Tý phú giàu nhất Nhật Bản xây dựng Uniqlo như thế nào?

00:00 12/10/2020

Cuối năm 2019, Uniqlo tạo nên một “cơn sốt” mua sắm ngay khi ra mắt tại TP.HCM. Điều này cũng dễ hiểu, khi Uniqlo là thương hiệu thời trang lớn thứ 3 và sở hữu chuỗi hàng nghìn cửa hàng trên khắp thế giới. Nhưng ít ai biết, hành trình xây dựng thương hiệu có doanh thu lên đến 20 tỷ USD/năm này ghi dấu ấn cá nhân của một người – nhà sáng lập Tadashi Yanai.

 

Uniqlo giờ là thương hiệu bán lẻ thời trang có doanh thu 20 tỷ USD/năm

Trưởng thành từ những thất bại đắng cay

Theo xếp hạng Forbes 2019, Tadashi Yanai sở hữu khối tài sản 31,6 tỷ USD. Doanh nhân 70 tuổi, nhà sáng lập và Chủ tịch tập đoàn Fast Retailing chính là người giàu nhất Nhật Bản. Suốt cuộc đời kinh doanh của mình, Yanai nhận được sự kính trọng và mến phục lớn ở xứ sở Hoa anh đào. Nhưng có một sự thật, như chính ông thừa nhận, phát triển Uniqlo là thử thách lớn nhất trong cuộc đời ông. 

Ngày nay, mỗi khi bước vào một Shop mua sản phẩm Uniqlo, chúng ta chỉ biết rằng nhãn hiệu này nằm trong chuỗi các thương hiệu do Fast Retailing quản trị. Rất ít người biết, sự hào nhoáng và quy mô bề thế của Uniqlo ngày nay được xây dựng, phát triển như thế nào. Sự thực, như chính Yanai thừa nhận: xây dựng Uniqlo là cách tôi duy trì truyền thống của gia đình.

Tỷ phú 70 tuổi này sinh ra trong một gia đình làm nghề may truyền thống ở Hiroshima. Từ khi còn nhỏ, tình yêu của ông đã dành cho vải vóc, những mẫu thiết kế trang phục. Sau này, ông tốt nghiệp đại học khoa Chính trị và chuyên ngành kinh tế. Nhưng thay vì tìm kiếm một công việc phù hợp, ông lại trở về quê nhà, phụ giúp cha phát triển cửa hàng may mặc của gia đình. Năm 1984, Yanai trở thành người thừa kế cơ nghiệp. Ông không an phận với chỉ một tiệm may nho nhỏ mà thành lập Công ty Unique Clothing Warehouse (nơi cung ứng những trang phục độc đáo). Uniqlo ra đời từ sự kết hợp của các chữ nói trên.

Tham vọng phát triển Uniqlo của Yanai bắt đầu với việc khai trương liền một lúc ba cửa hàng lớn tại Hiroshima. Nhưng lần ra mắt ấy, cũng là thất bại thê thảm của ông khi cả ba cửa hàng nhanh chóng phải đóng cửa. Những sản phẩm Uniqlo bị chê bai không tiếc lời và như chính Yanai thừa nhận: “Tôi đã khóc, khi nhìn thấy một khách hàng mua sản phẩm Uniqlo và khuyên tôi... nên dẹp tiệm”. Thất bại đầu tiên ấy ám ảnh Yanai cho đến sau này, khi ông đã trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất châu Á và thế giới. Ông thừa nhận: “Thất bại không bao giờ dễ nuốt trôi. Điều cốt lõi là bạn không để thất bại đánh gục. Khi đóng cửa ba shop đầu tiên tại Hiroshima, tôi biết rằng đó chỉ là viên đá lớn đầu tiên mà Uniqlo phải vượt qua trên con đường phát triển”.

Với tinh thần sôi sục ấy, Yanai nhanh chóng đưa công việc kinh doanh ra khỏi quê nhà. Đến thủ đô Tokyo, ông mở liền một cửa hiệu sang trọng tại Harajuku – con phố sầm uất bậc nhất tại trung tâm. Những mẫu sản phẩm Uniqlo, trước đây bị chính người Nhật chê là quê mùa, giờ được cải tiến thiết kế triệt để theo hướng trẻ trung, đẹp và tiện dụng. Uniqlo tạo ra một cơn sốt mua sắm tại Tokyo và cũng đặt dấu ấn cho sự phát triển thương hiệu của mình. Đó là năm 1995.

