Trùng tu quần thể di tích lịch sử- văn hóa Phủ Trịnh – niềm tự hào trên quê Thanh

00:00 12/10/2020

(DNHN): Di tích phủ Trịnh thuộc làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, nơi đây được coi là Hành dinh thứ 2 của nhà Trịnh sau Phủ Liêu ở Thăng Long, đồng thời cũng là công trình kiến trúc tiêu biểu của thời kỳ Lê - Trịnh trên vùng đất xứ Thanh.

doi-nghe-vet-tai-phu-trinh

Thần vẹt, vật linh biểu tượng của nhà Trịnh.

Di tích phủ Trịnh gắn với lễ hội thờ Minh Khang Triết Vương Trịnh Kiểm, vị chúa đầu tiên (truy phong) của dòng họ Trịnh (1503-1570) . Ông vốn quê ở làng Bồng Thượng , là người có công sáng lập ra Vương nghiệp nhà Trịnh. Các con cháu nối  nhau làm chúa đến 12 đời. Các chúa Trịnh không những giành lại vương triều tôn lập vua cho các vua nhà Lê mà đã góp phần quan trọng hoàn thành sự nghiệp trung hưng với hệ tư tưởng lớn, lập nên một thể chế chính trị: có vua, có chúa cầm quyền điều hành đất nước theo thể thể thức “vua trị vì, chúa chấp chính”. 12 đời chúa Trịnh, suốt chiều dài lịch sử hơn 200 năm không có giặc ngoại xâm và đã phát triển mở cõi đất nước, tiến lãnh thổ xuống phía Nam để có một thời hơn 200 năm mang danh Lê - Trịnh, tức Lê Trung Hưng; dân tộc hòa đồng, một mối văn hóa Hùng Vương - Đại Việt - Việt Nam trên hòa khí Bắc – Trung –Nam, thống nhất  hình chữ S trên bản đồ. Từ phủ Trịnh tỏa rộng cả vùng rộng lớn trong huyện Vĩnh Lộc, nhà Trịnh đã xây dựng và để lại nhiều công trình đặc sắc, trở thành một quần thể  Văn hóa - Lịch sử, được xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia: Công tình mộ tổ - thân sinh Trịnh Kiểm, Nghè Vẹt, Lăng mộ Trịnh Tùng, khu di chỉ đồ đá mới Đa Bút,  Lăng mộ Trịnh Tùng thuộc 2 xã Vĩnh Hùng - Vĩnh Tân và bên cạnh là xã Vĩnh Hòa  có nhà thờ chúa Trịnh Khả. Giá trị của các công trình không sao kể xiết. Phủ trịnh được in dấu ấn sâu đậm, khởi nguồn từ chúa Trịnh Kiểm đã giương cao ngọn cờ phù Lê, diệt Mạc và chống ngoại xâm phương Bắc. Ông có tài thu phục nhân tâm, điều binh khiển tướng, vua giao trọng trách tối cao, phong đại tướng quân Trịnh Kiểm làm Dực Quận Công. Vừa cầm quân xông trận, Trịnh Kiểm đã cùng quân thần, tướng tá góp công xây dựng hành dinh có đủ tầm vóc của bộ phận đầu não chỉ huy cuộc chiến đấu chống nhà Mạc, chống xâm lăng, khôi phục nhà Lê. Phủ Trịnh  được xây dựng trên diện tích khoảng 10 hecta, gồm có các khu vực từ Phủ là nơi chúa làm việc, tiếp khách, khu nội phủ là nơi ăn ở của các nhà chúa, khu làm việc của các quan, khu thờ cúng, khu vườn, hồ thưởng ngoạn và tổ chức các trò vui, các sự kiện trong triều. Nghè vẹt, trước là nhà thờ thành hoàng làng Đô Bác Đại vương Trịnh Ra  là vị tổ họ Trịnh về sau làm nơi thờ các chúa Trịnh. Nghè Vẹt làm bằng gỗ, lợp ngói có gian chính và  gian tả, hữu gồm 12 gian. Nhiều cổ vật  và con giống ở đây có giá trị cao về văn hóa, đặc sắc là thờ thần Vẹt, làm bằng gỗ, mỗi con cao 2-3 m, được trạm trổ khá công phu, dáng đẹp như chim Hạc, dưới có tượng phỗng Chăm Pa chầu về bàn thờ tổ, (Thần Vẹt là cả một thần tích lịch sử, là vật linh biểu tượng của nhà Trịnh, chúng tôi sẽ đề cập  vào các bài viết  sau này) . Khu di chỉ đồ đá mới Đa Bút, hiện có nhiều dấu tích hiện hữu, giúp cho chúng ta hiểu rộng hơn lịch sử  thời Lê - Trịnh. Nơi đây có bia mộ và miếu thờ bà Thái phi Ngọc Diễm, vợ chúa Trịnh  Doanh. Chỗ miếu thờ có 6 con rồng đá thuộc loại đá trắng xanh quý hiếm. Mỗi con dài 2 m, rồng được xếp thành 2 hàng  chầu vào miếu. Bên cạnh  rồng chầu, có hai  dãy tượng đá, mỗi dãy 6 pho (cao 1,8m không kể đế), tượng có hình võ quan mặc áo giáp trụ. Cuối hai dãy tượng có 2 phỗng đá trong tư thế chầu đợi lệnh.

