Ứng dụng khoa học đưa Nông nghiệp thế giới “cất cánh”

00:00 12/10/2020

Duy trì và phát triển nông nghiệp là một bài toán khó, không chỉ với Việt Nam mà còn mang tính cấp thiết toàn cầu. Ngành nông nghiệp hiện nay vẫn đang phải đối phó với nhiều vấn đề dai dẳng, chưa kể những vấn đề mới phát sinh song cũng không kém phần phức tạp. Vậy, các quốc gia trên thế giới đã ứng dụng Khoa học nông nghiệp như thế nào để giải quyết những thách thức này?

Sáng tạo để thích nghi

Người nông dân không chỉ đơn thuần tham gia sản xuất nông nghiệp để phục vụ sinh kế, họ còn là người góp phần bảo vệ trực tiếp tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, đa dạng sinh học và giống cây trồng. Họ cũng tham gia trực tiếp vào quá trình đổi mới sáng tạo, thể hiện qua sự liên tục thay đổi, thích nghi và tạo ra những phương thức canh tác mới, cải tạo đất đai và chống đỡ những hiện tượng khí hậu, thời tiết khắc nghiệt. Chính nhu cầu cấp thiết phải tồn tại đã mang đến cho người nông dân những tính cách tuyệt vời để đương đầu với mọi thử thách.

Các trang trại gia đình hiện chiếm hơn 90% các trang trại và sản xuất hơn 80% thực phẩm của thế giới. Họ cũng quản lý khoảng 75% đất nông nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, điều nghịch lý là các trang trại gia đình lại đang có tỷ lệ hộ đói nghèo và sử dụng thực phẩm không an toàn ở mức cao. Việc tìm kiếm, khuyến khích và phổ biến các điển hình thành công đối với các hộ nông nghiệp gia đình, đóng vai trò rất quan trọng để không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực mà còn giúp thay đổi tương lai của chính loài người. Sáng tạo trong nông nghiệp chính là lời giải cho bài toán dân số và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng hiện nay. 

Dưới đây là một số ví dụ về sáng tạo thành công trong nông nghiệp hiện nay trên thế giới:

Dominica

Tại Cộng hòa Dominica, kỹ thuật vô trùng côn trùng (Sterile Insect Technique - SIT) đã được áp dụng thành công để tiêu diệt ruồi giấm Địa Trung Hải. Vào năm 2015, sự bùng phát của dịch ruồi giấm đã buộc nước này phải ban hành lệnh cấm ngay lập tức đối với xuất khẩu trái cây và rau quả, gây thiệt hại nặng nề khi xuất khẩu nông sản là nguồn thu nhập quan trọng lớn thứ hai của đất nước. SIT là một kỹ thuật đột phá, tác động đến khả năng sinh sản của côn trùng đực trong môi trường phòng thí nghiệm. Khi được thả ra ngoài tự nhiên, chúng giao phối với con cái nhưng không sinh ra thế hệ tiếp theo. Theo thời gian, điều này khiến số lượng côn trùng giảm đáng kể. Đến năm 2017, quần thể ruồi giấm Địa Trung Hải đã chính thức bị xóa sổ. SIT hiện là một trong những phương pháp kiểm soát sinh vật gây hại thân thiện với môi trường nhất hiện nay. Nó cho phép loại bỏ việc sử dụng hóa chất trong diệt trừ các loài côn trùng có hại, vốn cũng gây nguy cơ nhiễm độc đến môi trường và tiêu diệt thêm những sinh vật có lợi khác.

