Tương lai bất định của lao động xuất khẩu Nam Á

00:00 12/10/2020

Các lao động xuất khẩu từ Ấn Độ và Bangladesh đang gặp cảnh tiến thoái lưỡng nan khi dịch bệnh buộc họ phải rời Singapore về nước. Nạn thất nghiệp đang “hoành hành” ở quê nhà, nhưng giấc mơ trở lại Singapore cũng quá xa vời.

Lao động nhập cư trong một ký túc xá ở Singapore. Ảnh: Bộ Nhân lực Singapore

Nôn nóng trở lại nước ngoài

Khi công ty của Krishnan Hariharasudhan ở Singapore mất hợp đồng dài hạn đến 40 năm với một nhà sản xuất dầu nhờn động cơ vào tháng 4 năm nay, thì 110 nhân viên, bao gồm cả anh, bị sa thải. May mắn hơn các đồng nghiệp khác, Hari nhận được lời mời làm việc tại Singapore, nhưng sau đó công ty cũ đã từ chối chuyển giấy phép lao động. Giữa tháng 8 vừa qua, Hari được đưa lên chuyến bay hồi hương về quê nhà ở Chennai thuộc bang Tamil Nadu, Ấn Độ.

Hari từng làm đốc công với khoản lương hàng tháng cỡ 1.200 đô la Singapore. Anh thanh niên 29 tuổi nói rằng: “Tôi không muốn về nhà vì lương ở đây chỉ bằng một phần ba so với những gì tôi từng nhận được. Tôi muốn tiếp tục ở lại Singapore, tìm kiếm công việc và chuyển trực tiếp giấy phép lao động của mình sang một công ty mới”.

Hàng ngàn người lao động nhập cư tại Singapore phải quay trở lại quê hương họ vì lo sợ các rủi ro sức khỏe do dịch Covid-19. Những người lao động nhập cư bị mất việc như Hari đang đắn đo giữa việc tiếp tục ở lại tìm kiếm việc làm hay là hồi hương về nước.

Đại sứ quán Ấn Độ tại Singapore cho biết trong khoảng năm tháng qua, 17.000 người Ấn Độ đã được sơ tán bằng 115 chuyến bay và hầu hết trong số này đã trở về các thành phố như Tiruchirappalli, Coimbatore, Madurai và Chennai ở Tamil. Hiện còn khoảng 15.000 người Ấn Độ đang chờ đợi để hồi hương bằng các chuyến bay thuê bao.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Ấn Độ đang phải vật lộn với nền kinh tế suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp chưa từng có, hầu hết những người lao động ở nước ngoài đều rất miễn cưỡng để trở về. Còn những người đã về nước thì lại nôn nóng để quay lại nước ngoài.

Tại Tamil Nadu, chỉ khoảng 300.000 trong số 2,5 triệu người làm việc ở các nước khác nhau đã hồi hương trong năm tháng qua. Và tại Kerala, một trong những vùng có số lao động nhập cư lớn nhất ở Ấn Độ, thì chỉ có chỉ có khoảng 254.000 người, trong số khoảng 500.000 người đã đăng ký hồi hương, đã trở về từ nước ngoài.

Việc làm là một thứ khan hiếm ở Ấn Độ. Tổng sản lượng quốc gia (GDP) đã giảm kỷ lục 23,9% trong quí 2 vừa rồi. Ít nhất 19 triệu người đã mất việc làm sau khi nhiều doanh nghiệp đóng cửa.

Ông S. Irudaya Rajan, chuyên gia di cư tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và là thành viên của lực lượng đặc nhiệm bang Kerala chuyên xử lý các vấn đề của người nước ngoài, nói rằng: “Dự kiến sẽ có nhiều người hơn nữa hồi hương cho đến tháng 12. Số người về trước đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã bắt dầu cảm thấy hối tiếc. Khi mà quốc gia của họ đang suy thoái và không có việc làm, thì những người hồi hương đang phải xài tiền để dành trước đó. Vì thế, rất nhiều người đang nôn nóng để trở lại nước ngoài”.

Ông Raj S, công nhân vận hành máy xây dựng, 45 tuổi, đã làm việc ở Singapore được 14 năm và trở về Tirupattur ở Tamil Nadu vào tháng 7 vừa rồi. Ông kể thu nhập từ trang trại quê nhà của ông rất thấp và các khoản nợ đang dần chồng chất.

Ông nói: “Tôi đã về quê nhà vì sợ sẽ nhiễm Covid-19 trong ký túc xá công nhân ở Singapore. Giờ thì tôi phải quay lại Singapore bằng cách nào đó”. Ông ấy đã trải qua 15 ngày cách ly ở Singapore trước khi rời đi, và thêm bảy ngày nữa sau khi hạ cánh xuống Ấn Độ.

