Vẫn còn tình trạng quản lý “mắt nhắm, mắt mở”!

00:00 12/10/2020

Từ vụ việc của Con Cưng, Khaisilk hay Mumuso, câu hỏi đặt ra là còn bao nhiêu cửa hàng “treo đầu dê bán thịt chó” chưa bị phát hiện, xử lý?

Cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Quản lý thị trường, cần công khai cho người dân biết bộ máy này đang hoạt động thế nào, quy trình kiểm tra, giám sát ra sao?

Vụ việc phát hiện sai phạm ở nhiều sản phẩm đồ dùng bà mẹ, trẻ em của hệ thống Con Cưng đang khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Rất nhiều người bày tỏ bức xúc về cách làm lừa dối người tiêu dùng của hệ thống cửa hàng Con Cưng và đặt vấn đề sau khi vụ việc được phanh phui, những sai phạm này của doanh nghiệp sẽ bị xử lý trước pháp luật, tuy nhiên thiệt hại của người tiêu dùng lâu nay thì ai sẽ đền bù?

Trước Con Cưng, năm 2017, thương hiệu Khaisilk gây chấn động thị trường bởi hành vi “đánh lận con đen”  nhập khăn lụa Trung Quốc về gắn mác Việt Nam bán cho khách hàng với giá hàng hiệu trong thời gian dài.

Gần đây hơn, người tiêu dùng thêm một phen choáng váng trước thông tin chuỗi cửa hàng Mumuso nhập đến 99,3% hàng hóa từ Trung Quốc (số còn lại mua từ nguồn trong nước) nhưng quảng cáo xuất xứ Hàn Quốc để đánh lừa người tiêu dùng.

Câu hỏi đặt ra là còn bao nhiêu cửa hàng "treo đầu dê bán thịt chó" lừa dối người tiêu dùng, qua mặt cơ quan chức năng đang hoạt động trên thị trường chưa bị phát hiện, xử lý? Lực lượng QLTT ở đâu và vì sao "không biết", "không thấy"? Có hay không chuyện cán bộ QLTT "cai đầu dài", tiếp tay, dung dưỡng cho vi phạm?

Trước những nghi vấn này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương Trần Hùng thẳng thắn, vẫn còn tình trạng quản lý “mắt nhắm, mắt mở”, buông lỏng, thậm chí bao che cho đối tượng mắc sai phạm.

Và để chống lại nạn hàng giả, theo ông Hùng cần phải có “người thật”. Muốn có “người thật” thì cần tạo ra những người đứng đầu thực sự thanh liêm, biết tin tưởng và bảo vệ cấp dưới của mình. Bởi trong nhiều trường hợp, người ta bị đối tượng vu khống và nếu không được cấp trên tin tưởng, bảo vệ, sẽ chẳng ai còn dám kiên quyết đấu tranh chống hàng giả.

“Chỉ khi nào người đứng đầu các cơ quan này thực sự tuyên chiến với hàng giả thì hàng giả mới dần không còn “đất sống”. Do vậy, đừng ngại va chạm, nể nang nữa, ai không làm được thì phải điều chuyển, thậm chí cách chức thì mới mong công tác chống hàng giả thực chất được”, ông Hùng bày tỏ.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì bình luận, lâu nay nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng các đoàn kiểm tra nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, buộc phải chung chi để được "cho qua" các vi phạm, nếu không sẽ bị làm khó dễ hoặc xử lý thẳng tay.

Vậy nên mới có chuyện các vụ vi phạm lớn, có tính hệ thống đều bắt nguồn từ phản ánh, khiếu nại của người dân chứ không phải từ quá trình kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền.

“Nhân cơ hội này, cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là QLTT, cần công khai cho người dân biết bộ máy này đang hoạt động thế nào, quy trình kiểm tra, giám sát ra sao…”, ông Doanh nhấn mạnh.

Nguyễn Việt