Trên những “cung đường máu”      

00:00 12/10/2020

(DNHN). Đó là những con đường mà cánh tài xế đi vòng nhằm trốn phí Quốc lộ 5 (QL5) - tuyến giao thông huyết mạch vận chuyển hàng hóa từ Cảng biển Hải Phòng đi các tỉnh. Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi ngày, những "cung đường máu" này phải bất đắc dĩ “oằn mình” gánh chịu hàng ngàn lượt xe container rầm rập đi vòng trốn trạm thu phí.

tram-thu-phi

Xăng rẻ, phí tăng, đi vòng …trốn trạm

Theo phân luồng giao thông để sửa chữa quốc lộ 5 thì  xe container đi hướng Hà Nội phải đi theo đường cao tốc xong các bác tài đã len lỏi tỏa trên các tuyến đường 203, đường 208, tỉnh lộ 355, tỉnh lộ 391…  thậm chí cả những con đường dân sinh để tránh cả trạm thu phí khiến những con đường này đang ngày càng xuống cấp,  gây mất an toàn cho người dân.

Trước đây, dư luận và người dân xã Văn Lâm, Hưng Yên  liên tục phản ánh về tình trạng xe tải đi vào đường liên thôn, tỉnh lộ 206 để tránh  trạm thu phí số 1- QL 5. Mặc dù đã có đoạn đường đề biển cấm tải trên 6 tấn nhưng vì tiết kiệm được 160 ngàn đồng 1 lượt qua trạm soát vé số 1 Hưng Yên nên nhiều lái xe đã chủ động tránh né.   Chính quyền và các lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên đã dùng mọi biện pháp  xử lý tích cực ngăn chặn các bác tài thực hiện nghĩa vụ, đảm bảo trật tự an toàn khi tham gia giao thông. Thời gian gần đây,trên tuyến Hải Phòng- Hà Nội, từng đoàn xe sơ-mi, rơ-moóc, đầu kéo vận chuyển hàng hóa bằng container lại lũ lượt nối nhau đi hướng quốc lộ 10 đang sửa chữa chật hẹp, dọc theo tỉnh lộ 391 và đương nhiên không  qua trạm thu phí số 2 – QL5.  Con đường tỉnh lộ 391 dài hơn 20km, vốn nhỏ hẹp, chiều ngang  8m chỉ có 2 làn xe, không dải phân cách cứng và nhiều làn như QL5, càng không hiện đại như cao tốc!Do đặc thù  qua thị trấn, nội đô người dân đi lại rất đông, 4 trường học và 11 xã ở dọc hai bên đường, nên tội cho người dân ở đây nhiều phen hú hồn bạt vía! Lo nhất là lúc học sinh tan tầm, từ trước tới nay các em ra đường đâu phải đối mặt với những “hung thần xa lộ” từ trước đến nay họ vốn chưa quen thuộc va chạm bao giờ. Những đoàn xe  vẫn vô tư lăn bánh trên  con đường đang xuống cấp, dọc ven vỉa hè đã và đang xuất hiện những rãnh lún sâu. Nhìn con đường 391 vốn trước rất yên bình đẹp đẽ giờ đang bị tàn phá, phần đông người dân ở thị trấn Tứ Kỳ còn bức xúc bất lực trao đổi với nhau rằng: “ Mặc kệ, cho nó đi hỏng đường càng nhanh càng tốt để nó khỏi  đi qua đây nữa”.

Chị  Đỗ Thị Hiền sinh sống, bán hàng ngay tại nút ngã ba Quý Cao xã Nguyên Giáp, Tứ Kỳ, Hải Dương cho biết : “Lúc đầu họ chỉ chạy ban đêm, giờ cả ngày. Cứ nườm nượp, đông nhất là gần sáng, có hàng ngàn lượt container cả đi và về qua đây rầm rập. Nhà cửa chúng tôi ngay sát đường cứ rung lên, nứt hết tường rồi đây, nhà có mẹ già và cháu nhỏ nhiều đêm lo lắng không ngủ được.”

UBND huyện Tứ Kỳ đã có CV 113/UBND- KT-HT  về việc đề nghị xem xét tình trạng tăng đột biến lưu lượng xe container đi qua tỉnh lộ 391 trong đó ghi rõ: “ Thực tế mỗi ngày có hàng trăm lượt xe container đi qua liên tục cả ngày lẫn đêm, trong khi đường hẹp, lượng công nhân và học sinh lưu thông trên đường rất lớn, đặc biệt vào giờ cao điểm, vì vậy đã gây ra tai nạn giao thông và bức xúc trong nhân dân. Trong cuộc giao ban tiếp xúc cử tri các đại biểu đều có ý kiến đề nghị các cấp chính quyền có biện pháp hạn chế ngay tình trạng lưu lượng xe container tăng đột biến này”.

