UBTV Quốc hội ủng hộ việc tổ chức tôn giáo được mở cơ sở giáo dục

00:00 12/10/2020

Chiều nay (19/9), tiếp tục phiên họp thứ 3, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, việc quản lý nhà nước về tôn giáo hiện còn phân tán và đề nghị quy định ngay trong Luật cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương để bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý. Hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng. Việc giao chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo cho Bộ Nội vụ cũng chưa thật sự phù hợp, vì mới chỉ dựa trên sự tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức mà chưa chú trọng việc bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần. Trên thực tế, quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo còn phân tán, thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, việc quy định trong Luật về cơ quan quản lý nhà nước độc lập cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng. Ủng hộ quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, cả phương án thành lập cơ quan độc lập để quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, hay giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều không nên. Do vậy, việc quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước là phù hợp; căn cứ vào tình hình thực tế, Chính phủ có trách nhiệm phân công cụ thể cơ quan nào quản lý về tín ngưỡng, tôn giáo. Liên quan đến nội dung đang còn ý kiến khác nhau về việc tổ chức tôn giáo có được thành lập cơ sở giáo dục hay không, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng ủng hộ quan điểm cho phép các tổ chức này được thành lập cơ sở giáo dục, thực hiện hoạt động giáo dục bình đẳng với các tổ chức xã hội khác. Trên thực tế, theo thống kê của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cá nhân của tổ chức tôn giáo đã tổ chức gần 270 trường và 900 nhóm, lớp mầm non độc lập tại 39 tỉnh, thành phố trong cả nước, với gần 126.000 trẻ em theo học; cùng nhiều trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề. Nhìn chung, các cơ sở giáo dục do các cá nhân của tổ chức tôn giáo thành lập bảo đảm các yêu cầu, điều kiện của pháp luật về giáo dục; hoạt động ổn định và có hiệu quả. Tuy nhiên, pháp luật về giáo dục hiện hành chưa quy định tổ chức tôn giáo được thành lập nhà trường. Vì vậy, dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo phải quy định rõ vấn đề này để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn. *Trước đó, sáng 19/9, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, UBTV Quốc hội đã xem xét cho ý kiến về dự án Luật du lịch (sửa đổi). Dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) trình UBTV Quốc hội lần này có 10 Chương, 79 Điều, đã được bố cục theo hướng hợp lý hơn so với Luật du lịch hiện hành, quy định về khách du lịch; tài nguyên du lịch; quy hoạch phát triển du lịch; khu du lịch, tuyến du lịch, điểm du lịch và đô thị du lịch; hoạt động kinh doanh du lịch; xúc tiến du lịch; hợp tác và hội nhập quốc tế về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch. Thảo luận về dự án luật, các thành viên UBTV Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi bổ sung Luật Du lịch cũng như nội dung dự án Luật mà Chính phủ trình. Một số đại biểu cho rằng, đề nghị ban soạn thảo cần rà soát, sửa đổi Luật trên cơ sở tinh thần đổi mới của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, đảm bảo đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành để khắc phục tối đa những bất cập, vướng mắc, đưa du lịch phát triển mạnh xứng tầm là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng dự án Luật phải khẳng định được du lịch là ngành kinh tế tổng hợp
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng dự án Luật phải khẳng định được du lịch là ngành kinh tế tổng hợp
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, dự án Luật phải khẳng định được du lịch là ngành kinh tế tổng hợp; phải tạo các điều kiện thuận lợi cho du khách tự do đi lại để tham quan, du lịch theo đúng quy định của pháp luật, cũng như phải có thông tin, hướng dẫn cụ thể đối với du khách, nhất là du khách quốc tế, tránh tình trạng thiếu thông tin mà du khách có những hành động hoặc cách ứng xử không phù hợp về các vấn đề liên quan đến tập quán, tập tục, văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị dự án Luật cần có các quy định cụ thể hơn trong việc xử lý các hành vi tiêu cực trong hoạt động du lịch; có liệt kê cụ thể hơn về danh mục các hành vi tiêu cực trong du lịch bởi mới liệt kê một số hành vi như tranh giành khách, chèn ép khách như trong dự thảo Luật là chưa đủ. Về quy định quản lý nhà nước về du lịch, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, vai trò của HĐND cũng phải được khẳng định, trong dự án Luật chưa có nội dung nào khẳng định vai trò của cơ quan dân cử này… Liên quan đến Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch quy định trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị không để Nhà nước bao cấp, Nhà nước chỉ có phần vốn “mồi” và Quỹ phải hình thành trên cơ sở xã hội hóa. Quỹ này cũng không do Nhà nước quản lý, mà do một bộ máy độc lập với Nhà nước để chi cho sự phát triển của các doanh nghiệp, do đó trong dự thảo Luật phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị cần bổ sung vào Điều 6 về nguyên tắc hình thành nguồn quỹ, trên cơ sở đó giao Chính phủ quy định cụ thể.   (theo congluan.vn)