Trang nhật ký cuối cùng của Nhà văn – Nhà báo – Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý

00:00 12/10/2020

Trong quá trình thu thập tài liệu để biên soạn cuốn sách về những nhà văn từ trường Trường Cao đẳng Kỹ thuật Mỏ (nay là Đại học Công nghiệp Quảng Ninh),  chúng tôi đã phát hiện nhiều tư liệu về Nhà văn, Nhà báo Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý (còn có bút danh Dương Thị Minh Hương), sinh viên khoa Trắc địa, khóa 1959 -1961 của trường này.

Sau khi tốt nghiệp, chị được tổ chức điều về Hà Nội, làm phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam. Tháng 4 năm 1968,chị gửi con gái, khi đó mới cai sữa cho cho mẹ đẻ trông nom, tình nguyện vào  Nam chiến đấu. Tại chiến trường, chị đã làm rẫy, gùi gạo, chống càn, vượt mọi hiểm nguy, chống chọi với biết bao cơn sốt rét rừng...và chống chọi với nỗi nhớ thương đứa con gái thơ dại. Đêm 8/3/1969, chị anh dũng hi  sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam,  khi đó chị mới 27 tuổi. Nhà văn Dương Thị Xuân Quý được Giải thưởng Nhà nước, năm 2007; tác phẩm chính gồm: Chỗ đứng (truyện 1968); Gương mặt thách thức (bút ký, 1969); Hoa rừng (truyện kí 1970). Những trang nhật ký dưới đây bà kể về cuộc sống ác liệt ở chiến trường và nỗi nhớ thương về con gái bé bỏng tên là Dương Hương Ly cách đây tròn 48 năm.

duong-thi-xuan-quy

…10-5-1968

     … Đêm qua mình nằm ngắm trăng mãi. Trăng đêm qua là trăng 14 thì phải. Khoảng 7g tối cả khu rừng bỗng sáng bừng lên như có ai bật điện. Ấy là mặt trăng nhô lên. Trăng lách qua lá rừng rắc ánh vàng trong suốt xuống những đám lá khô màu nâu nhạt và xuống mái tăng. Mình nằm gối tay trên võng và lặng lẽ nhớ Ly. Một ngôi sao long lanh ở một lỗ hổng hình bầu dục, kẽ hở của mấy vòm lá rọi vào mắt mình, tưởng như đôi mắt tròn và   sáng của Ly đang nhìn mẹ cái đêm hai mẹ con chia tay. Ly ơi, mẹ nghĩ mãi về những ngôi sao đó. Chấm vàng nhỏ phản chiếu ông trăng soi vào mắt con đêm ấy giống hệt ngôi sao hôm qua. Từ nay, mỗi lần thấy ngôi sao, mẹ lại hình dung rõ rệt đó là chấm trăng nhỏ từ mắt con đang nhìn mẹ, và Ly ơi, trăm nghìn ngôi sao chính là trăm nghìn ánh mắt con đang soi sáng trên đường hành quân của mẹ. Mẹ ở trong rừng chả mấy khi thấy sao nhiều, sao càng ít, càng nhớ đôi mắt con nhiều hơn. Kìa, mắt con đang xuyên cành cây, soi thẳng xuống mắt mẹ. Cảm ơn Ly. Mẹ sẽ đi trong ánh mắt nhìn của con.

     … “Ly của ta chẳng có bố về thăm, cũng chẳng có mẹ (bố mẹ Ly đều vào Nam chiến đấu – BT). Mẹ hình dung, Ly ngồi xổm trên giường nhặt rau với bà. Móng tay của Ly chắc dài và đen nhẻm. Khổ thân con ta bao nhiêu! Muốn làm việc gấp bội lên để xứng đáng với sự hy sinh của con. Ly ơi, mẹ hứa, mẹ hứa sẽ bù đắp cho con bằng sự làm việc của mẹ. Con ơi, sáng nay mẹ đã vừa đi vừa khóc vì thương con. Mẹ khóc giữa hàng quân, người đi trước không nhìn thấy mẹ khóc, người đi sau không nhìn thấy mẹ khóc...”.

9-11-1968

      Bé (Dương Hương Ly- BT)  yêu thương

     Bé ơi, Bé 23 tháng rồi đây. Hôm nay Bé đã chữa cho mẹ khỏi sốt rồi. Chốc nữa mẹ sẽ bắt  đầu một chuyến đi cõng gạo rất xa Bé ạ. Chưa rõ ở đâu, Sơn Phúc hay Tí Sé, Lộc Thành hay kho Kiểm. Mẹ còn mệt nhưng phải đi thôi Bé ơi. CảTiểu ban đi để có gạo ăn mà đi công tác. Mẹ không thể ở nhà được. Ở nhà ăn ba bữa bắp mẹ không chịu nổi, mẹ mệt và đi ngoài. Mẹ ốm liền ba hôm rồi Bé ạ. Nóng hâm hấp, rồi gây gấy, rồi mệt và mẹ đã khóc vì mẹ cô đơn quá. Giá có cơm, mẹ đã khỏi ngay rồi. Mẹ sốt mà cứ ăn bắp hoài,chân mẹ run ghê quá, nhưng phải đi thôi. Mẹ nhớ Bé, hôm nay nhìn lại lồng ngực gầy gò của mẹ, khổquá Bé à, mẹ lấy làm lạ là sao mẹ đã nuôi nổi Bé cũng chính từ bộ ngực ấy và chính cái miệng thơm thơm và đôi môi đỏ của Bé lại mút mút vào bầu vú mẹ hôm nay chỉ còn là hai cái núm lép kẹp…

