Uẩn khúc sau phiên toà lô gỗ trắc khủng ở Đà Nẵng: Tan nát phận người khi đáo tụng đình

00:00 12/10/2020

Thương vụ Công ty Ngọc Hưng (Lao Bảo, Quảng Trị) nhập khẩu hơn 500m3 gỗ trắc bị nghi là nhập lậu đã kéo dài hơn 5 năm qua. Đây có lẽ là vụ án hi hữu trong lịch sử đấu tranh phòng chống buôn lậu khi mà ngay các cơ quan của Bộ Công an, của ngành Hải quan cũng có quan điểm trái ngược nhau. Vụ việc bị cho là hình sự hoá thiếu căn cứ còn khiến cho tan nát nhiều phận người. Đau đớn nhất là gia đình chàng trai trẻ Trần Đình Quang, người đã phải treo cổ tự tử để lại những di thư đẫm nước mắt kêu oan đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Đi làm thuê, bị cáo buộc tiếp tay hồ sơ giả Trở lại Hướng Hoá, Quảng Trị sau sau 3 năm Trần Đình Quang tự tử, chúng tôi vẫn nghe nhiều người dân trong thị trấn kể lại câu chuyện với nỗi ám ảnh, chưa hết bàng hoàng. Nhiều người dân đều khẳng định, không thể không có oan khuất khi một thanh niên hiền lành, chỉ là nhân viên giúp việc lặt vặt cho công ty Ngọc Hưng lại phải tự tử sau nhiều lần làm việc với cơ quan điều tra. Trần Đình Quang sinh năm 1986, chưa lập gia đình riêng, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá, vốn là một thanh niên hiền lành. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Xây dựng Đà Nẵng, trong khi chưa xin được việc làm, Quang xin vào làm việc tạm thời cho công ty Ngọc Hưng với vai trò là nhân viên đảm nhiệm việc lên cửa khẩu mở các tờ khai hải quan. Công ty Ngọc Hưng do bà Trần Thị Dung, bác họ của Quang làm giám đốc. Quang là con đầu trong gia đình có 5 anh em, tính tình hiền lành nên được các cán bộ hải quan cửa khẩu rất quý mến. Quang có người yêu chuẩn bị làm đám cưới. Mọi việc sẽ tốt đẹp, không có gì đáng nói nếu không có sự cố ngày 5-12-2011, Công ty Ngọc Hưng ký kết với Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào mua lô hàng gỗ trắc 535,800m3. Ngày 17-12-2011, Quang được Công ty Ngọc Hưng giao nhiệm vụ đến cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) nhận và mở tờ khai hải quan nhập khẩu. Tuy nhiên, lô hàng bị tạm giữ vì cơ quan hải quan cho rằng có dấu hiệu buôn lậu. Sự việc này được bàn giao chuyển cho Cơ quan công an điều tra. Đến ngày 19 – 11- 2012, ông Trương Huy Liệu bị CQĐT Bộ công an ra lệnh khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về hành vi buôn lậu. Sau khi ông Liệu bị bắt, Quang liên tiếp được CQĐT Bộ Công an mời ra Hà Nội để lấy lời khai vì Quang là nhân viên trực tiếp mở tờ khai nhập khẩu gỗ cho Công ty Ngọc Hưng… Bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định hành vi của Quang như sau: “Đối với anh Trần Đình Quang (đã chết), chị Lê Thị Ái Mỹ đã sử dụng giấy khống chỉ để làm bộ hồ sơ nhập lậu, xuất lậu gỗ nhưng chị Mỹ chỉ là người làm thuê, không được chia hưởng lợi nhuận và làm theo chỉ đạo của Trương Huy Liệu nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44) không xem xét, xử lý”. Cái chết tức tưởi và 4 di thư Trong đơn khiếu nại gửi tòa án, ông Trương Huy Liệu, Phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng viết:Được biết, trong quá trình làm việc tại C44, anh Quang đã bị Điều tra viên Trần Đức Dũng ép cung, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và có hành vi đánh đập trong quá trình ghi lời khai. Thậm chí, điều tra viên còn đe dọa nếu cháu Quang không xác nhận vào Biên bản