con-chau-ho-trinh

Con cháu họ Trịnh bên mộ Trịnh Tùng.

Nhóm rồng, tượng đá Đa Bút tuy đã trên dưới 200 năm, nhưng không bị rêu phong, đổi màu. Các nhà nghiên cứu  văn hóa  lịch sử rất coi trọng tìm hiếu sâu sắc về tượng Đa Bút và đã có nhiều kết luận khẳng định giá trị Văn hóa - Lịch sử  thời Lê - Trịnh. Hai khu lăng mộ cụ tổ Trịnh Kỷ, người thân sinh chúa Trịnh Kiểm và lăng mộ Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng có đặc điểm chung là  khá toàn vẹn về thi hài, chôn cất trong lăng mộ và được  táng ở vị trí đắc địa, hội tụ nhiều mặt về văn hóa tâm linh (xin có dịp sẽ trình bày sau). Quần thể di tích Lịch sử - Văn hóa nhà Trịnh thuộc vùng non nước  tươi đẹp, có cảnh quan sông núi bao quanh và những địa điểm di chỉ khảo cổ học  nổi  tiếng đã đi vào thi ca đậm nét:

“Dòng Mã giang mênh mông sóng bạc

Dãy Hùng sơn man mác điệp trùng

Núi sông hun đúc khí hùng

Sóc Sơn, Biện Thượng một vùng Thanh Hoa”

