“Trắc trở” đàm phán thương mại Mỹ- Trung

00:00 12/10/2020

Cuộc đàm phán thương mại sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 có thể sẽ không đạt được kết quả như kỳ vọng.

Bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ tại các hội nghị cấp cao ASEAN, thượng đỉnh Đông Á (ở Singapore) và Diễn đàn APEC (ở Papua New Guinea) như mở đầu cho một cuộc gặp không mấy thuận lợi giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình tại Argentina vào cuối tuần này (30/11- 1/12).

p/Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đối đầu mạnh mẽ tại Hội nghị cao cấp Diễn đàn APEC được tổ chức vừa qua tại Papua New Guinea.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đối đầu mạnh mẽ tại Hội nghị cao cấp Diễn đàn APEC được tổ chức vừa qua tại Papua New Guinea.

Chỉ dấu không mấy lạc quan

Trong khi các quan chức Mỹ, Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc gặp giữa các nguyên thủ của 2 nước, thì tại kỳ họp vừa qua của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đại diện 2 nước lại đấu khẩu quyết liệt.

Phía Mỹ cáo buộc Bắc Kinh sử dụng WTO để theo đuổi các chính sách “phi thị trường” và “dối trá”, trong khi đại diện Trung Quốc lại cho rằng chính Mỹ mới là bên vi phạm, coi thường những quy tắc của tổ chức này. Thậm chí, ông Kevin Hassett, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump còn ám chỉ yêu cầu WTO trục xuất Trung Quốc ra khỏi tổ chức, khiến Bắc Kinh nổi giận…

Khi có phóng viên hỏi về phản ứng của Trung Quốc trước phát biểu của ông Kevin Hassett, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng, WTO là một tổ chức đa phương, chứ không phải của riêng người Mỹ. Các thành viên WTO đều bình đẳng, không phải mình Mỹ nói là xong. “Đại diện phía Mỹ ám chỉ việc khai trừ Trung Quốc khỏi WTO là “kẻ ngốc nói mê”, nhưng điều đó cũng bộc lộ miệng lưỡi cường quyền bắt nạt và tâm thế “mình ta là nhất” của người Mỹ”, ông Cảnh Sảng nhấn mạnh.

Các diễn tiến có thể xảy ra

Trước đó, ngày 15/11, thông tin từ chính quyền Mỹ cho biết, văn bản phản hồi của Trung Quốc đối với yêu cầu cải cách thương mại của Mỹ có thể sẽ không tạo ra đột phá trong cuộc đàm phán sắp tới giữa hai nguyên thủ. Văn bản này bao gồm 142 mục chia thành ba phần: các vấn đề Trung Quốc sẵn sàng đàm phán, các vấn đề đang thực sự được giải quyết và các vấn đề không thể đàm phán.

Do đó, cuộc đàm phán Mỹ- Trung sắp tới có thể đưa ra rất nhiều vấn đề lớn vào chương trình nghị sự của hai nguyên thủ. Nếu cuộc gặp này đạt được một số kết quả cụ thể nào đó, có thể giúp gạt bỏ những trở ngại đến từ nội bộ.

 Việt Nam cần đẩy mạnh có chọn lọc việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi các doanh nghiệp quốc tế, kể cả doanh nghiệp Trung Quốc, đang dịch chuyển sản xuất từ nước này sang Việt Nam. 

Còn một tình huống khác có thể xảy ra, đó là cả hai bên đều biết rằng không thể đạt được những đột phá trong thương lượng, nhưng lại không muốn ra về “tay không”, cho nên các nhà đàm phán sẽ thảo luận tại chỗ về một thoả hiệp tạm thời. Mặt khác, để đối phó với nội bộ mỗi nước, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều không muốn tỏ ra mình là bên “phải nhượng bộ”. Bởi vậy, việc “Mỹ cầu hoà” hay “Trung Quốc tạ tội” đều không thể xảy ra.

Đối sách của Việt Nam

Đứng trước nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung tiếp tục leo thang, Việt Nam cần rút tỉa được lợi ích và giảm bớt các tác động tiêu cực. Đối với các doanh nghiệp trong nước, phải được hỗ trợ để có thể phát triển sản xuất các mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế cao. Muốn vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần mua nguyên, vật liệu từ các quốc gia khác, thay vì từ Trung Quốc, đồng thời Chính phủ cần xóa bỏ rào cản gây trì trệ cho các nhà sản xuất trong nước.

Quan trọng hơn nữa, Việt Nam cần đẩy mạnh có chọn lọc việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi các doanh nghiệp quốc tế đang dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Để thực hiện điều này, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ thể chế, để giảm thiểu các thủ tục hành chính và bài trừ vấn nạn tham nhũng nhằm củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Mỹ đang rất cảnh giác với chủ trương của Trung Quốc xem cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung là cơ hội để xúc tiến kế hoạch về 7 khu vực phát triển kinh tế biên mậu với Việt Nam. Bởi vì, khu vực biên mậu Việt- Trung rất có thể là những nơi “trú ẩn” cho các Cty sản xuất hàng Trung Quốc nhưng dán mác Việt Nam.

Vấn đề cơ bản hơn đối với các doanh nghiệp Việt Nam là phải xây dựng đạo đức kinh doanh trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Nếu không thì có thể phải trả giá đắt, giống như trong các vụ điều tra về thép trước đây. Không loại trừ, sau khi kết luận ngã ngũ, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế cao hơn cho các sản phẩm “made in Việt Nam” thì thật là lợi bất cập hại.