Trung Tướng Lê Nam Phong: Phá tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc, mở toang cánh cửa vào giải phóng Sài Gòn

00:00 12/10/2020

Cuộc đời binh nghiệp hơn 50 năm của Trung tướng Lê Nam Phong, Nguyên Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, Nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân II. Với ông ký ức như vẫn còn nguyên vẹn về những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975, khi ông trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) tấn công phá tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc của địch, mở toang cánh cửa Đông Bắc cho các lực lượng của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

ki-uc

 Trung tướng Lê Nam Phong (Nguyên Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, Nguyên Hiệu trường Trường sĩ quan Lục quân 2)

Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) những ngày đầu thành lập

Sau hiệp định PaRi được ký kết ngày 27/1/1973, cục diện trên chiến trường giữa ta và địch có nhiều thay đổi nhanh chóng. Quân Mỹ và chư hầu buộc phải rút khỏi miền Nam, lực lượng của ta vẫn được duy trì. Ngoài quân chủ lực, ta có một lực lượng hậu phương liên hoàn từ Nam ra Bắc. Thế và lực quân ngụy tiếp tục bị suy yếu. Cuộc chiến như có dấu hiệu bước vào giai đoạn cuối.

Tháng 10/1973, Bộ Chính trị đã phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn chủ lực theo dự án của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

41 năm đã trôi qua, ông vẫn còn nhớ như in không khí trang trọng và thiêng liêng, tình cảm và thân mật của các đồng chí từ lãnh đạo cấp cao của Đảng đến các đồng chí lãnh đạo chính trị, chỉ huy quân sự của Trung ương Cục và Bộ tư lệnh Miền.

Trung tướng Lê Nam Phong bồi hồi nhớ lại: “Dưới mái nhà lợp lá trung quân bên căn cứ suối Bà Chiêm, huyện Dương Minh Châu (nay là xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh). Ngày 20/7/1974,  giữa chiến trường đầy bom đạn, đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, thay mặt Trung ương Đảng công bố quyết định chính thức thành lập Quân đoàn 4”.

Các đồng chí trong Bộ tư lệnh Miền như: Trần Văn Trà, Lê Văn Tưởng và đồng chí tham mưu trưởng Nguyễn Minh Châu, chủ nhiệm chính trị Trần Văn Phát, chủ nhiệm hậu cần Bùi Phùng đều có mặt tại hội trường. Đồng chí Hoàng Cầm được thụ phong Tư lệnh Quân đoàn 4. Sư đoàn 9 có đồng chí Võ Văn Dần và Tám Tùng. Sư đoàn 7 có tôi và anh Phan Liêm. Sư đoàn 5 có anh Bùi Thanh Vân và anh Ba Cúc. Các nghành chuyên môn có đồng chí Hai Phong (đặc công), Nam Lê (pháo binh), đồng chí Xuyên Khung và Bảy Triết (công binh), Tư Hải (thiết giáp). Ông kể vanh vách tên từng lãnh đạo tham dự mà không thiếu một ai.

Hàng ngàn con người đứng trang nghiêm, đứng nghe quyết định thành lập Quân đoàn 4 từ đồng chí Phạm Hùng. Không khí buổi lễ thành lập Quân đoàn tràn đầy niềm tin chiến thắng, xúc động và tự hào. Hào khí ngút trời, tiếng quân reo vang dậy cả núi rừng miền Đông Nam Bộ.

Mọi người ôm lấy nhau, ôn lại những kỷ niệm sâu nặng của chặng đường  hơn 10 năm gian khổ, vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng để có được ngày thành lập Quân đoàn 4. Ước mơ bao năm từ chiến trường miền Đông gian lao mà anh dũng, có một đơn vị Quân đoàn chủ lực hùng mạnh được thành lập ngay tại chiến trường trọng điểm miền Đông Nam Bộ.

“Chúng tôi nắm tay nhau, hẹn lời thề quyết thắng. Từ đó Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long), đơn vị chủ lực, cơ động gồm nhiều đơn vị và binh chủng hợp thành ra đời trong thế trận mới của chiến tranh giải phóng miền Nam. Ai nấy đều phấn khởi với niềm tự hào và vinh dự to lớn khi được tham dự lễ thành lập Quân đoàn 4”. Đôi mắt Trung tướng Lê Nam Phong sáng lên khi nhắc lại kỷ niệm những ngày đầu thành lập Quân đoàn.

