TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu QLKT trung ương: Tâm lý “cát cứ” còn rất nặng nề

00:00 12/10/2020

Ghi nhận những kết quả khả quan từ việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), song TS. Nguyễn Đình Cung (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng những đóng góp của NSW vào mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện NSW thời gian qua?

Thực hiện NSW giúp DN giảm thiểu thời gian và chi phí trong việc hoàn tất các thủ tục thông quan hàng hóa XNK, đồng thời cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch; nâng cao chất lượng dịch vụ công liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Việt Nam kết nối hội nhập quốc tế thông qua Cơ chế một cửa ASEAN (ASW).

Việc thực hiện NSW có những đóng góp nhất định vào mức độ thuận lợi hóa thương mại của Việt Nam: Việt Nam hiện thuộc nhóm giữa trên toàn cầu và trong ASEAN (theo WEF, Việt Nam đứng thứ 5, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia; còn theo OECD thì đứng thứ 4, xếp trên Indonesia). Thông quan qua biên giới của Việt Nam đứng thứ 4 trong ASEAN.

Nhưng phải nói rất thẳng với nhau là việc thực hiện NSW còn chậm và chưa triệt để. Trong số 130 thủ tục được đăng ký kết nối với NSW thì mới thực hiện được 47 thủ tục, nhưng chỉ có duy nhất 1 thủ tục được kết nối hoàn toàn là khai báo nhập khẩu hóa chất – chỉ là tự giác khai báo, mà cơ quan quản lý không cần cho phép gì cả. Còn lại hầu hết các thủ tục vẫn đòi hỏi vừa làm online vừa nộp bản giấy. Chính vì thế mà dù đã có NSW, DN cũng không mặn mà gì, vì đằng nào họ vẫn phải đến trực tiếp để nộp/ lấy bản giấy, nộp phí…

Như vậy là hiệu quả của “một cửa” bị giảm đi rất nhiều, hơn nữa, lại vẫn đòi hỏi sự tiếp xúc trực tiếp của DN với nhân viên thừa hành công vụ, tạo ra cơ hội xin - cho. Tại sao lại có tình trạng “dang dở” này?

Tôi cho là vì đa số các bộ, ngành chưa tích cực, chưa chủ động ứng dụng công nghệ thông tin kết nối với NSW. Tâm lý “cát cứ” vẫn còn rất nặng nề. NSW chỉ có thể phát huy tác dụng khi tất cả phải liên thông; từ cơ quan đăng ký kinh doanh đến Thuế, rồi cơ quan quản lý chuyên ngành, Hải quan… Thậm chí, không chỉ các bộ kết nối với nhau ở “thượng tầng” mà đã đủ, tôi cho rằng muốn phát huy tối đa hiệu quả của NSW thì các đơn vị cấp vụ, cục, các tổ chức có chức năng kiểm định, chứng nhận hợp quy… cũng phải kết nối với nhau để mọi cơ quan đều có thể truy cập được kho dữ liệu dùng chung. Đối với DN, NSW phải tạo cơ hội để nhà đầu tư, chẳng hạn, có thể gửi các loại đơn từ đăng ký bất cứ lúc nào, hoặc có thể theo dõi tiến trình thực hiện thủ tục của mình ngay trên xe ô tô đang di chuyển. Trừ Bộ Khoa học Công nghệ vẫn “ôm giữ” chức năng cấp giấy phép, các bộ khác đã cho phép hải quan tự động công nhận các loại kết quả kiểm định, chứng nhận từ các tổ chức có chức năng đánh giá sự phù hợp. Thế nhưng do các tổ chức đánh giá lại không kết nối với NSW nên lại phải chuyển kết quả về bộ… Rất lòng vòng như thế, nên DN không mấy tha thiết với NSW.

Có vẻ như ông không đồng tình lắm khi Bộ Khoa học Công nghệ vẫn còn giữ lại quyền cấp phép?

Đúng thế, tôi không hiểu tại sao lại phải như vậy mà không cho tự động công nhận?! Các bộ đang quản lý rất nhiều DN lớn như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn làm như vậy được, thì tại sao Bộ KHCN lại không?

Cơ sở hạ tầng thông tin yếu kém liệu có phải là một hạn chế không, thưa ông?

Nếu cơ sở hạ tầng không tốt thì cũng là một hạn chế, nhưng tôi không cho đó là nguyên nhân chính. Chúng tôi vẫn nói vui với nhau là NSW nói riêng và nói chung là khoa học công nghệ được tạo ra để thay thế “quan hệ”. Việt Nam không hề kém cỏi trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, vấn đề là ta có quyết tâm, có sẵn sàng hy sinh “quan hệ” đi hay không mà thôi.

Vậy theo ông, cần có những giải pháp cụ thể nào để thúc đẩy việc thực hiện NSW hiệu quả hơn?

Hãy kiên quyết bỏ thủ tục giấy tờ đi, làm online 100%. Để không cơ quan nào có cớ chần chừ, vòi vĩnh DN hay đổ lỗi cho nhau nữa. Và quan trọng nhất là phải có áp lực thường xuyên, nhất quán, quyết liệt từ cấp lãnh đạo Chính phủ để buộc các bộ ngành rũ bỏ tư duy ôm quyền, cát cứ, kiểu “cái này quyền tôi, cái kia quyền anh”… Cả báo chí nữa, hãy phát huy vai trò tuyên truyền, giám sát của mình đi. Chúng ta cần có những mục tiêu rất cụ thể cho đội ngũ cán bộ chịu trách nhiệm xây dựng và vận hành NSW và nếu họ không làm được thì xin mời ra khỏi vị trí đó.

Tôi muốn lưu ý thêm là khâu sau thông quan cũng rất quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh. Khâu kiểm tra sau thông quan đối với một số loại sản phẩm, hàng hoá còn rất nhiều thủ tục rườm rà, không cần thiết; nhưng lại không còn chịu áp lực về thời gian thông quan. Xét lại danh mục, tôi cho là có thể bỏ đi đến 90% số thủ tục như thế. Đã có kinh nghiệm tốt từ các nước đi trước rồi, không cần “sáng tạo” thêm gì cả, hãy đối chiếu xem họ cần làm những gì, mất bao lâu. Chúng ta cũng có thể chọn cách kiểm tra xác suất 5% thay vì 100% lô hàng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn này!

Cẩm Hà