Trái cây Việt vẫn "lép vế" trên thị trường ngoại

00:00 12/10/2020

Cước phí vận chuyển, đóng gói, chiếu xạ cao là những nguyên nhân đẩy giá thành trái cây của Việt Nam lên cao, khó cạnh tranh tại thị trường ngoại.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam tháng 5/2018 ước đạt 303,1 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Chiếm 1% thị phần thị trường trái cây thế giới

Xuất khẩu rau quả có nhiều tháng vượt cả dầu thô về kim ngạch . Đây cũng là mức tăng trưởng kỷ lục khi ngành rau quả liên tục duy trì được mức tăng trưởng rất cao trong 4 năm liên tiếp trở lại đây.

Trong nhóm hàng nông nghiệp, kim ngạch rau quả chỉ đứng sau thủy sản và vượt qua mặt hàng cà phê. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển cho trái cây Việt Nam cũng còn rất lớn vì mới chiếm 1% thị phần thị trường trái cây thế giới. Việt Nam vẫn có thể nâng cao con số này trong tương lai, nếu khắc phục được những vướng mắc tồn đọng và giải quyết được bài toán về giá thành.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các loại quả xuất khẩu chính của Việt Nam chủ yếu vẫn là thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, dưa hấu.

Hiện nay, các thị trường xuất khẩu rau quả lớn của Việt Nam gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc; ngoài ra còn có Malaysia, Thái Lan, Liên minh châu Âu (EU)...

Ảnh minh họa

Riêng EU, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nhu cầu tiêu thụ rau, quả các loại của thị trường này rất lớn, khoảng 115 - 130 triệu tấn/năm, trái cây khoảng 70-80 triệu tấn/năm và có xu hướng ngày càng tăng. Giai đoạn 2011-2017, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào EU mặc dù đã liên tục tăng với tốc độ bình quân đạt 10%/năm, nhưng mới chỉ chiếm khoảng 0,4% tại thị trường này.

Tương tự, tại Mỹ, đến nay, đã có 6 loại trái cây tươi Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ, song lượng không đáng kể, chỉ chiếm khoảng 3% thị phần. Lý do trái cây tươi Việt Nam chưa nhiều tại thị trường EU là do mặt hàng này kém cạnh tranh so với các đối thủ khác có vị trí địa lý gần hơn và các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á về giá, chất lượng, thời gian giao hàng.

Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, việc phụ thuộc chiếu xạ từ doanh nghiệp độc quyền đã làm gia tăng thời gian và chi phí vận chuyển trái cây, đặc biệt với những lô hàng đòi hỏi phải bảo quản, vận chuyển bằng xe giữ lạnh.

Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển hàng không cũng là gánh nặng cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả. Theo tính toán của ông Tùng, chi phí chiếu xạ, đóng gói, vận chuyển máy bay sang thị trường nhập khẩu chiếm trên 50% giá thành rau quả Việt. Đây cũng là nguyên nhân khiến rau quả Việt, dù chất lượng, nhưng lại không giành được lợi thế khi xuất ra nước ngoài.

Lối ra nào?

Mặc dù tăng trưởng tốt, nhưng Bộ Công Thương cho biết, ngành rau quả vẫn đang phải đối mặt với một số vấn đề như sản xuất phân tán, tỷ lệ hao hụt lớn, giá thành sản phẩm cao, công nghệ chế biến bảo quản còn hạn chế nên chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát, dễ bị cảnh báo. Bên cạnh đó, gặp cạnh tranh cao từ Thái Lan, Indonesia, Myanmar,... thậm chí ngay tại thị trường trong nước. Công tác mở cửa thị trường phức tạp, mất nhiều thời gian (thường mất từ 5 - 8 năm và phải đánh đổi tương đương).

Theo Bộ Công thương, trước mắt, các doanh nghiệp Việt cần tăng cường quảng bá và tận dụng tốt hơn nữa hình thức giao dịch thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ.

Về dài hạn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức lại sản xuất trên cơ sở rà soát quy hoạch, đánh giá tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, vùng, miền, tiến tới xây dựng cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, Bộ cũng thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị nông sản nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe về hàng rào kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cũng cần tận dụng thị trường EU và Mỹ để gia tăng xuất khẩu. Để làm được điều này, theo ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất, để đảm bảo nguyên liệu đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, nên quy hoạch các vùng sản xuất VietGAP và áp dụng thao tác bọc trái, quản lý vùng sản xuất theo mã số...

Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu chính sách đầu tư công nghệ xử lý kiểm dịch thực vật, công nghệ bảo quản, chế biến sâu, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Đồng thời, nên tính tới chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đủ năng lực cạnh tranh.

Còn theo Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nếu muốn làm chủ được trong xuất khẩu nông sản, ngành nông sản Việt phải có lực mạnh, vốn lớn, có số lượng sản phẩm nhiều, chủ động được về thời gian, kho bãi dự trữ... Tức là ngoài việc bảo đảm về kỹ thuật sản xuất thì quản lý nhà nước cũng phải có chiến lược phù hợp, sản xuất phải kết hợp với chế biến, thu hoạch phải có kho bãi bảo quản, dự trữ để giữ được lâu hơn. Có như vậy chúng ta mới chủ động, tự tin trong đàm phán được.

"Bên cạnh đó, Việt Nam phải lựa chọn, xây dựng phát triển sản phẩm đặc trưng nhằm hướng tới phục vụ từng nhóm khách hàng cụ thể.", ông Phú cho hay.

Nha Trang