ghi lời khai theo ý điều tra viên thì sẽ bị bắt giam, thậm chí còn bị khủng bố tinh thần bằng cách viết Lệnh tạm giam trước mặt cháu Quang để uy hiếp. 4 ngày sau khi bị triệu tập ra Hà Nội, Quang đã có đơn kêu cứu với nội dung “do bị xâm hại danh dự, nhân phẩm và thân thể” gửi ông Nguyễn Bá Thanh, khi đó là Trưởng ban Nội chính Trung ương. Ngày 14-5-2013, Ban Nội chính có Phiếu chuyển số 211/PC-BNCTW gửi Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Ngày 20/05/2013, anh Quang tiếp tục được Phòng 4, C44 – Bộ Công an triệu tập đến để làm việc liên quan tới nội dung khiếu nại trước đó. Cuộc làm việc kéo dài tới buổi chiều ngày 20/05/2013, anh Quang được ra về và được hẹn tới ngày 22/05/2013 tiếp tục đến làm việc. Tuy nhiên, đến đúng ngày 22/05/2013, gia đình anh Quang phát hiện cháu Quang đã treo cổ tự tử trong nhà để lại 4 lá thư tuyệt mệnh, trong đó có 1 lá thư thể hiện rõ những suy nghĩ của cháu Quang trước những hành vi của cán bộ Phòng 4, C44. Trước cái chết của anh Quang, với tư cách là đơn vị sử dụng lao động, chúng tôi vô cùng đau xót và đặt ra nhiều nghi ngờ về tính khách quan trong quá trình điều tra vụ án”.
Di thư của nạn nhân để lại
Một trong những di thư của nạn nhân để lại
Những người dân hàng xóm nhà Quang kể lại, sáng 22-5-2013, mới gần 7 giờ sáng, mọi người còn thấy Quang sang quán đối diện nhà mua mấy phong bì, mọi người hỏi mua phong bì làm gì nhiều thế thì Quang chỉ cười mà không nói gì thêm. Sau khi mua phong bì xong, Quang còn ra nơi ba mẹ đang bán đồ ăn sáng (ở gần nhà), đứng cách đó không xa cứ nhìn chăm chú ba mẹ mà không nói năng gì rồi trở về nhà. Khoảng 20 phút sau, em gái của Quang thức dậy đi ra phía sau bếp thì phát hiện cửa sau bị chốt, tưởng anh mình đang đi vệ sinh nên chốt cửa. Đợi quá lâu, em gái Quang đập cửa thì không thấy ai trả lời. Cùng lúc đó, ba Quang chạy về nhà và vòng ra phía sau nhà hàng xóm, đứng trên cao nhìn xuống nhà mình thì phát hiện con trai đã treo cổ tự tử. Đọc những di thư nạn nhân Quang để lại, những người dân thị trấn Lao Bảo không khỏi bàng hoàng, xúc động. Trong thư gửi ba mẹ, Quang viết: “Gửi ba mẹ thân yêu! Con thật may mắn khi được sinh ra là con của ba mẹ. Những người cha mẹ vĩ đại nhất cuộc đời này! Cha mẹ nuôi con từ nhỏ đến giờ chưa một ngày con đền ơn đáp nghĩa cho ba mẹ. Con thật bất hiếu. Nếu có kiếp sau con xin lại được làm con của ba mẹ để phụng dưỡng ba mẹ. Sau khi con đi xa ba mẹ cố gắng sống thật tốt nhé, đừng vì đứa con bất hiếu này mà buồn phiền vì ba mẹ vẫn còn 4 em của con nữa để quây quần…” Đặc biệt, trong số di thư Quang viết, có cả một trang tự sự viết về quá trình gặp cơ quan điều tra mà sau này có nhà báo đã gọi là 222 chữ “kể tội”. Thư viết: “Ngày 20- 5- 2013, mình (Quang) đến Bộ Công an theo giấy triệu tập mà tâm trạng nặng trĩu, vừa ám ảnh từ lần ép cung trước, vừa bị sợ trả thù vì đã gửi đơn kêu cứu. Mình lo vì mình đã tố cáo hành vi của Trần Đức Dũng thuộc P4- C44 và bây giờ P4- C44 lại triệu tập mình đến để làm rõ vấn đề đơn cầu cứu. Mình nghĩ là không khách quan khi người ta ở cùng phòng sẽ bảo vệ cho nhau và thực tế đã đúng như mình nghĩ. Mình trả lời là bị đánh vào đầu suýt té ngã thì ông Vĩnh được ông Quỳnh bảo ghi vào biên bản là dùng tay đẩy vào mặt, vào trán. Mình bảo là ông ấy viết lệnh bắt thì ông ấy ghi vào viết lệnh bắt để dọa tôi. Mình bảo đọc qua loa không nhớ nội dung thì các ông ấy ghi vào biên bản là đọc rồi ký. Và các điều khác không giống như đơn kêu cứu của mình. Rồi ông Vĩnh, ông Quỳnh và ông Hùng trưởng phòng bảo mình ký. Vì tâm lý sợ sệt bị trả thù, ám ảnh sợ bị đánh đập, dọa bắt giam như ngày (22- 23 tháng 4- 2013) nên mình đã ký theo yêu cầu”. Ông Trần Đình Diện, bố nạn nhân Quang bức xúc kể lại: Sau khi con tôi chết, gia đình đã phát hiện ra 4 di thư trên và lúc đó Công an thị trấn Lao Bảo cũng đã có mặt và tiến hành thu giữ 4 di thư này. Người nhà đã yêu cầu các cán bộ công an để cho gia đình nạn nhân giữ các di thư đó, song các cán bộ công an không đồng ý. Lúc này, đã xảy ra sự bức xúc lan rộng trong những người dân địa phương. Hàng trăm người dân hàng xóm đã bao vây ngôi nhà nơi công an làm việc. Trước sức ép đó, công an đã phải cho người nhà phô -tô các di thư và ký xác nhận nội dung của di thư. Ông Trương Văn Cẩn, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Lao Bảo là người có mặt tại hiện trường kể: “Tôi là người có mặt tại hiện trường cả ngày. Tôi thấy cách giải quyết vụ việc không cho người nhà giữ các di thư là có vấn đề khuất tất? Cán bộ công an có điện thoại qua lại với nhau nhiều lần. Phải đấu tranh nhiều giờ công an mới cho người nhà phô- tô các di thư. Tôi thấy con người ta phải tìm đến cái chết là bước đường cùng, chắc chắn phải có uẩn khúc, oan sai nghiêm trọng chứ không ai tự dưng chết cả. Chết người là vấn đề nghiêm trọng vậy mà các cơ quan điều tra cũng như tòa án không đề cập, làm rõ là không thể chấp nhận”. Lấy lời khai bức cung làm căn cứ buộc tội? Sau khi Trần Đình Quang tự tử, gia đình nạn nhân đã nhiều lần có đơn kêu cứu và tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng như Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh thanh tra Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND Tối cao nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Ngày 14-6-2013, Đại tá Lê Đình Nhường, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an có công văn số 312/C44-P3 trả lời gia đình ông Trần Đình Diện về sự việc. Công văn có đoạn: “Việc lập biên bản ghi lời khai và tự khai được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục của Bộ luật tố tụng hình sự; cuối biên bản ghi lời khai ngày 24/4/2013, anh Trần Đình Quang thừa nhận: “Buổi làm việc hôm nay giữa tôi và điều tra viên hoàn toàn thoải mái, tôn trọng sự thật khách quan…”. Cuối biên bản ghi lời khai ngày 23/4/2013 anh Trần Đình Quang cũng thừa nhận: “Buổi làm việc hôm nay giữa tôi và điều tra viên làm việc thoải mái, tôi không bị ép buộc khai sai điều gì, không bị đánh đập gì”. “Nội dung tố cáo điều tra viên Trần Đức Dũng ép cung, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đánh đập là không có cơ sở”. Không đồng tình với kết luận trên, ông Trần Đình Diện và vợ là Trương Thị Túy, bố mẹ của anh Quang đã có đơn kêu cứu, nêu rõ: “Chính điều tra viên đã bức cung nhục hình cho nên đã chủ động chuẩn bị trước, ép cháu Quang phải ghi vào biên bản như thế. Còn bình thường không có vấn đề gì thì không bao giờ buộc phải ghi như thế. Chính vì bị bức cung, nhục hình trong các buổi làm việc nên cháu Quang đã gửi đơn tố cáo bị bức cung nhục hình (kể cả đơn lúc còn sống, kể cả trong thư tuyệt mệnh cũng đề cập việc này). Gia đình chúng tôi rất buồn và thất vọng vì một việc nghiêm trọng, liên quan đến một mạng người