Tranh cãi chuyện nộp thuế của doanh nghiệp vận tải

00:00 12/10/2020

Những ngày qua, cuộc tranh cãi nảy lửa đã nổ ra xung quanh câu chuyện giữa “gã khổng lồ” taxi công nghệ mang tên Grab và taxi truyền thống, ai mới là DN đóng tiền thuế nhiều hơn?

Chưa rõ tiền thuế cụ thể của Grab

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT trong chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV mới đây, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề với người đứng đầu Bộ GTVT rằng, Grab chỉ nộp thuế gần 10 tỷ đồng cho 3 năm 2014 - 2016, trong khi các DN taxi truyền thống nộp thuế cả nghìn tỷ đồng.

Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, 9 DN vận tải lớn trong đó có Grab, Fastgo Việt Nam... kê khai phải nộp 437 tỷ đồng tiền thuế và đã nộp được 415 tỷ đồng. Từ phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã xuất hiện một cuộc tranh cãi nảy lửa về việc giữa Grab và taxi truyền thống với đại diện là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), ai mới là đơn vị nộp thuế nhiều hơn?

 Chưa rõ số tiền nộp thuế cụ thể của Grab trong năm 2018.

Một dòng ý kiến dẫn nguồn tin xác nhận từ Chi cục Thuế quận 10, TP Hồ Chí Minh ngày 7/1/2019 (cơ quan quản lý thuế trực tiếp Grab) cho rằng, trong năm 2018 Grab đã nộp tới hơn 441 tỷ đồng tiền thuế. Trong khi đó, theo Báo cáo tài chính quý IV/2018 của Vinasun, DN này chỉ nộp 144 tỷ đồng tiền thuế trong năm 2018.

Ngay lập tức, ông Trương Đình Quý - Phó Tổng Giám đốc Vinasun lên tiếng phản bác và khẳng định, tiền thuế Vinasun đã nộp năm 2018 là 207,861 tỷ đồng, chứ không phải con số 144 tỷ đồng. Còn về số tiền đóng thuế của Grab, ông Quý cho rằng, số tiền thuế 415 tỷ đồng là của cả năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 như Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra, thì Grab chỉ là một trong số 9 DN đóng góp để có con số này chứ chưa xác định được chính xác tiền thuế mà “gã khổng lồ” này đã nộp là bao nhiêu.

Không lo Grab trốn thuế?

Một vấn đề khác được dư luận quan tâm là cách tính thuế đối với Grab sẽ như thế nào, trong khi việc định danh loại hình taxi công nghệ thời gian qua vẫn còn tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có giải pháp căn cơ để tránh thất thu thuế với loại hình kinh doanh vận tải mới này.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, các xe hoạt động sử dụng ứng dụng của Grab cũng như một số hãng xe công nghệ khác đều kết nối với Tổng cục Thuế. Cho nên, việc thất thu thuế khó xảy ra vì cơ quan thuế nắm rất chặt.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo pháp luật về thuế hiện hành thì cả Grab hay các hãng taxi truyền thống là Mai Linh, Vinasun... thuộc nhóm DN xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập DN. Do đó, thuế của các DN này sẽ được áp dụng phương pháp kê khai thuế.

Trước đó, trong Công văn số 3166/BTC-CST ngày 10/3/2017, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế đối với Grab. Sau đó, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 384 gửi Cục Thuế một số tỉnh, TP đang triển khai mô hình hoạt động kinh doanh vận tải của Grab hướng dẫn về chính sách thuế thực hiện thống nhất theo nguyên tắc hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu như áp dụng đối với Uber, theo tinh thần Công văn 3166/BTC-CST.

Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (thuộc Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay thuế đối với vận tải, thuế đầu ra và giá trị gia tăng là 10%, nhưng thuế đầu vào phải được kê khai, khấu trừ. Nếu kiểm soát được doanh thu, số lượng xe, số lượng khách của Uber, Grab sẽ không thể thất thu thuế được.

"Uber, Grab hay các loại hình kinh doanh tương tự thì Bộ Tài chính đều quản lý thuế theo đúng luật. Chính sách, quản lý thuế đã có quy định đầy đủ theo nguyên tắc người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp. Cơ quan thuế chỉ thực hiện chức năng hậu kiểm. Nếu DN kê khai không đúng, không đủ sẽ bị xử lý hay không chịu kê khai hoặc chậm thì thuộc diện quản lý rủi ro" - ông Phụng cho biết.

Bài, ảnh: Quý Nguyễn