Từ nhà khoa học "chân đất” nghĩ tới sức mạnh sáng tạo

00:00 12/10/2020

Những kỹ sư – nhà khoa học “chân đất” là cách gọi trìu mến những người dân có các kết quả nghiên cứu, sáng tạo gắn liền với ruộng vườn, với cuộc sống hàng ngày của họ.

Mới đây, anh Nguyễn Hồng Chương (tỉnh Lâm Đồng) vinh dự được xướng tên trong lễ tôn vinh 53 “Nhà khoa học của nhà nông” do Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức nhằm ghi nhận, đánh giá và biểu dương những trí thức, nhà khoa học có cống hiến xuất sắc trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững của nông dân.

Anh Nguyễn Hồng Chương (44 tuổi), dù chỉ học hết lớp 8 nhưng đã cho ra đời hàng chục phát minh, sáng chế có ích cho cộng đồng.

Điều đáng nói, những sáng chế, sản phẩm này đều xuất phát từ nhu cầu cuộc sống và được người dân đón nhận khá nhiệt tình bởi tính hữu ích của nó. Nên nó đã tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau về vai trò của khoa học “chân đất” và khoa học chuyên nghiệp.

Xét về quan điểm cá nhân, tôi khá ấn tượng vì những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà “khoa hoc nông dân” mang tên Nguyễn Hồng Chương.

Cụ thể: Sau khi sáng chế thành công máy gieo hạt đầu tay, để thỏa mãn đam mê làm khoa học, anh Chương tiếp tục sáng chế thành công nhiều máy nông nghiệp khác. Những chiếc máy này cũng nhanh chóng được thị trường ưa chuộng.

Năm 2010, những sáng chế đó được người Malaysia quan tâm và đặt hàng. Năm 2012, nhà nông sáng chế Nguyễn Hồng Chương với trình độ văn hóa mới học hết lớp 8 đã trở thành “kỹ sư” chân đất làm chuyến xuất ngoại ký kết sản xuất máy nông nghiệp với đối tác ở các nước Đông Á.

Với những đóng góp to lớn cho nền nông nghiệp, anh Nguyễn Hồng Chương đã vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Năm 2017, chủ cơ sở sản xuất Nông cụ Hồng Chương này tiếp tục nhận Huân chương Lao động hạng ba đối với những thành tích xuất sắc trong ứng dụng khoa học kỹ thuật chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể kể đến những cái tên nông dân Lê Hữu Phúc, ấp Phước Khánh - xã Phước Hưng- huyện An Phú – tỉnh An Giang với chiếc máy tách vỏ đậu phộng ra đời. Với chiếc máy này, năng suất lao động tăng lên khoảng 100 lần so lao động chân tay.

Hay, ông Nguyễn Văn Hơn (60 tuổi), cũng ở huyện An Phú không thua kém bất kỳ một thợ lành nghề nào, với tài chế tạo từ những cỗ máy bỏ đi. Tuổi cao và bắt đầu làm “thợ” từ vài năm nay, ông Hơn đã chế tạo được trên 30 máy các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp và từ thiện..v..v.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nước ta có nhiều giáo sư, tiến sĩ được làm việc với các phòng thí nghiệm, trang thiết bị hiện đại, được Nhà nước hỗ trợ nhưng chưa thấy kết quả gì đáng kể trong khi người nông dân bình thường lại có đóng góp lớn cho khoa học?

Vâng, những kỹ sư – nhà khoa học “chân đất” là cách gọi trìu mến những người dân có các kết quả nghiên cứu, sáng tạo gắn liền với ruộng vườn, với cuộc sống hàng ngày của họ. Họ nghiên cứu để giải quyết những vấn đề cụ thể, do nhu cầu bức thiết và do vậy kết quả nghiên cứu, các sáng chế, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng trực tiếp vào phục vụ sản xuất, cuộc sống thường nhật, đóng góp nhất định vào phát triển đời sống kinh tế xã hội.

Song, điều đáng bàn ở đây, có khá nhiều sự ngộ nhận cho rằng, chẳng cần học hành, đầu tư nghiên cứu mà họ - những người nông dân cũng có thể chế tạo máy móc nông cụ hay những sản phẩm hữu ích, còn những nhà khoa học thì lại không thể làm được điều đó?!

Thực tế đó chỉ nói lên một phần nhu cầu bức thiết của cuộc sống. Họ không có điều kiện học hành bài bản như nhiều người. Thế nhưng, bằng sự cần cù và say mê áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, họ đã trở thành những triệu phú trên chính mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Và họ chính là những nông dân thứ thiệt.

Còn xét trên bình diện vĩ mô của nền kinh tế, qua sự đánh giá phát triển của một quốc gia thì người ta thường xét đến sự lớn mạnh, thành tựu của khoa học chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, từ những đòi hỏi của cuộc sống, so với lực lượng tri thức khá lớn hiện nay, người dân có quyền đòi hỏi những nhà khoa học chuyên nghiệp làm được nhiều điều hơn nữa cho người nông dân nói riêng và xã hội nói chung.

Dẫu sao, chúng ta vẫn phải và không quên những đóng góp thiết thực của những nhà khoa học “chân đất”. Nó cho thấy sự sáng tạo vốn không có biên giới, không phân biệt màu da, tôn giáo, sáng tạo cũng không phân biệt tuổi tác, giới tính hay trình độ học vấn… là một nguồn tài nguyên vô hạn của mỗi quốc gia.