như thế mà không được một cơ quan độc lập đứng ra giải quyết mà lại do chính những người đã thực hiện hành vi ép cung nhục hình báo cáo lên cấp trên”. Vợ chồng ông Diện khẩn thiết đề nghị Viện KSND Tối cao làm rõ vấn đề này. Tuy nhiên đến nay, kiến nghị trên vẫn không được giải quyết. Theo những thông tin trong di thư của nạn nhân Quang và bạn bè Quang kể lại thì vụ án có dấu hiệu sai phạm về tố tụng trong quá trình điều tra. Có dấu hiệu cho thấy Trần Đình Quang bị ép cung, bị dùng nhục hình. Theo Điều 298 và Điều 299 Bộ luật hình sự thì chỉ cần có hành vi tra tấn gây đau đớn về thể xác, bắt người bị tình nghi phạm tội nhịn ăn uống, không cho ngủ… hoặc dùng thủ đoạn uy hiếp về tinh thần buộc họ phải khai báo không đúng với những gì họ đã làm thì tội phạm Dùng nhục hình hoặc Bức cung đã hoàn thành về mặt pháp lý. Nếu tiếp tục dùng nhục hình cho đến khi người bị tình nghi chết, lúc đó hành vi của chủ thể cấu thành thêm tội phạm khác (Cố ý gây thương tích hoặc giết người). Nếu như việc bức cung, dùng nhục hình là có thật thì những nội dung trong bản kết luận điều tra và cáo trạng có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của Trần Đình Quang  có còn đủ cơ sở tin cậy. Thiết nghĩ đây là vấn đề cần được điều tra bổ sung, làm rõ và cần được tiếp tục làm sáng tỏ tại phiên tòa sơ thẩm tới đây.  Rất tiếc là nội dung này cũng đã được bà Trần Thị Cảnh, Chánh Tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân thành phố Đà nẵng, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án năm 2014 nêu ra. Chủ tọa hỏi bà Dung về di thư cháu bà để lại. Bà Dung khai, cháu bà là Trần Đình Quang, sau khi gặp điều tra viên về đã tự tử, để lại lá thư viết rằng bị điều tra viên Trần Văn Dũng ép ký vào những lời khai viết sẵn, không đúng sự thật, cho rằng Cty Ngọc Hưng mua lô gỗ ở Lào bằng hồ sơ giả mạo. “Bản chính di thư ấy công an thu giữ, tôi chỉ còn bản photo”. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng này lại chưa được chủ tọa phiên tòa yêu cầu xác minh, làm rõ. Những đề nghị của vợ chồng ông Trần Đình Diện đối với Viện KSND Tối cao, yêu cầu làm rõ nghi vấn điều tra viên bức cung nhục hình đến nay chưa được đáp ứng cũng là một dấu hỏi về tố tụng thiết nghĩ không thể bỏ qua? Thiết nghĩ, thay cho lời kết của bài viết này, chúng tôi xin được trích dẫn những dòng đơn đẫm nước mắt mà 3 năm qua, gia đình ông Trần Đình Diện liên tục gửi đến cơ quan chức năng nhưng không được hồi đáp. “Con trai tôi chỉ là nhân chứng trong vụ án, vì sao điều tra viên lại có hành vi vi phạm pháp luật với người làm chứng trong thu thập chứng cứ? Trước cái chết của con trai mình, gia đình chúng tôi vô cùng đau xót và phẫn uất cho số phận nghiệt ngã của con phải kết thúc bằng cái chết oan uổng…Chúng tôi cho rằng  con tôi tự tử chỉ vì những hành vi vi phạm tố tụng, chà đạp lên pháp luật và sinh mệnh của người vô tội, khiến cháu phẫn uất, tuyệt vọng khi không được pháp luật và người thực thi pháp luật bảo vệ, phải tìm đến cái chết để giải thoát, tránh phải đối mặt với chính những con người này một lần nữa”. Và nữa, đây là đoạn kết trong bài báo đăng trên báo Công Lý, Cơ quan của Tòa án nhân dân tối cao có đoạn: “Dân gian thường nói truyền miệng rằng người sắp chết thường nói thật. Còn chúng tôi thì không bình luận gì bởi chắc bạn đọc sẽ có câu trả lời cho chính mình”. Công Minh/congluan.vn