Eritrea 

Tại Eritrea, quốc gia Đông Phi này luôn bị đe dọa an ninh lương thực khi năm nào cũng có nạn châu chấu sa mạc. Bộ Nông nghiệp của Eritrea đã hợp tác với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cùng nhiều tổ chức khu vực khác để tìm kiếm giải pháp đối phó với nạn châu chấu. Dự án eLocust3 ra đời đã khai thác sức mạnh của công nghệ thông tin vào ứng dụng và quản lý nạn châu chấu sa mạc rất thành công. Ứng dụng eLocust3 cho phép ghi lại các quan sát thực địa được thực hiện trong các chuyến khảo sát và chuyển đến trung tâm phân tích dữ liệu qua kết nối vệ tinh trong thời gian thực. Đây là nền tảng của hệ thống cảnh báo sớm toàn cầu của FAO. Bộ Nông nghiệp của các quốc gia cũng được hướng dẫn, đào tạo để sử dụng hệ thống để dự báo, giám sát và đánh giá các đợt di chuyển của châu chấu sa mạc. Nhờ vậy, họ có thể theo dõi, phát hiện sự dịch chuyển của châu chấu sa mạc và triển khai các biện pháp đối phó kịp thời. Ứng dụng dựa trên sự kết hợp những tiến bộ mới nhất trong công nghệ thông tin, truyền thông và vệ tinh thành một hệ thống giám sát và cảnh báo sớm thống nhất. Hiện eLocust3 đã góp phần đáng kể vào sự giảm tải sự tàn phá mùa màng mà châu chấu sa mạc gây ra tại châu Phi và châu Á. 

Ấn Độ

Tại Ấn Độ, chính phủ bang Telanagana đã phát động một chương trình hỗ trợ tài chính mới có tên Rythu Bandhu. Theo đó người nông dân sẽ được hỗ trợ khoảng 55 USD trên mỗi đơn vị canh tác đất đai để hỗ trợ và phục vụ sản xuất. Nhân viên của Rythu Bandhu sẽ tham gia giám sát việc phát tiền hỗ trợ, thu thập dữ liệu về việc sử dụng các khoản tài trợ và phát triển mối quan hệ chặt chẽ với nông dân để đảm bảo kế hoạch canh tác thành công. Chương trình này đã cho phép rũ bỏ gánh nặng nợ nần cho người nông dân, trở thành mô hình tài chính điển hình giúp phát triển ​nông nghiệp bền vững và mang lại lợi ích trực tiếp cho xã hội.

Tanzania

Tại Tanzania, lượng công việc ổn định với thu nhập bền vững khá ít ỏi và người dân tại nông thôn lại càng không có nhiều lựa chọn việc làm. Gần đây, người dân Tanzania đã tìm ra phương thức khai thác loài cây Allanblackia bản địa theo cách mới. Tận dụng việc dầu hạt của loại cây này có rất nhiều chất dinh dưỡng. Người nông dân đã phát triển và làm ra các sản phẩm mới, gồm kem dưỡng và chăm sóc da. Sự sáng tạo này đã mang lại nguồn lợi lớn và thu hút sự chú ý của thị trường quốc tế. Các chuỗi cung ứng Allanblackia vừa chớm nở ở nước này đang góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo và bảo tồn đa dạng sinh học, giúp nông dân địa phương có cơ hội tăng thu nhập thông qua tiếp cận thị trường quốc tế.

Rwanda

Tại Rwanda, nền tảng trí tuệ nhân tạo, Agripredict, đã đạt giải cao nhất tại cuộc thi #HackAgainstHunger năm 2018. Ứng dụng có nguồn gốc từ Zambia này có khả năng phân tích những bức ảnh đơn giản được chụp từ điện thoại để có thể phát hiện sự hiện diện của sâu bệnh. Nó cũng có thể dự báo xác suất xâm lấn của các loài gây hại, và dự đoán tình hình thời tiết bất lợi như hạn hán, lũ lụt và các đợt không khí lạnh.

New Zealand

Nhằm giải quyết vấn đề nhiễm mặn và tận dụng nguồn tài nguyên mặt biển vô cùng phong phú, startup Agrisea của Anh đã mang đến một giải pháp trồng lúa trên mặt biển. Mặc dù mới được thành lập năm 2019, hai nhà sáng lập trẻ của Agrisea, Luke Young và Rory Hornby đã không giấu giếm tham vọng phân tích và chỉnh sửa DNA của các giống lúa, giúp cây lúa tự điều chỉnh được lượng muối nạp vào bên trong cũng như có khả năng cách ly tế bào, bảo vệ DNA khỏi nhiễm mặn và thậm chí là tăng cường khả năng này qua các thế hệ. Ngay trong năm 2020, startup sẽ triển khai các nông trại thử nghiệm đầu tiên tại New Zealand. Nếu thành công, công ty sẽ tiếp tục huy động vốn và tiến tới quy mô lớn hơn, tại nhiều vùng biển rộng như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Trung Quốc, v.v...

