TS. Nguyễn Văn Thân: “Doanh nghiệp không thể cứ thích gì làm nấy”

00:00 12/10/2020

phat-bieu

TS. Nguyễn Văn Thân – Quyền Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam (Ảnh: Hantran)

Việt Nam đã đàm phán thành công để tham gia Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc tham gia Hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đem đến không ít thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp nước nhà, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). DN&HN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Thân – Quyền Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Việt Nam đã đàm phán thành công để gia nhập Hiệp định TPP. Ông đánh giá thế nào về việc chúng ta tham gia Hiệp định này? TS. Nguyễn Văn Thân: Khi tham gia vào bất cứ một hiệp định thương mại nào thì chúng ta cũng sẽ có những cơ hội và đối mặt với những thách thức nhất định. Việc đàm phán và gia nhập TPP cũng vậy. Tuy nhiên theo tôi, tham gia Hiệp định TPP thì Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều hơn là những bất lợi. Cái lợi ở đây được nhiều người nhận định là thị trường sẽ mở rộng ra, các mặt hàng sẽ bình đẳng với mặt hàng các nước khác, trong khi chúng ta lại sở hữu nhiều lợi thế như: nhân công rẻ, nguyên liệu sẵn có. Trước đây chúng ta bị hàng rào thuế quan cản trở nhưng khi tham gia TPP thì có tới 70% hàng hóa của Việt Nam sẽ có thuế xuất khẩu bằng 0%. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Khi Việt Nam đã tham gia TPP thì sẽ kéo tất cả các cấp, ngành, từ Trung ương đến địa phương và các thành phần kinh tế phải vào cuộc, bởi chúng ta phải thay đổi nhiều cơ chế, chính sách sao cho phù hợp với TPP. Như vậy để tận dụng được những lợi thế từ TPP thì toàn bộ xã hội phải vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt chứ không chỉ riêng cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông, TPP sẽ ảnh hưởng gì đến cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam? TS. Nguyễn Văn Thân: TPP sẽ ảnh hưởng đến mọi loại hình doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế nhưng cộng đồng DNNVV sẽ chịu nhiều tác động nhất. Cái lợi thì ai cũng biết. DNNVV, doanh nghiệp lớn hay các nhà xuất khẩu đều biết. Việc thị trường được mở rộng sẽ tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Trước đây doanh nghiệp Việt chủ yếu chỉ biết đến thị trường nội địa mà chưa hiểu được nhu cầu của thế giới. Và như vậy mình tự bằng lòng với chính mình. Đây là sự bằng lòng nguy hại bởi doanh nghiệp không biết mình đang ở đâu, đứng ở chỗ nào, không biết mình có thế mạnh gì, hạn chế gì dẫn đến việc đầu tư không đúng nơi, đúng chỗ. Nhiều chủ doanh nghiệp của chúng ta không kiểm định được đâu là lĩnh vực mình có đủ năng lực, kinh nghiệm để đầu tư sao cho hiệu quả nhất. Nhiều doanh nghiệp chỉ làm theo phong trào. Chẳng hạn một số doanh nghiệp thấy đơn vị khác làm bất động sản được là cũng lao vào làm bất động sản, thấy họ làm về lĩnh vực tài chính hay xuất khẩu thì mình cũng hùa theo. Khi Việt Nam tham gia TPP thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ vào và tạo nên sự cọ xát, cạnh tranh ngay lập tức. Doanh nghiệp Việt sẽ bước vào một sân chơi bình đẳng, không có ai ôm ấp, đỡ đầu cả, mà họ phải học cách tự điều chỉnh để thích ứng với môi trường mới. Điều này là một thách thức nhưng cũng là thuận lợi, bởi TPP giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV biết mình đang ở đâu, có thế mạnh gì, hạn chế gì để lựa chọn hướng đi, lĩnh vực đầu tư phù hợp để tồn tại. Vậy DNNVV phải khắc phục những gì để đứng vững trên thị trường và tận dụng tốt hơn những cơ hội từ TPP, thưa ông? TS. Nguyễn Văn Thân: DNNVV Việt Nam tham gia vào TPP như tham gia vào một cuộc đua với DNNVV các nước trong