Trưởng ban tổ chức thành ủy mượn bằng: Còn ai chưa bị lộ?

00:00 12/10/2020

Chuyện dùng bằng giả không phải là hiếm lạ, đặc biệt là ở các cơ quan của Nhà nước. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Thỉnh thoảng lại có một đường dây làm bằng giả với số lượng “khủng” bị triệt phá. Các đường dây này đều có thâm niên hoạt động nhiều năm, cung cấp khối lượng lớn bằng giả cho các đối tượng có nhu cầu. Điều này cho thấy, vấn nạn sử dụng bằng giả ở nước ta khá phổ biến. Khu vực đáng lo ngại nhất là bộ máy nhà nước, là cán bộ công chức nhà nước.

truong ban to chuc thanh uy muon bang: con ai chua bi lo? hinh 0
 ảnh minh họa

Thực tế, bằng giả được phát hiện từ những vị trí nhỏ nhất (cô giáo mầm non) đến những người có vị trí quan trọng trong bộ máy hành chính Nhà nước, cơ quan Đảng, đoàn thể (như vụ ông Trưởng ban Tổ chức thành ủy Vị Thanh, Hậu Giang). Thậm chí, có người bị phát hiện sử dụng bằng giả nhưng chỉ bị xử lý nhẹ nhàng, chuyển công tác khác và vẫn được thăng chức.

Do đâu mà nạn bằng giả lại phát triển như vậy? Có cầu thì ắt có cung. Nhu cầu ấy xuất phát trước hết từ tâm lý sính bằng cấp, háo danh của không ít kẻ trong xã hội; nhiều nhà tuyển dụng, nhiều chính sách còn quá thiên về bằng cấp. Trong khi đó, việc quản lý về đào tạo và cấp bằng lỏng lẻo. Cách tuyển dụng không minh bạch, không công khai, chỉ dựa trên bằng cấp khiến nhiều người bằng mọi cách để có được tấm bằng.

Bằng giả được sử dụng ở tất cả các ngành nghề, cơ quan trong xã hội. Thậm chí, ngành y, một ngành vô cùng quan trọng liên quan đến sinh mạng của con người cũng có bằng giả! Với những thầy thuốc, bác sĩ… như vậy, khi không có chuyên môn, trình độ mà lại đi khám, chữa bệnh cho người khác thì khác gì… “đồ tể”.

Cách đây không lâu, tại một cuộc họp của Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực, ông Phạm Vũ Luận, khi đó là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từng thẳng thắn: “Người học giả, bằng giả, học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước, không vào được doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài”.

Vì sao lại như vậy? Với các DN tư nhân, DN nước ngoài, tuyển dụng một vị trí việc làm gắn liền với quyền lợi của chính ông chủ, nên họ phải lựa chọn những người có kinh nghiệm, làm việc hiệu quả. Với các DN này, bằng cấp chỉ là một tờ giấy chứng nhận ban đầu, còn về lâu dài có đào thải hay sử dụng tiếp phụ thuộc vào trình độ, tay nghề của nhân sự đó. Còn với DN, cơ quan Nhà nước, nếu một người làm không hiệu quả, yếu kém, thua lỗ thì đã có nhà nước, nhân dân chịu. Thế mới có chuyện, ai cũng biết là bộ máy hành chính của chúng ta cồng kềnh, không hiệu quả muốn tinh giản biên chế nhưng lại vô cùng khó, biên chế càng giảm lại càng phình to.

Vì sao trong cơ quan nhà nước có rất nhiều người có học vị cao, có bằng cấp này bằng cấp kia, nhưng hiệu quả công việc lại vẫn thấp? Đầu tiên phải kể đến là chất lượng đào tạo của chúng ta chưa sát với yêu cầu thực tế cuộc sống. Cùng với đó, chúng ta có các chính sách tuyển dụng, trọng dụng nhân tài, nhưng “lưới” sàng lọc phổ biến nhất vẫn là bằng cấp.  Cơ chế tuyển dụng nặng về bằng cấp đã làm nản lòng nhiều người có trình độ chuyên môn, tạo cơ hội cho nhiều người dùng bằng giả.

Cụ thể, Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ “Về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước”, tại điều 7 nêu rõ: Những người được ưu tiên tuyển dụng gồm: có học vị tiến sĩ đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; Những người có học vị thạc sĩ đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; những người tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc ở các bậc đào tạo chuyên môn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng…

Chính vì có sự ưu tiên như vậy nên nhiều người đã cố cho được một loại bằng cấp tiến sĩ hoặc thạc sĩ để dễ dàng “đánh bại” các đối thủ trong các kỳ tuyển dụng. Thế nhưng, chất lượng, cách thức đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân như thời gian qua đã khiến cả xã hội nghi ngờ về chất lượng, trình độ của những người cầm những tấm bằng này, kể cả với nhiều người được đào tạo ở nước ngoài cũng phải đặt một dấu hỏi lớn về năng lực chuyên môn.

Nếu có một cuộc kiểm tra quy mô trên cả nước về bằng cấp chắc hẳn sẽ có nhiều chuyện bi hài được đưa ra công luận. Giờ đây, khi chúng ta chưa làm được việc đó, chưa có sự sàng lọc, cạnh tranh, đào thải thì vẫn phải “Kính thưa các vị chưa bị lộ”!/.

Vũ Hạnh/VOV.VN