Tương lai của đồng tiền chung ECO trong Cộng đồng Kinh tế Tây Phi

00:00 12/10/2020

Lý do cho việc cân nhắc sử dụng đồng tiền chung ECO của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi là các chính phủ trong khu vực mong muốn hội nhập sâu hơn và thúc đẩy việc di chuyển nội khối không cần thị thực.

Sau khi các nước thành viên khu vực Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) ngày 29/6 thông qua quyết định thành lập đồng tiên chung "ECO" của khối, giới chuyên gia đã có đánh giá về triển vọng không mấy sáng sủa của đồng tiền này.

Ý tưởng thành lập đồng tiền chung của ECOWAS bắt đầu được đưa ra vào đầu thiên niên kỷ này nhưng ngày ra mắt đã bị hoãn nhiều lần kể từ lần dự kiến đầu tiên vào năm 2003. Quyết nghị của cuộc họp ECOWAS ngày 29/6 vừa qua thống nhất ngày ra mắt đồng ECO là năm 2020. 

Quan điểm chung cho rằng lý do cho việc cân nhắc sử dụng đồng tiền chung ECO là các chính phủ trong khu vực mong muốn hội nhập sâu hơn và thúc đẩy việc di chuyển nội khối không cần thị thực. Tuy nhiên, những trở ngại đối với quá trình này đã tồn tại trong hai thập kỷ qua giờ vẫn đang hiển hiện.

Theo Charlie Robertson, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital (có trụ sở tại Nga và các chi nhánh ở London, New York và nhiều trung tâm tài chính châu Phi), hiện chỉ có 5 nước (Cape Verde, Bờ biển Ngà, Guinea, Senegal và Togo) trong số 15 quốc gia thành viên khu vực ECOWAS đáp ứng được một số tiêu chí của đồng tiền ECO, như thâm hụt ngân sách không cao hơn 4% và tỷ lệ lạm phát không quá 5%.

Ngay cả khi ECOWAS đánh giá quá trình hội nhập sẽ diễn ra dần dần khi các quốc gia đáp ứng được các tiêu chí, giới quan sát không chắc chắn liệu dự tính đưa vào lưu thông chính thức đồng ECO trong năm 2020 có khả thi hay không. Bất chấp ngày ra mắt đồng ECO đã được ấn định, ECOWAS hiện vẫn chưa đạt được tiến bộ đáng kể nào liên quan đến thiết kế, sản xuất và thử nghiệm các loại mệnh giá của đồng tiền chung này.

Chuyên gia Robertson cho rằng các nền kinh tế của khu vực ECOWAS hiện có mức độ phát triển khác nhau, nên quyết định của lãnh đạo các nước thành viên ECOWAS là không thực tế về cả thời điểm ra mắt và kỳ vọng về những gì ECO có thể đạt được. 

Các nước thành viên ECOWAS đang có các mức nợ, lãi suất và thâm hụt ngân sách rất khác nhau. Việc cố gắng sắp xếp các nước này hoạt động như một quốc gia là vô cùng khó khăn. Liệu có chính sách tiền tệ nào phù hợp với hai quốc gia khác nhau như Ghana và Burkina Faso?

Trong khi đó, ông Charlie Robertson đánh giá quy mô kinh tế của Nigeria cũng làm nên yếu tố khác biệt rõ ràng đối với khu vực. Tổng thu nhập quốc dân của Nigeria chiếm 67% GDP của khối ECOWAS, nên ECO có vẻ không phải là đồng tiền chung duy nhất cho 15 quốc gia thành viên mà đây là đồng tiền naira của Nigeria cộng thêm với các nước còn lại.

Về phần mình, ECOWAS kỳ vọng có thể phát huy mặt tích cực của một đồng tiền chung duy nhất là làm giảm chi phí giao dịch nội khối, nhưng tổ chức này lại phớt lờ các rào cản thương mại hiện có. 

Chẳng hạn, hồi tháng 6/2019, SBM Intel - công ty thông tin thị trường có trụ sở tại Lagos - đã công bố báo cáo nghiên cứu về tính khả thi của đồng tiền chung ECO, cho rằng các giải pháp tiên quyết để thúc đẩy thương mại nội khối là khắc phục những vấn đề cơ cấu nền tảng vốn cản trở thương mại, bao gồm cơ sở hạ tầng của chuỗi cung ứng chưa tương xứng, tình trạng áp thuế hải quan không thống nhất, các rào cản phi thuế quan, tham nhũng nặng nề và tình trạng bất ổn an ninh trên diện rộng.

Bên cạnh nỗ lực hình thành loại tiền tệ chung duy nhất, ECOWAS sẽ cần loại bỏ một loại tiền tệ vốn đang tồn tại, ví dụ như việc 8/15 thành viên của khối đang sử dụng đồng franc CFA Tây Phi do Pháp hậu thuẫn. Theo thỏa thuận tiền tệ dài hạn, 8 nước này ký gửi một nửa dự trữ ngoại hối quốc gia tại kho bạc của Pháp. 

Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của SBM Intel Cheta Nwanze cho rằng trong khi chính sách vẫn là chủ đề bị chỉ trích ở cả châu Phi và châu Âu, việc giải quyết một thỏa thuận lịch sử và phức tạp như vậy có thể sẽ là một quá trình rất dài và đầy khó khăn.

Theo chuyên gia Robertson, điều “kỳ lạ” là các quốc gia đang sử dụng đồng tiền do Pháp hậu thuẫn thậm chí sẽ xem xét sửa đổi chính sách tiền tệ hiện có, trong bối cảnh những lợi ích của lãi suất thấp hơn và sự ổn định của tiền tệ đang được duy trì. Trong 10 năm qua, nguyên nhân khiến luồng vốn đầu tư vào Bờ biển Ngà và Senegal tăng cao là do lãi suất thấp, xuất phát từ một loại tiền tệ ổn định do Pháp bảo đảm.

Quy định chung liên quan đồng tiền chung ECO gồm có 10 tiêu chí, trong đó 4 tiêu chí chính mà mọi quốc gia thành viên cần đạt được là tỷ lệ lạm phát một con số vào cuối mỗi năm tài chính; thâm hụt ngân sách không quá 4% GDP; hỗ trợ của ngân hàng trung ương đối với thâm hụt ngân sách không quá 10% doanh thu thuế của năm trước; tổng dự trữ ngoại hối có thể đảm bảo nhập khẩu trong tối thiểu ba tháng. 

Đồng thời, 6 tiêu chí phụ cần được xem xét, bao gồm doanh thu thuế phải bằng hoặc lớn hơn 20% GDP; tỷ lệ ngân sách dùng để trả tiền lương trên tổng doanh thu từ thuế không được vượt quá 35%; tỷ lệ đầu tư công trên tổng doanh thu từ thuế không thấp hơn 20%; tỷ giá hối đoái thực mang tính ổn định; lãi suất thực dương.../.       

Đình Lượng (TTXVN tại Pretoria)