 Khi được hỏi về lý do các bác tài lại  đi vòng xa hơn hàng chục km, chật hẹp lại đông đúc khó đi vậy, anh tài xế xe container xin được giấu tên vui vẻ nói: “ Không ai muốn vất vả, đường này chúng tôi được phép đi miễn sao an toàn và đủ tải. Tuy xa hơn, tốn nhiên liệu, thời gian và công sức hơn nhưng chúng tôi lao động vì miếng cơm manh áo, cũng dôi dư được vài trăm ngàn mỗi chuyến

Nhà nước thất thu, người dân chịu khổ…

Ông Lê Đình Long – Giám đốc sở GTVT Hải Dương cho biết: “Đường làm ra xe có quyền lựa chọn, lái xe đi tuyến nào là quyền tự do lựa chọn miễn sao họ chấp hành được trật tự an toàn giao thông. Còn riêng ở đường 391 UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo công an giao thông tăng cường tuần tra kiểm soát xử lí những trường hợp quá tải.Còn cấm thì chúng ta không thể cấm lái xe đi vào đường 391 được”.

Theo thông tư của Bộ Tài Chính, từ ngày 01/04/2016 tiếp tục tăng  mức phí một lượt cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn  lên là 45.000 đồng, mức cao nhất với xe trên 18 tấn là 200.000 đồng trên QL 5 cũ.   Khi được hỏi về lưu lượng xe những ngày gần đây qua trạm thu phí số 2, cán bộ ở đây cho biết: “ Không hiểu vì lí do gì mà lượng xe container từ đầu năm đến giờ giảm đột biến, tới đây từ ngày 1/4  phí thu tiếp tục tăng lên không biết  lưu lượng xe sẽ giảm đến thế nào?”.

Nhà đầu tư BOT đã bỏ ra hàng chục ngàn tỷ để đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam đi vào sử dụng, giảm tải QL 5 cũ. Xong cao tốc chưa nằm trong cung đường các DN vận tải lựa chọn. QL5 thường xuyên được nâng cấp sửa chữa với hàng ngàn tỷ đồng lấy nguồn từ các trạm thu phí, nhà đầu tư BOT. Tính toán sơ bộ, một ngày có hàng ngàn lượt xe đi theo “cung đường máu để tránh, trốn” trạm thu phí, nhà đầu tư thất thu, nhà nước thất thoát hàng tỷ đồng mỗi ngày. Chưa kể những tuyến đường bất đắc dĩ kia đang ngày đêm gồng mình chịu sự tàn phá, xuống cấp hư hỏng nặng, hàng trăm, hàng ngàn  tỷ đồng xây dựng những con đường ấy chẳng mấy mọc cánh mà bay!

Ùn tắc vẫn xảy ra tại nút thắt ngã ba , đường thì hẹp, dân lại đông, chỉ một ách tắc nhỏ nhưng có một đường trục duy nhất, cái xe dài vài chục mét thế kia, tránh đi đâu được? Người dân  dọc bên đường giờ bước ra cửa nhà đều nơm nớp âu lo vì dòng xe “18 bánh”  uốn lượn tránh nhau, ép sát các phương tiện nhỏ bé. Họ lo lắng thấp thỏm đợi chờ người thân, con cái mỗi giờ tan tầm đạp xe đi làm đi học trở về, cả ngày họ phải sống cùng tiếng ồn và khói bụi, khổ chỉ có họ mới thấu.

            Như vậy, nhà đầu tư BOT thất thu, nhà nước thì thất thoát bởi những tuyến đường đang bị tàn phá, xuống cấp nghiêm trọng, người dân phải chịu khổ mà cũng không thể trách được các bác tài  “trốn trạm” chính đáng. Nhưng nhận  rõ việc hàng loạt các xe container len lỏi trên các tỉnh lộ, tuyến đường bất đắc dĩ  thiệt hại này sẽ mang lại hệ lụy không phải nhỏ. Đã đến lúc UBATQG, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cơ quan chức năng và chính quyền  nên xem xét có biện pháp thích hợp, hữu hiệu để cân đối, tránh hậu quả thất thoát đáng tiếc cho nhà nước và người dân.

                                                                                   Hương Lương

 Phóng viên Doanhnghiep tại Hải Phòng