Tiếc rằng trải qua binh lửa và loạn lạc chiến tranh, vùng đất Quý Hương và các công trình văn hóa – lịch sử quần thể di tích phủ Trịnh  đã bị hủy hoại, xuống cấp, dấu tích còn lại đơn sơ. Được sự quan tâm của Nhà nước, của các ngành chức năng, trong nhiều  thập kỷ gần đây, tỉnh Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung đã mở nhiều cuộc hội thảo, đánh giá và kết luận khá đầy đủ  về vai trò, công trạng của nhà Trịnh, của các vị chúa trong 249 năm gìn giữ  bờ cõi, xây dựng giang sơn thời Lê - Trịnh. Nổi bật là, cuộc hội thảo cuối năm 2014 tại Hà Nội do 6 cơ quan lớn của Nhà nước và dòng họ đồng tổ chức (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Kiến trúc Việt Nam, Hội Quy hoạch, phát triển đô thị Việt Nam, Trung tâm UNESSCO nghiên cứu các dòng họ Việt Nam, Hội đồng họ Trịnh Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Thanh Hóa.) Hội thảo đã thu hút đông đảo các vị lãnh đạo, các nhà khoa học, các nhà văn, nhà báo và con cháu dòng họ Trịnh các ngành, các địa phương trong nước về dự. Hội thảo có tới 31 tham luận của giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, của phó giáo sư tiến sĩ, kiến trúc sư và các nhà báo, nhà văn. Các tham luận được trình bày với sự nghiên cứu công phu, đánh giá cao về giá trị, tầm vóc lịch sử của thời kỳ Lê - Trịnh; làm sáng tỏ về Lịch sử - Văn hóa quần thể di tích phủ Trịnh tại Hà Nội và Thanh Hóa. Nhiều ý kiến xác đáng được ghi nhận. Nổi bật là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Minh Đức đã khẳng định: “Quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, tu bổ và phục hồi khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia phủ Trịnh là việc làm rất bức thiết trong dòng chảy văn hóa - lịch sử Việt Nam”. Nhà văn, nhà báo Trương Thị Kim Dung mô tả khá toàn diện và kết  luận: “Việc phục dựng phủ Trịnh là cần thiết, hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, góp phần làm sáng tỏ thêm giai đoạn lịch sử hơn 200 năm hết sức đặc biệt và hưng thịnh của dân tộc ta”. Phục dựng thành công vương phủ Trịnh tại Vĩnh Hùng - Vĩnh Lộc sẽ mở ra một cơ hội mới thu hút đông đảo khách quốc tế và đồng bào trong nước tới chiêm ngưỡng nền văn hóa Đại Việt - Việt Nam”. Ông Trịnh Đình Hưng – CT HĐHT VN đã tham luận vừa là đề dẫn và tổng quát cuộc hội thảo đã nêu kiến nghị sâu sắc: “Quy hoạch, bảo tồn và tôn tạo Di tích Lịch sử Văn hóa thời Lê - Trịnh cần gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, trong đó cần chú ý đến tính tổng thể của hệ thống di tích nhà Trịnh bao gồm: Hành cung Vạn Lại, Nghè Vẹt, Phủ Trịnh, các lăng mộ và Thái miếu… Vì vậy nên có sự kết nối trong quy hoạch chung và có thể gọi là hệ thống di sản vương phủ Trịnh tại Thanh Hóa; có lộ trình thực hiện trong từng giai đoạn”. Với sự quan tâm và chỉ đạo nêu trên, việc trùng tu, tôn tạo Di tích Lịch sử - Văn hóa thời Lê Trịnh, nhà Trịnh đã mở ra hướng đi mới, đầy khả quan. Ngay từ năm 2010, thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Thông báo số 80/TB-UBND nêu rõ chủ trương, kế hoạch và nguồn đầu tư ngân sách. Bước vào giai đoạn 1, trùng tu, tôn tạo di tích được tập trung 3 công trình lớn: Nghè Vẹt, Lăng mộ Trịnh Tùng và Phủ Trịnh. Phấn khởi trước sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền huyện Vĩnh Lộc, các ngành chức năng và hội đồng Họ Trịnh cả nước đã tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, trong con cháu dòng họ “vào cuộc”, góp công, góp sức đầu tư tôn tạo di tích với tất cả tấm lòng, nhiệt tình, hào hứng. Hai năm qua, công trình Nghè Vẹt và Lăng mộ Trịnh Tùng được ưu tiên trùng tu. Ngoài nguồn ngân sách của Nhà nước, Hội đồng họ Trịnh Việt Nam, Thanh Hóa đã vận động con cháu, các doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp nhiều công quỹ và hiện vật có giá trị. Tiêu biểu trong sự đóng góp là bà con xã Vĩnh Hùng- Vĩnh Lộc. Đặc biệt, có doanh nghiệp là con cháu dòng họ Trịnh với lòng hảo tâm đã đóng góp trị giá 3 tỷ đồng. Công trình Nghè Vẹt từ chỗ xuống cấp, xập xệ, không gian hẹp, nay được trùng tu xây mới bề thế, khang trang với tổng diện tích 7427m2. Các hạng mục tiền điện, trung điện, khánh đá được tu bổ khá kì công. Nhà thượng điện dược phục dựng với đầy đủ nguyên vật liệu quý giá theo hướng hiện đại. Các công trình phụ trợ, như: nghi môn, nhà tả, hữu vu, bãi đậu xe, nhà hóa vàng, nhà dịch vụ bán đồ lễ và hệ thống hạ tầng, vườn ao, cây xanh được xây dựng và trồng mới, tạo nên môi trường, cảnh quan đẹp, sạch như tranh. Tất cả nằm trên trục thần đạo gồm: ao nghè, bình phong, cổng tứ trụ, sân đền, tiền điện, trung điện và thượng điện.

ong-trinh-dinh-hung-chu-tich-hoi-dong-ho-trinh

Ông Trịnh Đình Hưng, Chủ tịch Hội đồng họ Trịnh Việt Nam tại buổi lễ đúc tượng.