TPP. Trong khi DNNVV các nước khác đã ở trình độ cao hơn chúng ta, vì vậy chúng ta phải “biết mình biết người” để phát huy lợi thế, khắc phục những yếu kém, tồn tại. Trước tiên, DNNVV cần xác định chính xác mình phải hoạt động trong lĩnh vực nào mới hiệu quả chứ không phải thích gì làm nấy. Doanh nghiệp cũng phải có kiến thức về những ngành hàng của mình. Sau đó, khi muốn vào thị trường nào trong số các thị trường thuộc TPP thì doanh nghiệp phải tìm hiểu thật kỹ nhu cầu, thị hiếu ở những thị trường đó để đầu tư máy móc, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực nhằm làm ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, giá trị cao để xâm nhập những thị trường này một cách hiệu quả. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng hiện nay cộng đồng DNNVV lại đóng góp rất lớn cho GDP. Theo đánh giá của nhiều người, một trong những khó khăn của DNNVV là không có vốn. Theo tôi điều này là chưa chính xác. Thực tế là ngân hàng rất muốn cho vay, nhưng điều đó chỉ được thực hiện khi doanh nghiệp chứng minh được năng lực, dự án, lĩnh vực hoạt động có tính khả thi, cũng như khi doanh nghiệp đã có những hợp đồng được ký kết với các đối tác. Về trình độ công nghệ, năng lực quản lý, trình độ nguồn nhân lực của chúng ta so với các đối thủ cạnh tranh bên ngoài vẫn còn thấp, vì vậy doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng học hỏi, tích cực tham gia các cuộc hội thảo, các khóa đào tạo nâng cao… Ngoài ra, các chủ doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu những quy định chung về chính sách, môi trường, an toàn, vệ sinh…, để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất. Là tổ chức đại diện cho cộng đồng DNNVV cả nước, thời gian tới Hiệp hội DNNVV Việt Nam có những hành động gì để trợ giúp doanh nghiệp khi đất nước đã tham gia TPP ? TS. Nguyễn Văn Thân: Chúng ta đang chờ Quốc hội thông qua Nghị quyết về hỗ trợ DNNVV. Hiệp hội Trung ương cũng như các hiệp hội địa phương mong muốn Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết đó. Thời gian tới, Hiệp hội DNNVV Việt Nam sẽ phải bám sát và có những buổi làm việc với lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như các cơ quan, ban ngành chức năng để góp phần nâng cao hơn nữa vai trò, tiếng nói của cộng đồng DNNVV. Hiệp hội các tỉnh thành cũng sẽ bám sát, liên hệ chặt chẽ với UBND tỉnh cùng các sở ngành địa phương để tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền với DNNVV cũng như nhìn nhận đầy đủ tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp này đối với sự  phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Khi Chính phủ, các cơ quan ban ngành địa phương quan tâm nhiều đến DNNVV thì sẽ có nhiều thuận lợi để khối doanh nghiệp này phát triển. Hiệp hội DNNVV Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội III. Trong chương trình, mục tiêu của nhiệm kỳ tới, chúng tôi sẽ coi trọng vai trò của Hiệp hội hơn nữa, đó là: Sẽ đẩy mạnh việc thực hiện vai trò cầu nối, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng DNNVV cả nước đến Chính phủ và các cơ quan, ban ngành chức năng. Bên cạnh đó, Trung ương Hiệp hội và các Hội địa phương sẽ mở nhiều lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế, những doanh nhân đã có nhiều kinh nghiệm thực tế để cung cấp tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân những kiến thức xung quanh TPP. Việc cung cấp những kiến thức liên quan đến TPP sẽ được chuẩn bị theo một quy trình, đảm bảo truyền tải kiến thức một cách dễ hiểu nhất nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu rõ về TPP để triển khai những giải pháp phù hợp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như xúc tiến thương mại. Cảm ơn ông về cuộc trao đổi ! Lê Quang (thực hiện)