20-11-1968

     Mười ngày đi cõng gạo đã qua. Từ hôm 10-11, mình, anh Tiến, Thanh Đính, anh Linh, ông Chất và Thảo đi cõng gạo. Còn Vân và Thu Hoài thì đi đồng bằng lùng mua hàng. Theo hẹn, bọn mình phải đi vòng đường A7 để tìm tin Thông đã xuống trước xem gạo để đâu. Suốt mấy hôm ăn ba bữa bắp liền mình đã giảm sức. Lại sốt. Sốt lử đử từ hôm 6-11 đến 9-11, mình không làm gì được. Chỉ nằm. Cơm không có ăn. Nhưng huy động cả nhà đi mình không có mặt khó coi quá. Mình gắng đi. Tin là nó sẽ khỏi dần như lần trước. Đi ba ngày mới tới Tí Sé. Ai cũng mệt. Mình rét run lẩy bẩy. Lội suối, nhất là suối A7, mình buốt tận óc. Vay được gạo nhưng mình không ăn được cơm. Sáu người mua 1kg thịt lợn giá 380đ, mình được vài miếng mà cũng chỉ ăn ba bát nhỏ cơm (bát đồng bào). Mình không có tiền nên các anh mua thêm thịt ăn ngoài đến ớn mà mình vẫn thèm. Mình muốn gặm chân giò hoặc sườn, nhưng mình không có tiền. Mỗi người được vay 250đ. 250đcủa mình Thanh Đính (ca sĩ)  cầm để mua xà phòng và kem đánh răng rồi… Buổi tối mỗi người được mua 2 tán đường, góp một tán vào nấu chè chung. Mình ngán. Cố ăn mà ăn được rất ít. Chỉ thèm thịt.

     Ở Tí Sé một tối. Sớm hôm sau, Anh Tiến, Thanh Đính, ông Chất và Cao Duy Thảo đi Sơn Phúc lĩnh 100kg gạo. Số gạo lĩnh theo phiếu chỉ cần 4 người cõng. Mình phải quay lên với anh Linh. Tìm kho gạo của Thông. Nghe đồn Thông và anh Giai đã móc gạo gửi ở cách Tí Sé 2 giờ đường mà tìm nửa ngày không thấy. Nằm lại ở một cái kho gạo dọc đường của bộ đội. Vay gạo của họ ăn. Ông Linh về nhà để báo tin cho mấy vị đi chỉnh huấn. Mình nằm lại và từ 14 đến 17-11 mình vẫn sốt. Nằm lịm. Mệt nẫu người. Không ăn được. Chờ người ở nhà xuống không thấy (Thông và anh Giai đi cõng đã về). Chờ cánh Sơn Phúc lên cũng không thấy. Mình phải xin người đi đường từng tí mắm. Lấy một tán đường nấu chè mà bỏ hết. Nghe tin anh Ngô Trí Hữu sốt rét ác tính chết, mình rụng rời cả người. Nhớ đầy đủ những kỷ niệm về anh ấy, người mình thương mến nhất trong đoàn cùng vượt Trường Sơn. Ở miền Nam, cái chết đến thật mau lẹ và dễ dàng. Mình buồn. Một tay Làng Bắc (cơ quan điện đài Khu), người Hà Nội, mở cho mình ăn cả một hộp thịt mà mình chịu. Chán quá. Mãi 17-11, anh Tiến và Thảo mới cõng gạo qua. Hai người đều sốt. San bớt hơn ang rưỡi gạo cho mình cõng. Ba người mang về được có hơn 100 lon. Mình cõng cả võng và màn. Tất cả chưa tới 2 ang mà mình đi chậm. Mệt bã. Chưa bao giờ mình bị kiệt quệ như lần này.

     Mình vẫn không ăn được. Không lần nào biết đói. Mình leo dốc một cách khó nhọc mới về tới. Ở nhà Thông đã đi cõng chuyến nữa. Vân và Phương Anh sáng nay đi. Còn 16 ang và 100kg ở Sơn Phúc. Mình sẽp hải đi một chuyến nữa vì chuyến này vô duyên quá. Cũng may, nếu có gạo nặng hơn thì mình bò ra đường mất. Không may mà hóa may.

     Anh Hồng vừa khám cho mình. Anh ấy bảo gan và lá lách của mình không việc gì. Mình hết cả ký ninh nên vừa qua chỉ ngày nào sốt mới uống 6 viên bột gói vào giấy. Anh Hồng bảo mình vẫn đang sốt, cho mình 24 viên ký ninh uống trong 6 ngày. Hôm nay bữa sáng mình ăn khá, vì chiều qua không ăn. Bữa trưa lại bỏ ăn. Khổ quá. Ở kho dọc đường 4 ngày mình chỉ ăn có 5 lon gạo mà vừa ăn vừa cho bớt. Không thấy đói. Thèm thịt quá chừng. Ngọt thì chán rồi. Ba tối liền ăn chè.… Mình buồn vì thấy người kiệt sức quá. Hai tháng mất kinh rồi. Sốt mãi còn máu đâu nữa.

15-12-1968

     Lại nhận được thư anh Hải và thư Nhàn viết tháng 6-1968. Đến hôm ấy Ly của ta đã nói được hai tiếng một. Và khi bắt đầu nói được như vậy thì con ta đã phải trả lời thế này:- Bố đâu? - Đi Nam. - Mẹ đâu? - Đi Nam. Ôi, thương Ly vô hạn. Cứ nghĩ vậy là mình lại khóc. Khổ thân con quá. Đời nó có cái mốc thật kỳ lạ. Đẻ ra vừa biết cười là bom đạn. Vừa biết cười lên tiếng là xa bố, vừa nhú răng là sơ tán. Vừa biết gọi mẹ là xa mẹ và vừa biết nói hai tiếng thì nói “Đi Nam”.

Minh Cao (ST)