Khu lăng mộ Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng đến nay đã căn bản hoàn thành, được trùng tu, tôn tạo trên vị trí mộ chính của chúa phát lộ năm 1990. Khuôn viên của khu lăng mộ được mở rộng với diện tích hơn 10.000 m2, chia làm 2 khu. Khu vực linh thiêng thành kính gồm mộ chúa - nơi an nghỉ vĩnh hằng của Thành tổ Triết Vương, nhà bia, khu sân chầu, cổng tứ trụ và hồ bán nguyệt. Ngôi mộ được lắp ghép và chế tác bằng đá nguyên khối màu xanh đen, trang trí họa tiết hoa văn thích hợp với mộ vua chúa như rồng, vẹt, vân mây và cánh sen. Khu vực 2 gồm khuôn viên sân, đường, vườn lăng, gò thông, bãi đậu xe và công trình phụ trợ, nhà quản lý kết hợp dịch vụ và bia dẫn tích. Chỉ riêng gò thông đã tạo nên vẻ đẹp hoành tráng làm cho lăng mộ thêm bề  thế. Gò được  đắp thoải dần về các phía và ôm sát khu vực lăng mộ, với chiều cao + 5,2m. Hiện nay gò thông đã phủ mầu xanh với nhiều loại cây bản địa làm tăng thêm vẻ linh thiêng, tĩnh mịch cho khu vực lăng. Khu vực sân chầu được lát đá quý và đặc biệt có hai dãy tượng các quan văn, võ, giám mã, ngựa và voi chầu hai bên tả hữu làm cho du khách vào lăng mộ với tất cả tấm lòng thành kính, tôn nghiêm. Việc tu bổ, tôn tạo Khu di tích Lịch sử Văn hóa Phủ Trịnh được UBND tỉnh chỉ đạo chặt chẽ. Ngành văn hóa, chính quyền huyện Vĩnh Lộc và Hội đồng họ Trịnh đã “vào cuộc” bằng hành động và các công việc cụ thể. Dưới sự chỉ đạo của tỉnh, huyện Vĩnh Lộc đã tập trung giải phóng mặt bằng trên diện tích 5ha nhanh chóng, thuận lợi, đa phần bà con được di dời đồng tình và ủng hộ. Ngành Văn hóa tập trung khảo sát và có quyết định kịp thời đáp ứng cho các đơn vị kĩ thuật xây dựng dự án và đấu thầu thi công thuận lợi, khách quan. Nhiều dự án phong phú. Dự án tiêu biểu nhất được sự đồng tình, nhất trí cao của các ngành, các cấp và Hội đồng họ Trịnh Việt Nam - Thanh Hóa thuộc về đơn vị: Công ty cổ phần bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt (VTETARCH-JSC). Khu di tích Lịch sử Văn hóa Phủ Trịnh trong tương lai được xây dựng mới hoàn toàn bằng chất liệu hiện đại, gỗ thuộc nhóm 1, đá xanh, đen vào loại nhất nhì trong tỉnh, trong nước. Cây xanh được phủ rợp mát lành bởi hầu hết là cây bản địa. Toàn bộ Khu di tích Lịch sử Văn hóa có 29 hạng mục công trình, xây dựng nguy nga, đồ sộ, lộng lẫy vàng son, toát lên vẻ đẹp tráng lệ nhưng đều tuân thủ nguyên tắc truyền thống, giá trị lịch sử và đúng mô hình cung điện vua chúa. Và vừa qua, tại Phủ Trịnh, làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng - Vĩnh Lộc, UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức lễ khởi công, xây dựng, trùng tu khu di tích lịch sử văn hóa nêu trên với sự tham gia của đông đảo các vị lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, của huyện, của các ngành chức năng, đông đảo các nhà khoa học, kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, đông đảo bà con trong huyện, con cháu họ Trịnh trong tỉnh, trong nước về dự trong niềm vui hân hoan. Trong tương lai không xa, quần thể Di tích Lịch sử Văn hóa Phủ Trịnh là điểm hẹn du lịch của du khách muôn phương - thật sự là niềm tự  hào của quê Thanh. Văn phòng Tạp chí tại Thanh Hóa - Ninh Bình