Phá tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc, mở cánh cửa tiến vào giải phóng Sài Gòn

Sau khi Quân đoàn 4 được thành lập và xuất trận, diễn biến chiến trường  miền Đông Nam Bộ đã chuyển biến mau lẹ. Với các chiến thắng liên tiếp in đậm dấu ấn của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) dưới sự chỉ huy trực tiếp của Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong như: Chiến thắng Đồng Xoài (26/12/1974), Chiến thắng Phước Long (6/1/1975) đến các chiến thắng sau này ở Định Quán cuối tháng 3/1975, Lâm Đồng (29/3/1975).

Với ông, cuộc chiến phá tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc đã để lại nhiều kỷ niệm nhất. Ông kể: “Cuộc chiến ở Xuân Lộc là cuộc đọ sức, đối mặt với kẻ thù hung hãn do đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn tạo dựng ở giai đoạn cuối cuộc chiến. Cứ điểm Xuân Lộc được trang bị đầy đủ và được chi viện hỏa lực tối đa. Chúng dùng đến cả vũ khí hủy diệt nguy hiểm nhất. Đó cũng là trận chiến sống mái của Sư đoàn 7 chúng tôi đối với kẻ thù của nhân dân và Tổ quốc mình trước giờ giải phóng hoàn toàn miền Nam”.

“Thị xã Xuân Lộc là điểm chốt quan trọng của tuyến phòng thủ mới kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc tới Tây Ninh mà sĩ quan Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã bày binh bố trận. Xuân Lộc là điểm trọng tâm của tuyến phòng thủ nhằm ngăn chặn lực lượng của ta ở cửa ngõ phía Đông Bắc Sài Gòn. Tướng Wây En, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ , sau khi đi thị sát chiến trường, đã cảnh báo Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu: “Nếu để mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Trung tướng Lê Nam Phong cho biết.

trung-tuong-le-nam-phong

Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) được giao nhiệm vụ tấn công hướng chủ yếu, đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 18 của Ngụy quân. Sư đoàn 341(được tăng cường từ miền Bắc vào) đảm nhiệm hướng quan trọng, đánh chiếm dinh tỉnh trưởng ngụy quyền. Sư đoàn 6 đánh ngăn chặn địch từ ngã ba Dầu Giây đến đèo Mẹ Bồng Con. Trước khi tiến đánh Xuân Lộc, ngày 3/4/1975 trong cuộc họp tại sở chỉ huy Quân đoàn 4 ở đông cầu La Ngà, tất cả đều xác định: “Đây là căn cứ rất vững chắc vì nó là lá chắn thép nơi cửa ngõ Đông Bắc của ngụy quyền Sài Gòn”. Trung tướng Lê Nam Phong kể.

5h40 phút ngày 9/4/1975, Quân đoàn 4 nổ súng tấn công Xuân Lộc, các cụm pháo của các Sư đoàn đồng loạt khai hỏa. Trong ngày chiến đấu đầu tiên, quân ta đã mau chóng chiếm được 2/3 thị xã, đưa được 3 tiểu đoàn vào chốt trong. Riêng hướng Sư đoàn 7, không đột phá được, lực lượng bị tiêu hao.

Bộ Tư lệnh chiến dịch vẫn quyết định tiếp tục tấn công, Sư đoàn 7 đưa lực lượng dự bị là Trung đoàn 141 và một Tiểu đoàn của Trung đoàn 165 tiến đánh căn cứ của Sư đoàn 18 Ngụy quân.

Quân ta bị Chiến đoàn 52 và Trung đoàn thiết giáp 5 của địch phản kích quyết liệt, do đó không mở được cửa đột phá. Các đơn vị bạn vẫn tiếp tục tấn công đánh địch nhằm giữ các mục tiêu đã chiếm được.

Ngày 11/4/1975, chiến sự tiếp tục giằng co ác liệt. Qua 3 ngày chiến đấu, ta tuy đã chiếm được một số mục tiêu, tiêu diệt được một phần sinh lực địch và giữ một số chốt quan trọng, nhưng quân số của Sư đoàn 7 bị thương vong rất nhiều.

Chiến sự Xuân Lộc diễn biến phức tạp, mặc dù về chiến lược, địch đang bị rối loạn, đổ vỡ, nhưng do Xuân Lộc là một vị trí then chốt sống còn của địch, có tổ chức phòng ngự kiên cố đã được chuẩn bị kỹ và tăng cường mạnh nên địch gây cho ta rất nhiều tổn thất và tạm thời ngăn chặn được sức tấn công của ta.