Giấc mơ của Yanai lúc bấy giờ là đưa Uniqlo ra thị trường quốc tế. Ông tiết lộ: “Tôi và các cộng sự làm tất cả vì mục tiêu ấy. Uniqlo bắt đầu mở rộng chi nhánh đến Anh, Trung Quốc và Mỹ. Nhưng rồi, chúng tôi lại vấp phải những thất bại”. Yanai không giấu diếm những khó khăn từng trải qua. Năm 2001, Uniqlo mở liên tiếp 21 cửa hàng tại Anh. Họ cũng đặt tham vọng mở ra 1.000 cửa hàng trên đất Mỹ và con số tương tự tại hàng chục thành phố lớn tại Trung Quốc. Nhưng chỉ trong vòng 2 năm, Yanai phải ra lệnh đóng 16/21 cửa hàng tại Anh. Nguyên nhân vì sự mở rộng quá nhanh dẫn đến mất kiểm soát trong quản lý và thất thoát tài chính.

 

Yanai Tadashi đã trải qua hành trình dựng nghiệp đầy gian khó

Những sai lầm nối tiếp xảy ra trên đất Mỹ. Uniqlo chỉ mở được 53 điểm bán hàng. Đến năm 2012, sau hàng chục năm trầy trật hoạt động, thương hiệu đóng 7 cửa hàng. Những báo cáo thương mại cho thấy, Uniqlo tụt lại quá xa so với những thương hiệu bán lẻ thời trang khác như H&M hay Zara. các chuyên gia kinh tế thậm chí dự báo Uniqlo sẽ sớm biến mất khỏi thị trường Mỹ. Lần đầu tiên, người điều hành Fast Retailing thừa nhận: “Chúng tôi hoàn toàn thất bại là do không làm tốt việc nhận diện thương hiệu. Vấn đề quản lý quy mô lớn cũng cần được thiết lập lại. Nhưng Uniqlo không gục ngã. Chúng tôi học được từ thất bại và sẽ sớm trở lại”.

Lấy cảm hứng từ sự thành công của... đối thủ

Mục tiêu của Yanai là đưa Uniqlo trở thành thương hiệu thời trang số Một thế giới, vượt qua cả H&M hay Zara. Tham vọng ấy không bao giờ ngừng lại và trở thành động lực đưa Uniqlo vượt qua nhiều thăng trầm. Yanai thậm chí còn thừa nhận: “Khi chứng kiến Uniqlo thất bại và các đối thủ lớn nhất không ngừng vươn xa, tôi lấy đó làm cảm hứng cho bản thân cùng các cộng sự của mình”. “Lấy cảm hứng từ thất bại bản thân và thành công của đối thủ” trở thành một triết lý lạ lùng của Uniqlo. Nó in sâu và hiện diện trong suốt quá trình phát triển gần 40 năm của thương hiệu này. 

Để hiểu rõ hơn, hãy trở lại với giai đoạn đầu Uniqlo mới chân ướt chân ráo bước ra thị trường. Họ vừa có được những thành công ban đầu, với việc mở nhiều cửa hàng tại Tokyo và vươn ra các thành phố lớn khác trên khắp nước Nhật. Nhưng trong đợt khủng hoảng kinh tế thế giới cuối thập niên 1990, mọi chuyện lại trở nên tồi tệ. Người dân Nhật Bản thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi phí mua sắm. Uniqlo bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi cả lợi nhuận và doanh số bán hàng đều giảm. Trước nguy cơ phá sản, Yanai phải cho tổ chức lại bộ máy, đa dạng sản phẩm để lấy lại vị trí trên thị trường. Cũng từ đây, Uniqlo đổi chiến lược. Thương hiệu chỉ tập trung vào những cửa hàng có diện tích lớn, xuất hiện tại các khu trung tâm. Ngay lập tức, chiến lược này tỏ ra hiệu quả.