Tuy nhiên, quay lại nước ngoài rất phức tạp và tốn kém. Rất ít người lao động có đủ điều kiện để có thể chi trả cho các chi phí một lần nữa. Ông Hari cho biết ông sẽ phải trả 150 đô la Singapore cho một chuyến bay, khoảng 300 đô la Singapore cho các thủ tục giấy tờ và ít nhất 200 đô la Singapore cho các xét nghiệm Covid-19 khi nhập cảnh.

Bị doanh nghiệp “bỏ rơi”

 

Lao động phổ thông nước ngoài bị cách ly trong những chung cư bị phong tỏa tuyệt đối vào những tháng cao điểm dịch ở Singapore. Ảnh: Straits Times

Hơn 95.000 công nhân Bangladesh đã trở về nước từ tháng 4 năm nay sau khi bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Anisur Rahman là thợ cơ khí xưởng đóng tàu đã làm việc ở Singapore được tám năm. Cuối tháng 2, anh xin nghỉ phép trong một tháng về nhà ở Tangail, Bangladesh. Dịch bệnh ấp đến khiến người đàn ông 42 tuổi đã không thể quay trở lại Singapore để làm việc. Tháng trước, ông phát hiện từ trang web của Bộ Nhân lực Singapore rằng công ty của ông đã không thông báo cho ông về việc giấy phép lao động của mình đã bị hủy bỏ, khiến ông đã mất việc làm.

Iqbal Hossain, 42 tuổi, từng làm thợ may ở Kuwait, cho biết rằng giấy phép cư trú của ông đã hết hạn vào tháng 1-2020 nhưng công ty của ông đã không xin gia hạn. Ông Hossain sau đó đã trải qua vài tuần bị giam giữ nghiêm ngặt và 20 ngày trong trại của chính phủ dành cho những người không có giấy phép cư trú hợp pháp. Tuy nhiên, cuối cùng thì ông cũng đã được trở về Bangladesh vào tháng 5 theo một chương trình ân xá.

Tại quê nhà, Hossain đã lên kế hoạch để mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Thế nhưng, ông gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận chương trình hỗ trợ tài chính của chính phủ cho những lao động di cư thất nghiệp vì thủ tục giấy tờ rườm rà.

Bà Marina Sultana, Giám đốc của Cơ quan nghiên cứu di cư và tị nạn có trụ sở tại Dhaka, đã đặt câu hỏi: “Các công ty đáng lẽ phải có trách nhiệm đối với nhân viên của họ khi một cuộc khủng hoảng diễn ra? Hay họ lại đẩy người lao động đang gặp khó khăn của mình vào một tình huống thậm chí còn khó khăn hơn?”.

Ai bảo vệ quyền lợi của người lao động xuất khẩu?

Lao động xuất khẩu là nguồn thu ngoại tệ lớn của nhiều quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, quyền của người đi làm xa xứ không được chính phủ nước mình và cả xứ nhập cư bảo vệ đúng mức.

Trong phóng sự về lao động nhập nước ngoài tại Singapore, tờ The Straits Times của đảo quốc này đặt vấn đề: “Các quốc gia có lượng người lao động di cư lớn như Ấn Độ và Bangladesh nên cùng hợp tác để bảo vệ tốt hơn quyền của người lao động. Đồng thời, họ cần xác định rõ các thị trường việc làm tiềm năng ở nước ngoài để đào tạo người lao động nhập cư cho phù hợp hơn”.

Bà Catherine James, giám đốc của Tổ chức Nhân đạo vì người lao động nhập cư (HOME) có trụ sở tại Singapore, lại nhận định vấn đề hoàn toàn khác. “Sự tăng vọt các ca nhiễm tại các chung cư của lao động nhập cư ở Singapore đã đưa các vấn đề lương thấp và chuyện sống trong những chung cư lớn, nhưng chật chội ra ánh sáng”, bà viết trên Nikkei Asian Review.

Singapore có hơn 1,4 triệu lao động nhập cư người nước ngoài, tức hơn 20% dân số của hòn đảo. Trong số lao động nước ngoài, người lao động chân tay hay có tay nghề thấp chiếm tỷ lệ lớn. Nhưng bà Catherine James chỉ ra rằng số ca nhiễm của người nhập cư ở ký túc xá chiếm đến 86% tổng ca nhiễm ở Singapore trong những tháng dịch bùng phát đỉnh điểm vừa qua.

“Điều này bộc lộ những điểm yếu mang tính hệ thống có liên quan đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế, chuyện bị quỵt lương. Và đáng lo ngại hơn là sự ngần ngại không dám tố cáo các vụ lạm dụng hay vi phạm của chủ lao động, bởi người lao động sợ bị trả thù”.

Có nhiều điều không rõ ràng, bất định vẫn đang chờ đợi lao động nhập cư. Nhưng dù thế nào, người lao động Nam Á vẫn nuôi hy vọng có một cơ hội khác để rời bỏ quê nhà, kiếm việc làm ở xứ lạ, giữa mùa dịch!

Ricky Hồ - Lê Hiếu