Trước tình hình khó khăn đó, ta đã nhanh chóng thay đổi cách đánh. Từ nhận định và kết luận “Xuân Lộc là điểm phòng ngự mạnh chỉ khi nó được nối liền với Biên Hòa”, ta đã dừng tấn công các mục tiêu và vị trí trong thị xã, chuyển sang đánh đường số 1 để cô lập Xuân Lộc.

Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định: Chỉ để lại một lực lượng giữ những địa bàn đã chiếm được. Sư đoàn bộ binh 6 (Quân khu7) phối hợp cùng Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) được lệnh đánh Dầu Giây - Núi Thị, giải phóng thêm các cứ điểm đường 20, đoạn còn lại từ Gia Kiệm xuống, đoạn đường quốc lộ 1 đèo Mẹ Bồng Con.

Chính quyết định táo bạo này của Bộ Tư lệnh chiến dịch đã làm cho địch lầm tưởng đẩy lùi được quân ta. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quảng bá ầm ĩ tin “Chiến thắng Xuân Lộc”. Tướng Lê Minh Đảo, Sư trưởng Sư đoàn 18 ngụy quân thì huênh hoang “Việt cộng dù có thêm mấy sư đoàn nữa cũng không chiếm được Xuân Lộc - Long Khánh”.

Rạng sáng ngày 20/4/1975, ta đánh tập kích, tiêu diệt chiến đoàn 52 của ngụy quân tại Gia Kiệm, sau đó tấn công  bắn phá sân bay Biên Hòa bằng pháo130 ly.

Trong 2 ngày 16 và 17/4/1975,  ngụy quân Sài Gòn với lực lượng 200 xe tăng và xe bọc thép, được hơn 100 khẩu pháo ở căn cứ Nước Trong - hốc Bà Thức, Long Bình, Đại An bắn chi viện yểm trợ cùng 125 lần chiếc máy bay chiến đấu chi viện hỏa lực, quyết giữ vững thế trận.

Những trận chiến ác liệt, dồn dập diễn ra tại Hưng Nghĩa và ở cao điểm 122. Ta quyết chiến ở Bầu Cá, đánh mạnh vào chiến đoàn thiết giáp ở Trảng Bom đã làm cho thế trận hoàn toàn nghiêng về phía ta. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Lê Minh Đảo đành phải xin bỏ Xuân Lộc và tháo chạy trong đêm mưa.

Ngày 21/4/1975, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Xuân Lộc đã phá tan tuyến phòng thủ kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, là trận công kích quy mô lớn nhất của Quân đoàn 4 kể từ ngày thành lập. Lần đầu tiên Quân đoàn sử dụng hết cả 3 sư đoàn bộ binh cùng toàn bộ hỏa lực, tăng, pháo, trang thiết bị kỹ thuật và hậu cần cho các trận đánh.

Phá tan cánh cửa thép Xuân Lộc, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) đã mở toang cánh cửa phía Đông Bắc Sài Gòn cho lực lượng của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, làm rung chuyển toàn bộ tuyến phòng ngự chiến lược của địch.

Sống lại ký ức của những ngày tháng 4 lịch sử, ông kể tiếp: “Ngày 26/4/1975, Quân đoàn 4 đã tiêu diệt và bức rút quân địch ở Trảng Bom, nhanh chóng đập tan tuyến phòng thủ Ông Hoàng, đánh Trung đoàn 5 thiết giáp ở ngã 3 Yên Thế, rồi sau đó đánh thẳng vào giải phóng Hố Nai, Biên Hòa, Long Bình. Ngày 27 và 28/4/1975, Quân đoàn 4 đánh chiếm sở chỉ huy Quân đoàn 3 - Vùng 3 chiến thuật của địch ở Biên Hòa”.

Đến 9h sáng ngày 29/4/1975, Quân đoàn 4 vinh dự nhận mệnh lệnh mở đầu cuộc tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định cùng các cánh quân khác. Sau đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đã lệnh cho cánh quân phía đông bắt đầu công kích vào nội đô Sài Gòn lúc 16h ngày 29/4/1975 . “Đó là thời khắc lịch sử tôi không thể nào quên”. Trung tướng Lê Nam Phong nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Tấn Anh (Văn phòng Đại diện phía Nam)