Uniqlo trở thành đối thủ cạnh tranh số 01 với những “ông lớn” như H&M hay Zara. Đến nay, cứ mỗi tuần, Uniqlo lại mở một cửa hàng ở đâu đó trên thế giới. Áp lực của Uniqlo lên các đối thủ lớn đến nỗi, chính ông chủ Zara cũng từng lên tiếng thừa nhận: “Tôi phải nhìn vào Uniqlo để tái cấu trúc hệ thống cho mình. Họ thất bại quá nhiều nhưng không gục ngã. Và giờ, họ lấy chính Zara là động lực. Thật kỳ lạ”. 

Tận hưởng thành công, Yanai được đền đáp với khối tài sản hàng chục tỷ USD. Ông từng tuyên bố “sẽ nghỉ hưu ở tuổi 70” và nhường quyền điều hành lại cho lớp trẻ. Hai người con trai của ông, Kazumi Yanai và Koji Yanai, đều đang nắm giữ những vị trí điều hành chủ chốt của Tập đoàn gia đình. Tuy nhiên thời điểm này, khi đã bước qua tuổi 70, chưa có dấu hiệu gì cho thấy Yanai sẽ lui vào hậu trường. Thậm chí, hai người con trai của ông cũng chưa chắc chắn sẽ được cha giao quyền điều hành tập đoàn Fast Retaining. “Uniqlo là cả cuộc đời tôi. Nó sẽ được giao cho một người có đầy đủ năng lực, phẩm chất để tiếp tục phát triển. Người ấy, không nhất thiết là con trai tôi”, Yanai khẳng định. 

Bản thân Tadashi Yanai cũng rất ngưỡng mộ nhà sáng lập thương hiệu thời trang Zara Amancio Ortega: “Giống như chúng tôi, họ đã phát triển từ một doanh nghiệp địa phương thành một hiện tượng toàn cầu với các cửa hàng trên toàn thế giới. Zara đã cho chúng ta một ví dụ và chúng ta cần tiếp tục noi gương họ”, ông nói.

Trong khi hãng thời trang Tây Ban Nha chủ trương “sao chép” các xu hướng thời trang trên thế giới thì đội ngũ thiết kế của công ty Nhật Bản lại tập trung vào việc tạo ra những bộ quần áo chất lượng cao và dễ sử dụng.

Quy mô khổng lồ của Uniqlo

Với cửa hàng vừa khai trương tại TP.HCM, Uniqlo đã sở hữu 2.200 cửa hàng tại 24 nước trên toàn thế giới. Năm 2019, doanh thu của đế chế thời trang bán lẻ này đạt gần 20 tỷ USD. Nhờ nguồn tài chính dồi dào, Uniqlo từng tham gia tài trợ cho những giải đấu, ngôi sao thể thao danh tiếng bậc nhất. Trong đó, phải kể đến Novak Djokovic – tay vợt số 1 thế giới đương đại. Hiện, Fast Retailing (tập đoàn sở hữu Uniqlo) cũng quản lý nhiều thương hiệu đình đám như Theory, Helmut Lang, PLST (Plus T), Comptoir des Cotonniers... sau các vụ thâu tóm, sáp nhập trị giá hàng trăm triệu USD. 

Thú chơi đặc biệt của nhà sáng lập Uniqlo

Cuộc sống của tỷ phú Yanai là “Giấc mơ của mỗi người Nhật”. Ông thức dậy mỗi ngày trong căn biệt thự có khuôn viên hơn 16.000 m2 có trị giá 78 triệu USD. Trong khuôn viên biệt thự, Yanai kiến tạo một sân Golf để thỏa mãn niềm đam mê thể thao, cũng như cải thiện sức khỏe. Ở Shibuya – khu phú đắt đỏ nhất Nhật Bản, nơi ở của nhiều lãnh đạo Chính phủ và tập đoàn lớn, Yanai còn có một biệt thự khác, trị giá 74 triệu USD.

 Một góc khu sân Golf tại Hawaii của tỷ phú Yanai Tadashi

Tuy thế, rất ít thông tin về đời sống cá nhân của Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản được tiết lộ. Người ta chỉ biết, ông sở hữu khả năng chơi Golf ở “đẳng cấp chuyên nghiệp”. Và mỗi mùa hè, ông đều xuất hiện tại Hawaii (Mỹ), phô diễn khả năng tuyệt hảo này trên 2 sân Golf trị giá 74 triệu USD. 02 sân Golf này... cũng do ông nắm quyền sở hữu.

 Thanh Tùng