Trợ lực cho doanh nghiệp kết nối vào chuỗi cung ứng

00:00 12/10/2020

Năng lực hạn chế của các nhà sản xuất nội địa khiến giá trị ngành công nghiệp trong nước chưa cao. Điều này làm khối nội khó tận dụng “cơ hội vàng” từ các hiệp định thương mại hay cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Nhận định mới đây của lãnh đạo Bộ Công Thương khi làm việc với Cục Công nghiệp rất đáng lưu tâm khi cho rằng giá trị của ngành công nghiệp trong nước tạo ra vẫn còn thấp trong quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam vốn dĩ còn nhiều vấn đề.

Nền tảng còn thấp

Có 3 thực tế liên quan đến vấn đề này. Thứ nhất là hiệu quả sản xuất của Việt Nam xét trên khía cạnh giá trị gia tăng và xuất khẩu (XK) vẫn còn khiêm tốn. Thứ hai, tác nhân chính để tạo ra chuyển dịch cơ cấu và giá trị vẫn là các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chứ không phải là các DN trong nước. Thứ ba, XK hàng hóa của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cũng cho thấy riêng nửa đầu năm nay, khu vực FDI xuất siêu 15,68 tỷ USD (kể cả dầu thô), trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,7 tỷ USD. Xuất siêu của khu vực FDI không bù đắp được nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước.

Còn theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2019, XK của khu vực FDI chiếm tỷ trọng 69,7% (đạt 101,13 tỷ USD), khối nội chiếm tỷ trọng 30,3% (44 tỷ USD). Chưa kể, nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 60,83 tỷ USD, tăng đến 12,6%.

Nói về năng lực của các nhà sản xuất nội địa, ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc công ty TNHH Reed Tradex Việt Nam, cho rằng nguồn nhân công giá rẻ đã không còn rẻ nữa khi năng suất lao động còn thấp.

Sản xuất của khối nội cần thay đổi có tính hệ thống

Để tận dụng các “cơ hội vàng” từ những hiệp định thương mại (FTA) hay như cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bắt buộc DN Việt phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hàm lượng chất xám và nâng cao năng suất lao động thông qua các giải pháp công nghệ, thiết bị hiện đại, thông minh hơn.

Theo ông Tài, ngành sản xuất gia công cơ khí và cơ khí chính xác, công nghệ xử lý bề mặt kim loại là những bộ phận nền tảng cấu thành cho toàn bộ ngành sản xuất hiện nay. Trong khi đó, năng lực cung ứng của các DN Việt vẫn rất nhỏ về quy mô, yếu về công nghệ, thiếu đa dạng trong sản phẩm, năng suất thấp…, dẫn đến năng lực cạnh tranh kém.

Mới đây, một số đoàn khách hàng từ Bắc Mỹ và EU sang Việt Nam để tìm nguồn hàng mới thay thế cho nguồn hàng mà họ nhập từ Trung Quốc. Tại buổi tiếp xúc, họ than phiền quá trình triển khai tìm nguồn hàng cung ứng ở Việt Nam rất khó khăn do quy mô, năng lực cung cấp của các DN Việt còn quá thấp, trong khi giá thành lại kém cạnh tranh so với Trung Quốc.

“Với nền tảng cơ khí chế tạo còn thấp, nên việc nhập siêu linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp còn rất lớn và khả năng tự cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ ở trong nước thực tế còn rất thấp”, ông Tài lưu ý.

Cần thay đổi có tính hệ thống

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, cả nước có 1.800 DN sản xuất phụ tùng linh kiện, nhưng chỉ có khoảng 300 DN tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, chiếm tỷ lệ khoảng 17%.

So với các quốc gia trong khu vực, ô tô sản xuất lắp ráp tại Việt Nam có chi phí cao hơn 20%. Hơn nữa, tỷ lệ nội địa hóa còn quá khiêm tốn so với một số quốc gia (trung bình là 65 – 70%), thậm chí như Thái Lan đạt tỷ lệ đến 80%.

Vì vậy, theo ông Tài, để nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu cho các nhà sản xuất nội địa, con đường duy nhất là cần nhanh chóng áp dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất và tiết kiệm chi phí lao động.

Ông Frank Weiand, Giám đốc hợp phần liên kết DN nước ngoài thuộc Dự án kết nối DN nhỏ và vừa của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), dẫn nguồn từ Bộ KH&ĐT cho thấy 98% DN Việt Nam là các DN vừa và nhỏ, tỷ lệ DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu chỉ chiếm khoảng 21%.

Tuy nhiên, 21% này bao gồm tất cả các DN Việt hoạt động trong lĩnh vực đóng gói bao bì cũng như cung cấp dịch vụ. Vì thế, ông Frank Weiand lưu ý con số các DN nội sản xuất, chế biến, chế tạo tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu có thể còn thấp hơn tỷ lệ 21%.

USAID hiện có một dự án được tiến hành trong 5 năm (kéo dài đến năm 2023) với nguồn tài chính khoảng 22,1 triệu USD nhằm giúp các nhà sản xuất nội địa quy mô vừa và nhỏ của Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất.

Mục tiêu của dự án này đặt ra rất rõ ràng. Thứ nhất là tạo ra sự thay đổi mang tính hệ thống trong mối quan hệ giữa DN vừa và nhỏ của Việt Nam với các công ty FDI. Thứ hai là nỗ lực gia tăng đáng kể số lượng và chất lượng các kết nối kinh doanh giữa các nhà sản xuất nội địa với khối ngoại.

“Tuy nhiên, để cụ thể hóa mục tiêu thì vẫn cần tăng cường khung kết nối, khung chính sách, cũng như các quy định kết nối kinh doanh giữa DN Việt với các DN FDI. Nhất là cần có những hoạt động để tăng cường năng lực của các DN vừa và nhỏ”, ông Frank Weiand chia sẻ.

Thế Vinh