuật thi công xây dựng, với tổng kinh phí lên tới hơn 43 tỷ đồng. Ngày 1/4/2015, công trình cấp nước tập trung trên địa bàn xã Long Hưng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trạm cấp nước tập trung xã Long Hưng có công suất thiết kế 1.800m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 3.113 hộ gia đình, giao cho UBND xã quản lý vận hành. Ông Phạm Văn Minh – Chủ tịch UBND xã Long Hưng cho biết: Nhân dân địa phương rất may mắn và phấn khởi khi được tiếp nhận dự án cấp nước sạch. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có khoảng 400 hộ dân (tương đương khoảng 20% công suất thiết kế) sử dụng nước sạch. Lý giải về thực trạng này, Chủ tịch UBND xã Long Hưng cho rằng, phần lớn nhân dân sử dụng cả nước máy và nước giếng khoan trong sinh hoạt. Mặt khác, hệ thống đường ống đấu nối chưa được hoàn thiện hoặc còn gặp vấn đề trong quá trình thi công dẫn đến việc số gia đình sử dụng  nước sạch chưa nhiều. Chị Nguyễn Thị Nhanh, cán bộ quản lý trạm cấp nước tập trung xã Long Hưng cho biết: Nhu cầu nước sạch sử dụng sinh hoạt ở trong dân rất lớn, đơn vị đã tuyên truyền, vận động nhân dân đấu nối, sử dụng nước sạch qua hệ thống loa truyền thanh của xã; nhưng nhiều hộ dân có thói quen sử dụng nước không mất tiền (nước giếng khoan, nước mưa) nên họ chưa mặn mà với lắp nước máy; thậm chí có nhiều hộ lắp đồng hồ nước rồi cũng không sử dụng hoặc rất ít sử dụng nước máy. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân gặp khó khăn trong việc đầu tư mắc đồng hồ, chi trả tiền nước. Gia đình bác Nguyễn Văn Toản (thôn Sở Đông) có 2 người con bị tật nguyền, thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Bác Toản chia sẻ: “Giá nước sạch là 6.800 đồng/m3, gia đình tôi không thể chi trả được vì vẫn đang phải lo chạy ăn từng bữa. Chúng tôi cũng muốn dùng nước sạch cho vệ sinh và an toàn nhưng hoàn cảnh không cho phép”. Ngoài ra, việc UBND xã Long Hưng ủy quyền giao cho doanh nghiệp quản lý vận hành theo cơ chế hiện nay cũng chưa khai thác hiệu quả tiềm lực của doanh nghiệp trong việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng hiệu quả hoạt động của trạm cấp nước tập trung. Theo cán bộ quản lý trạm cấp nước tập trung xã Long Hưng, giai đoạn 2 của dự án nước nối mạng từ Trạm cấp nước tập trung xã Long Hưng sẽ được đấu nối sang hai xã Cửu Cao và Tân Tiến của huyện Văn Giang. Nhưng để khai thác hiệu quả trạm cấp nước theo đúng công suất, thiết nghĩ các cấp, ngành và xã Long Hưng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu, rộng; vận động nhân dân tạo nên phong trào sử dụng nước sạch trong sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe của cuộc sống cộng đồng. Đồng thời, kêu gọi người dân hạn chế giếng khoan, tiến tới bỏ tập quán sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt. Và có chính sách hỗ trợ giá nước sạch cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo để mọi người dân đều có cơ hội sử dụng nước sạch. Bài & ảnh: Tuyết Chinh -tainguyenmoitruong.vn