Trường THPT Phong Châu (Phú Thọ): Trường học gắn với di sản

00:00 12/10/2020

Được thành lập từ năm 1976 và là ngôi trường cấp ba thứ hai của huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, các thế hệ thầy và trò Trường THPT Phong Châu luôn tự hào về mái trường thân yêu của mình không ngừng vững mạnh trên vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt…

Mô hình "Trường học gắn với cuộc sống" của Trường THPT Phong Châu đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giáo dục học sinh

Đặc biệt, những năm gần đây toàn thể người dân trong tỉnh Phú Thọ nói chung và Lâm Thao nói riêng vô cùng phấn khởi khi tổ chức UNESSCO công nhận Phú Thọ có tới 3 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Ca trù, hát Xoan và gần đây nhất là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trước tình hình đó, thầy và trò Trường THPT Phong Châu đã mạnh dạn sáng tạo trong quá trình triển khai mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, gắn mô hình này với việc giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, để từ đó thế hệ trẻ biết tự hào về truyền thống quê hương, đất nước. Trường THPT Phong Châu đã thực hiện tốt điều đó qua việc dạy học gắn với Di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Mô hình "Trường học gắn với di sản" là sự tiếp nối và nâng cao hơn nữa chất lượng của phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Mô hình này thực hiện có chiều sâu, gắn với các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, lễ hội, thi tìm hiểu, giáo dục tích hợp qua bài giảng các bộ môn như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, qua các dự án, bài thi tích hợp, liên môn trong dạy học. Trong những năm qua, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch để thực hiện mô hình "Trường học gắn với di sản" bằng nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả. Nhà trường đã tích hợp dạy học gắn với di sản ngay trong các bộ môn có liên quan như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Qua các bài học, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được các thầy, cô giáo tích hợp để học sinh hiểu và nhận thức được những nội dung có liên quan đến tín ngưỡng. Trường tổ chức cuộc thi "Em tập làm hướng dẫn viên du lịch" giới thiệu Khu Di tích Lịch sử đền Hùng. Qua cuộc thi, các thí sinh đã giúp các bạn học sinh hiểu hơn về Khu Di tích Lịch sử đền Hùng, đồng thời rèn kỹ năng thuyết trình cho bản thân mình, góp phần định hướng nghề nghiệp tương trong lai. Trong các đợt thi văn nghệ, nhà trường rất chú trọng đến thể loại hát Xoan. Biểu diễn các tiết mục hát Xoan, học sinh có thêm hiểu biết về nguồn gốc, ý nghĩa của hát Xoan, từ đó yêu thích, góp phần bảo tồn, gìn giữ Di sản hát Xoan của quê hương. Bên cạnh đó, học sinh còn được học thực địa tại Khu Di tích Lịch sử đền Hùng. Các tiết học thực địa khiến học sinh hứng thú, tự tin, tự hào về di sản văn hóa của dân tộc và quê hương mình.

 Các hoạt động ngoại khóa của học sinh trường THPT Phong Châu 

Có thể nói mô hình "Trường học gắn với cuộc sống" của Trường THPT Phong Châu đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giáo dục học sinh. Thông qua mô hình này đã giúp các em học sinh biết trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó nhân lên niềm tự hào dân tộc trong tâm hồn các em. Đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa các bài học trên trang sách, trong nhà trường với thực tiễn. Các em đã được giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước, có ý chí học tập, rèn luyện để xứng đáng với truyền thống trên quê hương Lâm Thao, Phú Thọ.

Lê Thị Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường THPT Phong Châu