Đây là một giải pháp hứa hẹn và đột phá, cho phép các quốc gia có diện tích nông nghiệp thấp như Singapore, Nhật Bản... có thể tăng cường đảm bảo an ninh lương thực cũng như thu hút người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm trong nước.

Tiếp tục thích nghi với thử thách mới

Mặc dù vẫn còn rất nhiều thách thức đang chờ giải quyết, như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, dịch bệnh hay thiếu thốn đất đai... thì nay nền nông nghiệp toàn cầu lại đang tiếp tục đối mặt với thách thức mới từ đại dịch COVID-19. Kinh nghiệm cho thấy, các cuộc khủng hoảng và thảm họa thiên tai đều có xu hướng đẩy giá thực phẩm và lạm phát, từ đó gây ra bất ổn xã hội cùng việc cắt giảm đầu tư cho an sinh xã hội. Đặc biệt, tại các nước đang phát triển, những người nghèo nhất, người dễ bị tổn thương nhất luôn bị ảnh hưởng lớn hơn so với phần còn lại của dân số do không có tĩnh lũy và công việc ổn định. Đối với nông nghiệp, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm, nguyên liệu sản xuất có thể ảnh hưởng tạm thời đến sản xuất của người nông dân. Việc các nhà hàng, trường học, quán ăn đóng cửa cũng làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm tươi sống. Tại thời điểm hiện nay, thế giới đang có khoảng 820 triệu người không được ăn uống đầy đủ, 113 triệu người bị nạn đói đe dọa trực tiếp đến sinh kế. Đây chính là nhóm có nguy cơ bị tổn thương cao nhất khi sản xuất nông nghiệp của thế giới bị đình trệ.

Các chiến lược phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro gây ra bởi COVID-19 đến năng suất và người lao động thuộc khu vực nông nghiệp đang được thế giới quan tâm và áp dụng. FAO cũng đưa ra khuyến nghị về việc các chính phủ nên cố gắng tối đa để duy trì các chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng đã để lại bài học rằng việc cấm xuất khẩu lương thực đã gây ra các vấn đề bất cập cho tất cả các bên. Nó khiến lương thực trở nên khan hiếm tại những nơi cần nhất, trong khi cũng gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập và năng lực duy trì sản xuất của nước xuất khẩu. Nhìn chung, càng tránh hạn chế thương mại sẽ càng có lợi nhất cho ngành nông nghiệp.

Về phía người nông dân và doanh nghiệp, các mô hình sản xuất khép kín đang cho thấy hiệu quả tại một số địa phương. Việc người lao động sinh hoạt và làm việc tập trung tại các nông trường, tuân thủ các nguyên tắc giữ an toàn mùa dịch đã cho phép việc sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định, tránh việc các nông trường thiếu người thu hoạch do giãn cách xã hội gây ra. Việc Trung Quốc áp dụng quản lý điện tử vào việc kiểm soát, theo dõi giá cả lương thực, đảm bảo thỏa mãn cung – cầu cũng là một ví dụ tốt nhằm duy trì sự ổn định của thị trường nông sản. Việc thông tin được cung cấp đầy đủ đã giảm bớt các hành vi hoảng loạn không đáng có, giúp cho nhà sản xuất, các bên trung gian và người tiêu dùng có được các quyết định sáng suốt, hợp lý.

COVID-19 cũng đang cho thấy tính quan trọng của những mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ và vừa. Việc các hộ sản xuất nông nghiệp có thể tự cung tự cấp cũng góp phần giảm tải áp lực đảm bảo an sinh xã hội cho chính phủ, cũng như giảm thiểu phần nào áp lực lên nền kinh tế. Nhiều người nông dân đã có những sáng tạo kịp thời, như chuyển dịch từ bán hàng tại chợ truyền thống sang bán hàng trực tuyến, giúp giảm thiểu tiếp xúc và đóng góp vào sự ổn định xã hội tại địa phương. Đây là những sự sáng tạo và thích nghi bước đầu trong điều kiện mới, đồng thời là sự chủ động cần có trước đại dịch COVID-19 hiện nay.

ThS. Nguyễn Trần Minh Trí