Trồng cây dược liệu quý - hướng phát triển kinh tế mới nơi cổng trời xứ Nghệ

00:00 12/10/2020

Xây dựng và phát triển trồng các loại dược liệu quý tại Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đang là hướng đổi mới kinh tế cho người dân nơi đây. uom-cay Ông Lầu Chìa Lồng, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu Mường Lống (trực thuộc Tập đoàn TH) đang đi kiểm tra các cây giống dược liệu trong vườn ươm. Xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) được mệnh danh là cổng trời Xứ Nghệ với độ cao khoảng 1485m so với mực nước biển. Nơi đây là nơi sinh sống của 100% đồng bào dân tộc H’Mông. Do nằm ở địa thế cao cách mực nước biển nên khí hậu nơi đây mát mẻ và mây mù quanh năm bao phủ. Tuy nhiên, cũng do điều kiện địa hình phức tạp và người dân vẫn còn sống phụ thuộc vào nương rẫy, sản xuất theo phong tục tập quán còn nhiều hủ tục nên cả xã còn đến hơn 70% hộ nghèo. Nhiều năm qua chính qua chính quyền địa phương cũng đã tìm hướng đổi mới trong sản xuất, canh tác cho người dân và tìm loại cây phù hợp nhưng vẫn chưa có giải pháp hiệu quả. Việc để tìm ra cây trồng phù hợp và thay đổi tập tục sản xuất cho người dân ở vùng đất cao, quanh năm mây phủ như Mường Lống không phải dễ dàng. Tuy nhiên, chính khí hậu  đặc thù này của Mường Lống lại là điều kiện phù hợp cho một số loại cây dược liệu, thảo dược quý phát triển và đem lại tác dụng tốt nhất. Nắm bắt được lợi thế này của Mường Lống nên Tập đoàn TH đã xin cấp giấy phép xây dựng vùng sản xuất dược liệu và được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý. Theo đó vùng nguyên liệu này được xây dựng phát triển thành hai khu vực; khu A gần 7ha và khu B hơn 130 ha. tuoi-cay Hiện Công ty Cổ phần Dược liệu Mường Lống đang tập trung nhân lực và vật lực để tiến hành ươm mới nhiều diện tích cây dược liệu tại xã Mường Lống. Đến tháng 3/2015, Tập đoàn TH đã bắt đầu tiến hành trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu quý tại vùng đất này như: Cây bảy lá một hoa, Sâm Puxailaileng (sâm Ngọc Linh), Hà Thủ Ô, Đặng Sâm, Ba kích, Kim ngân, Lan kinh tuyến, Ngũ gia lá gai … trên diện tích 3000 m2. Hiện Công ty Cổ phần Dược liệu Mường Lống (trực thuộc Tập đoàn TH) đang triển khai nhân lực và vật lực để mở rộng trồng mới nhiều diện tích cây dược liệu. Cây dược liệu sau khi được nhân giống luôn được các kỹ sư nông nghiệp kiểm tra và theo dõi sát sao quá trình phát triển để có cách chăm sóc tốt nhất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Mường Lống. Theo dự kiến sau khi nhân giống thành công các loại cây dược liệu Công ty Cổ phần Dược liệu Mường Lống sẽ có các khóa tập huấn cho người dân nơi đây cách trồng và chăm sóc. Sau đó, phía Công ty Cổ phần Dược liệu Mường Lống sẽ hỗ trợ giống và các yếu tố cần thiết để người dân trồng và đơn vị này sẽ nhận thu mua toàn bộ sản phẩm trên. “Sau khi trồng các loại dược liệu để nắm bắt rõ quá trình phát triển của từng loại cây cho phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng tại địa phương chúng tôi sẽ sản xuất trên quy mô lớn. Chủ yếu chúng tôi sẽ sản xuất cây giống để cung ứng cho người dân trồng. Trước khi đưa vào cho người dân sản xuất chúng tôi sẽ có các khóa tập huấn cho người dân nắm rõ cách trồng và chăm sóc từng loại dược liệu. Chúng tôi cũng sẽ có phương án hỗ trợ cây giống và các vật tư cho người dân khi nhận trồng cây dược liệu. Khi tiến hành trồng mở rộng đơn vị cũng sẽ ưu tiên lấy nhân lực là người tại địa phương là chính. Khi người dân sản xuất toàn bộ sản phẩm chúng tôi sẽ đứng ra thu mua cho người dân. Mường Lống là vùng có khí hậu phù hợp cho nhiều loại cây dược liệu quý phát triển nhưng người dân chưa biết tận dụng thế mạnh này nên cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Chúng tôi cũng mong rằng đây cũng là hướng đổi mới giúp người dân nơi đây sớm thoát nghèo để xây dựng một vùng miền núi có kinh tế lớn mạnh của tỉnh Nghệ An”, ông Lầu Chìa Lồng, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu Mường Lống chia sẻ. cay-non Nhờ phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu tại xã Mường Lống nên nhiều loại dược liệu được ươm tại đây phát triển rất tốt. Bày tỏ về hướng phát triển trên ông Và Nỏ Vừ, Chủ tịch UBND xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết: “Khi biết Tập đoàn TH đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tại địa phương chúng tôi cũng rất mừng. Người dân nơi đây còn nghèo cũng mong dự án sớm đưa đến người dân để xóa cái đói, cái nghèo cho người dân và thay đổi được phong tục tập quán sản xuất nương rẫy lạc hậu của người dân. Đây cũng là điều mong mỏi để con em đồng bào tại địa phương sau khi tốt nghiệp đại học có nơi làm việc ổn định. Mong rằng đây là dự án sớm đưa Mường Lống trở thành điểm sáng kinh tế của vùng miền núi tỉnh Nghệ An”. Xuân Hòa -Văn phòng đại diện tại Nghệ An