Trao cơ hội nhiều hơn cho kinh tế tư nhân

00:00 12/10/2020

“Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc- Nam... mà đưa cho nhóm doanh nghiệp tư nhân làm thì thời gian triển khai sẽ không mất đến 30 năm, mà chỉ trong chưa đầy 10 năm là xong”

“Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc- Nam...  mà đưa cho nhóm doanh nghiệp tư nhân làm thì thời gian triển khai sẽ không mất đến 30 năm, mà chỉ trong chưa đầy 10 năm là xong”, đây là ví dụ về năng lực của kinh tế tư nhân được ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đưa ra tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận, Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh, có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn tồn tại nhiều rào cản. Chính vì vậy thông điệp bao trùm được Thủ tướng đưa ra là “Gần 2 năm nữa sẽ diễn ra Đại hội Đảng, Diễn đàn hôm nay là cơ hội để Chính phủ lắng nghe các ý kiến, phát triển hơn nữa doanh nghiệp tư nhân.”

p/Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra chiều 2/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Kinh tế tư nhân như động lực quan trọng dẫn dắt nền kinh tế”.

Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra chiều 2/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Kinh tế tư nhân như động lực quan trọng dẫn dắt nền kinh tế”.

Tìm điểm nghẽn

Khơi dậy tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung trên con đường hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược về một nước Việt Nam Độc Lập-Tự Cường và thịnh vượng vào năm 2045 là một lộ trình dài hơi. Bởi vậy Thủ tướng đặt câu hỏi: "Đâu là điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam, làm thế nào để đẩy mạnh, phát triển các ngành nghề kinh tế?"

Thực tế, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam chứng kiến nhiều thành quả của nền kinh tế, đặc biệt 2018 là năm thứ 4 liên tiếp có số doanh thành lập mới với số vốn kỷ lục, trong đó có vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân. Kinh tế tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP.

Để tạo điều kiện, không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn, Thủ tướng nêu ra 10 từ “khoá”: bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ, trao cơ hội.

Bình đẳng, đó là kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, trong cạnh tranh, phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khách, nhất là tiếp cận nguồn lực vốn, đất đai. Đặc biệt, cần giảm chồng chéo tầng lớp, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân. Bảo vệ là được đảm bảo các quyền về tài sản. Khích lệ là được tôn vinh các dự án, ngược lại cần lên án đấu tranh các doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh. Cuối cùng là trao cơ hội, đó là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm nâng cao năng lực cạnh tranh..”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đề cập đến tinh thần doanh nghiệp với 3 nội dung quan trọng:
Thứ nhất là chí tiến thủ của nhà doanh nghiệp, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có mà là xông xáo tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, nguyên liệu mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý được gọi tổng quát là cách tân, một tố chất quan trọng của nhà doanh nghiệp.

Thứ hai, doanh nhân cần kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính, doanh nhân có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta.

Thứ ba, là tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh- đó là những tố chất cần thiết, phổ biến của nhà doanh nghiệp của tất cả các nước. Riêng đối với Việt Nam, một nước còn ở giai đoạn phát triển trung bình, cần thêm một yếu tố là lòng yêu nước, là ý thức góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh.

Trao quyền cho tư nhân

Trong khi đó, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình nhận xét, phát triển kinh tế tư nhân là quy luật tất yếu trong thời kỳ quá độ của Việt Nam. Trong 3 năm qua, đã có nhiều chính sách, ý tưởng, để tạo ra sự bứt phá cho các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên theo thống kê, trong top 10 doanh nghiệp đóng thuế cao nhất thì có 5 doanh nghiệp nhà nước và 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chưa xuất hiện doanh nghiệp tư nhân.

Hiện tại kinh tế tư nhân chiếm khoảng 42% GDP, phấn đấu đạt 60% trong năm 2030. Để có được điều này, Chính phủ sẽ xây dựng những con sếu đầu đàn trong thành phần kinh tế tư nhân, thông qua việc định hướng chính sách, lắng nghe, tiếp cận và đội thoại, từ đó chọn lọc và phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, phát triển thành phần kinh tế tư nhân; hỗ trợ cải cách hành chính. Song song với đó, các doanh nghiệp phải nỗ lực vươn lên, có tâm huyết, có năng lực về vốn, sáng tạo, hoài bão và văn hoá.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, đã thẳng thắn đề xuất Chính phủ "giao việc" cho tư nhân làm nhiều hơn đồng thời khẳng định: Những dự án như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam... mà đưa cho nhóm doanh nghiệp tư nhân làm thì thời gian triển khai sẽ không mất đến 30 năm, mà chỉ trong chưa đầy 10 năm là xong.

Theo ông Nguyễn Văn Bình,Trưởng ban Kinh tế Trung ương, hiện nay, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế cá thể, cùng với kinh tế tư nhân sẽ là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

Tuy nhiên những thành công chỉ là bước đầu, nhiều thách thức trong phát triển kinh tế tư nhân chưa được khắc phục. Môi trường kinh doanh chưa thật sự thuận lợi, nhiều rào cản còn hạn chế kinh tế tư nhân, ông nhận định. Do đó đề nghị Đảng, đoàn tiếp tục ưu tiên bổ sung các dự án luật đưa kinh tế tư nhân vào các chương trình phát triển xã hội; các ban cán sự, bộ ban ngành, triển khai kế hoạch để thực hiện Nghị quyết 10 hiệu quả, đồng thời thường xuyên đối thoại lắng nghe tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp tư nhân phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững.... Sau khi kết thúc Diễn đàn này, Ban tổ chức sẽ gửi các kiến nghị đến bộ, ban, ngành và đôn đốc giám sát. Về phía các doanh nghiệp tư nhân, cần phát huy hơn nữa lợi thế, cạnh tranh lành mạnh; chủ động nêu ra những khó khăn vướng mắc để cơ quan, bộ ngành cập nhật thay đổi cơ chế chính sách đồng thời hiến kế nhằm phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh. 

Phan Nam