Tướng Hiệu - Từ Lễ hội mùa Xuân suy ngẫm về nhân tài quân sự Quốc gia

00:00 12/10/2020

Ba năm nay (2014-2015-2016) khi tới Ngày thơ Việt Nam, tôi được gặp Thượng tướng – Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu cũng tới dự. Cũng đầu xuân mới, vào mùng 5 Tết, tướng Hiệu thường thành kính đến dự Lễ hội Đống Đa, tưởng nhớ công lao của vua Quang Trung trong trận chiến thắng lẫy lừng Gò Đống Đa lịch sử. Tôi tự hỏi, lý do vì sao vị tướng này lại chọn tới dự hai sự kiện đầu Xuân nói trên mà không tới các sự kiện khác.

le-chup-hinh-ki-niem Thượng tướng – Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu (thưa 2, từ trái sang) tại Ngày Thơ Việt Nam Xuân Bính Thân Đem thắc mắc này hỏi tướng Hiệu, ông chia sẻ rằng, chiến thắng Gò Đống Đa mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đó là ý chí quật cường của người Việt, là thiên tài quân sự, là khả năng chiến đấu quyết liệt, chiến thắng thần tốc, là bài học nghệ thuật quân sự cho muôn đời sau. Còn việc ông quan tâm tôn vinh thơ ca và tài năng thơ nước nhà, là bởi một lý do: Nhiều năm trước, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, cùng tướng Hiệu và Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức Hội nghị nhân tài quân sự tại Văn Miếu-Quốc tử giám. Hội nghị dành cho những học viên xuất sắc của các trường quân đội báo công tại Văn Miếu, nhằm tôn vinh và khích lệ nhân tài quân sự tương lai nỗ lực hơn nữa xây dựng sự nghiệp quân sự của mình. Bởi cũng như các lĩnh vực khác, Quân đội nhân dân Việt Nam rất cần tài năng để phục vụ tốt nhất lợi ích quốc phòng và đất nước. Tôi cũng từng thắc mắc, vì lẽ gì mà một vị tướng của Việt Nam lại có thể được Viện Hàn lâm khoa học quân sự Liên bang Nga bầu là Viện sỹ của mình. Với một Viện khoa học quân sự danh giá vào bậc nhất, nhì thế giới, thì những viện sỹ của họ cần đạt được những tiêu chí rất cao. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là người Việt đầu tiên được bầu là Viện sỹ (nghệ thuật chiến tranh) của Viện Hàn lâm khoa học quân sự Nga, thì hẳn rằng cuộc đời binh lửa nơi chiến trường cũng như những nghiên cứu khoa học của ông đã đạt tới giá trị lớn lao trong ngành khoa học quân sự. Quả vậy, những tiêu chí mà ông đạt được để được bầu là Viện sỹ, tính cho đến nay, ở Việt Nam chưa có ai đạt tới. Nguyễn Huy Hiệu từng đến nước Nga từ năm 1977. Sau đó, đầu những năm 1980, Bộ Quốc phòng giao cho ông đưa 4 vị Sư đoàn trưởng của Việt Nam sang đào tạo tại Học viện quân sự Frunze của Nga, và bản thân ông đã đạt bằng Giỏi của Học viện. Sau đó ông về nước, vận dụng những kiến thức khoa học quân sự học được ở Nga vào đào tạo, huấn luyện, xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam. Trong chiến tranh, ông đã cùng đồng đội nghiên cứu, làm chủ vũ khí B41, B72 được nước bạn Nga viện trợ, sử dụng sáng tạo bắn cháy xe tăng của Mỹ. Dùng súng A72 hạ máy bay trực thăng Mỹ. Việc làm chủ vũ khí, nghiên cứu cải tiến nhiều vũ khí của Nga để sử dụng hiệu quả, xuất sắc đánh bại địch của tướng Hiệu và đồng đội đã góp phần quan trọng trong chiến thắng của ta với Mỹ. Hòa bình lập lại, tướng Hiệu đã có hơn một thập kỷ làm công tác đối ngoại quốc phòng giữa Việt Nam với Nga, là đồng Chủ tịch Ủy ban hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Việt, đã góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và Nga lên tầm đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện. Với cương vị là đồng Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga trong gần 10 năm, tướng Hiệu cũng đã trực tiếp chỉ đạo ba đề tài nghiên cứu lớn về độ bền nhiệt đới, y sinh nhiệt đới và sinh thái nhiệt đới, giúp nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Việt Nam. Trong đào tạo con người, nhất là người tài, phía Nga luôn chú trọng việc vận dụng sáng tạo kiến thức đã học trong thực tế. Như tướng Hiệu từng chia sẻ, phương pháp đào tạo của Nga bên cạnh trang bị kiến thức cơ bản vững chắc, thì cũng luôn khuyến khích người học tự sáng tạo trong lĩnh vực mình được học. Với những kiến thức cơ bản đã học trong nhà trường, người học phải biết đưa kiến thức ấy vận dụng linh hoạt trong cuộc sống tạo nên thành quả tốt thì kiến thức đó mới có giá trị. Trên cương vị là Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học quân sự Nga, tướng Hiệu rất biết ơn nước Nga đã đào tạo nhiều nhân sự cho quân đội nhân dân Việt Nam trên mọi lĩnh vực, trong đó có ông. Với đặc điểm thông minh và năng động, ông nhanh chóng hấp thụ được tinh hoa văn hóa, trí tuệ Nga, trở về giúp ích nhiều cho đất nước Việt Nam. Ông đã dày công nghiên cứu để viết nhiều cuốn sách giá trị, mà tiêu biểu là cuốn “Một số vấn đề nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc”, được coi là cuốn cẩm nang quý báu dùng để vận dụng chống giặc ngoại xâm; và cuốn “Vận dụng phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai” của ông không chỉ vô cùng hữu ích trong vấn đề chống giặc thiên tai, mà còn được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác. Một trong những yếu tố khiến tướng Hiệu xây dựng được một sự nghiệp quân sự huy hoàng, đó là trong suốt cuộc đời mình, ông luôn kiên trì học song song hai trường: trường lớp và trường đời. Những kiến thức cơ bản học trong trường được ông áp dụng sáng tạo ngay vào thực tiễn chiến đấu và huấn luyện. Để sau đó ông lại tổng kết từ những kinh nghiệm trong thực tiễn, đúc kết thành lý luận khoa học, phục vụ cho lợi ích quân đội và con người. Hàm Viện sỹ của tướng Hiệu do Viện Hàn lâm khoa học quân sự Nga bầu, là đánh giá chính xác của phía bạn về một tài năng quân sự trên cả hai phương diện lý thuyết (nghiên cứu khoa học) và thực hành (trên chiến trường). Trường hợp này là rất hiếm. Vậy sau tướng Hiệu, những tài năng quân sự nào sẽ nối tiếp sự nghiệp này? Có lẽ, để nhân tài quân sự mới của Việt Nam xuất hiện, thì trong phương pháp đào tạo, chúng ta cần có sự cải tiến, nghĩa là không chỉ coi trọng kết quả học tập xuất sắc, mà còn cần tạo điều kiện để tài năng được tự do thi triển những ý tưởng của mình, tạo nên những giá trị ứng dụng thiết thực cho những vấn đề quân sự nóng hổi hôm nay của đất nước, và nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ tổ quốc trong tương lai. Bài và ảnh: KBH